Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghề Lobby chính trị : Công nghệ hái ra tiền

Công nghệ hái ra tiền

Ông nghị Cunningham (giữa) một thời được xem như anh hùng quân đội, nay phải lãnh án 8 năm 4 tháng tù vì không chịu nổi những viên đạn bọc đường khi bước vào chính trường .  Ảnh: AP

Nhiều chính khách sau thời gian tung hoành trên chính trường lại sống khá sung túc với một nghề mới nhàn nhã: sử dụng lại những mối quen biết cũ để làm ăn cho các doanh nghiệp.

Vì sao Tập đoàn Hewlett-Packard (HP) dám tăng gấp đôi ngân sách dành cho chuyện vận động hành lang (VĐHL) trong năm 2004 (lên đến 734.000USD)? Đơn giản thôi, nếu công ty VĐHL danh tiếng Quinn Gillespie & Associates mà họ thuê làm được việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua điều luật đặc biệt về việc nhìn nhận lợi nhuận (lên đến 14,5 tỉ USD) của các chi nhánh ở nước ngoài của tập đoàn thì HP sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD tiền thuế.

Đôi bên cùng có lợi nên các doanh nghiệp vẫn trông cậy vào tài năng quan hệ của các tay VĐHL chuyên nghiệp và thế mới có chuyện các văn phòng VĐHL mọc lên như nấm trong thời gian gần đây ở các trung tâm chính trị lớn.

Sôi động Washington và Brussels

Có ba lý do của sự bùng nổ công nghệ VĐHL. Theo một số chuyên gia, có những nguyên do khiến giới VĐHL vớ bở trong khoảng năm năm qua: một là chính quyền liên bang Mỹ đã mạnh tay chi ngân sách từ 1.790 tỉ USD của năm 2000 lên 2.290 tỉ vào năm 2004 (nên các doanh nghiệp đều muốn có “tay trong” vận động để kiếm hợp đồng với chính phủ); hai là khuynh hướng ủng hộ chuyện làm ăn của giới doanh nghiệp khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội và ba là chính sách nhìn nhận lợi nhuận ở nước ngoài của các tập đoàn. Vì thế theo thống kê có đến 17.300 văn phòng VĐHL chuyên ve vãn các nghị sĩ, 2.800 vây lấy Lầu Năm Góc và 2.000 ngày đêm tấn công các nhân viên của Nhà Trắng.

Nghề VĐHL cũng đã bắt đầu rất sôi động ở Brussels (Bỉ), nơi có trụ sở của Liên minh châu Âu. Con số thống kê được đưa ra là 15.000 tay VĐHL chuyên nghiệp đang miệt mài làm việc trong 2.600 văn phòng chuyên nghề quan hệ với các chính trị gia châu Âu. Doanh số của nhóm này cũng cỡ 60-90 triệu euro và tăng nhanh chóng.

Họ có khá nhiều việc để làm vì các ủy ban ở Brussels có đến 26.000 nhân viên mà họ cần móc ráp quan hệ. Đó là chưa kể khoảng 1.000 nhà báo có thể ra vào các trụ sở của EU. Đây cũng là nhóm đối tượng tác động của các tay VĐHL. Gây tác động lên các chính trị gia qua ngả truyền thông cũng là một phương sách không hề kém hiệu quả. Một quan chức cấp cao ở EC vì thế than vãn: "Hãy cứ giở tờ Financial Times số ra ngày thứ ba là biết ngay những quyết định vào ngày hôm sau của các vị ủy viên châu Âu”.

34.785. Đó là số văn phòng lobby được ghi nhận tại Washington vào năm 2005, tăng hơn gấp đôi trong vòng năm năm.

2,1 tỉ USD. Đó là số tiền mà các doanh nghiệp và các nhóm gây áp lực chi ra trong năm 2004 để “vận động hành lang” tại Quốc hội Mỹ và đối với các cấp chính quyền. Hồi năm 2000, con số này chỉ là 1,6 tỉ USD.

300.000 USD. Đó là mức lương khởi điểm năm mà một doanh nghiệp có thể trả cho một tay vận động hành lang có tài năng hoặc có quen biết lớn. Bằng chứng là khoảng phân nửa số nghị sĩ Mỹ sau khi rời chính trường đã trở thành nhà vận động hành lang. Ngay như cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ John Ashcroft, chỉ ba tháng sau khi rời chính quyền đã tham gia ngay vào nghề vận động hành lang và kiếm đến 269.000 USD mỗi năm dù luật qui định ông ta không được làm loại công việc này trong vòng một năm.

Nghề hợp pháp

Ở Mỹ, nghề VĐHL không chỉ là một nghề hợp pháp mà thậm chí còn được ghi trong hiến pháp. Điều khoản số 1 là bảo vệ quyền của công chúng được “kiến nghị đối với chính phủ”, ngang bằng với quyền tự do báo chí. Vì vậy ở Washington các văn phòng VĐHL nằm ngay trên trục lộ chính K Street, bên cạnh các văn phòng luật sư, cố vấn…

Họ cũng công bố rất minh bạch các khoản chi tiêu của mình trong công việc. Thậm chí như Paul Miller, chủ tịch Liên đoàn Các nhà VĐHL Mỹ (ALL), còn tự hào khoe: “Không có chúng tôi, tôi không biết có điều luật nào được thông qua ở Mỹ hay không”.

Vì lẽ đó người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh vào giờ ăn trưa và ăn tối, những nhóm người đạo mạo trong bộ vest xám, tay xách cặp, đổ về những địa điểm nổi tiếng ở quanh tòa nhà Quốc hội. Đó là Capitol Hill Club cho cánh Cộng hòa và trụ sở của Ủy ban Dân chủ quốc gia (NDC) cho cánh Dân chủ hoặc là nhà hàng The Hill cho mọi giới. Ở những nơi này, người ta có cả những phòng riêng thường ngày dành cho những cuộc họp “gây quĩ”. Những người ngoài cuộc khó có thể biết điều gì đang diễn ra sau những vuông cửa kính mờ đục.

Mọi thứ đều minh bạch ở Mỹ nhưng cũng rất mờ đục khi người ta muốn nhìn soi mói vào đó. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội ở Mỹ phải bỏ phiếu thông qua đến gần 4.000 luật, phải đọc qua hàng trăm báo cáo, lập ra hàng trăm ủy ban điều tra, nghe hàng trăm buổi điều trần... Chẳng ai có thể xác định được những ảnh hưởng ngầm đối với việc thông qua hay không những điều luật đó. Chẳng có tổ chức nào có đủ thời gian và đủ dũng khí để tìm hiểu tận ngóc ngách các vấn đề.

Bó tay

Hẳn cũng biết rõ quyền lực của các chính trị gia nên qui định về đạo đức của Quốc hội Mỹ đặt ra mức giới hạn về giá trị quà cáp mà các nghị sĩ có thể nhận là dưới 50 USD (quà của bạn bè thân tặng thì được phép dưới 250 USD). Nhưng qui định đó dễ dàng bị qua mặt vì các hội đoàn phi lợi nhuận không phải tuân theo luật định. Các tay VĐHL sẽ tìm cách lập ra các hội đoàn giả mạo để mời mọc chính khách và quan chức chính phủ.

Nhóm America’s Trust do 12 tay VĐHL lập ra là một ví dụ. Theo Tổ chức phi chính phủ Center for Public Integrity, các tay VĐHL đã chi đến 2,3 triệu USD cho những chuyến đi nghỉ mát của 620 nhân viên của Nhà Trắng từ năm 1998 (tức dưới trào Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Geroge Bush). Một trợ lý nghị sĩ giải thích: "Khi giới luyện kim mời tôi đi thăm các nhà máy và gặp gỡ những tay chuyên nghiệp trong lĩnh vực rất quan trọng đối với hoạt động của lãnh đạo của tôi, rõ ràng đó không phải là chuyện VĐHL mà là chuyến đi tìm hiểu thông tin”.

Khi các chính khách xem chuyện được mời mọc như lẽ đương nhiên thì rào cản luật pháp nào có thể ngăn chặn được những quan hệ sâu hơn giữa họ với giới doanh nghiệp thông qua môi giới khôn ngoan của những tay VĐHL. Nhật báo The Washington Post hồi cuối tháng 1-2006 cũng từng khiến thượng nghị sĩ Conrad Burns của Đảng Cộng hòa méo mặt khi công bố chi tiết chuyện tiệc sinh nhật lần thứ 70 kết hợp gây quĩ tranh cử của ông này. Văn phòng VĐHL Cassidy & Associates đứng ra tổ chức với thư mời định mức 500 - 2.000 USD tùy hầu bao của khách được mời.

Những viên đạn bọc đường của giới VĐHL quả đáng nể. Hồi cuối tháng 11-2005, nghị sĩ Randy Cunningham, cựu phi công của lực lượng Hải quân Mỹ, người từng là hình mẫu trong bộ phim Top gun hoành tráng của Hollywood với Tom Cruise thủ vai chính, đã phải rời bỏ Quốc hội và thú nhận mình đã ngửa tay nhận quà của cánh chủ doanh nghiệp. Những món quà không nhỏ vì được tính tổng cộng trị giá đến 2,4 triệu USD. Đương nhiên ông nghị sĩ này phải trả nghĩa bằng cách vận động giúp các doanh nghiệp kia kiếm được các hợp đồng bên giới quân đội.

Có thể lấy nhận định của TNS John McCain như một kết luận về tình hình VĐHL hiện nay ở Mỹ: "Nó đang nằm ngoài tầm kiểm soát". Một số lãnh đạo Quốc hội ở Mỹ hiện chỉ dựa trên luật đã qui định để buộc các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ hơn việc tiếp nhận quà biếu. Xem ra khó làm sao!

(Theo NGUYỄN QUÂN // TuoiTre Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Fastfood: cuộc đua của những “ông lớn”
  • Bạn đã bỏ lỡ cơ hội?
  • Khi nào cần thay đổi mô hình kinh doanh?
  • Thu hút các nhà đầu tư như thế nào?
  • “Hội chứng” kinh doanh truyền hình
  • Khi người trong cuộc cũng không muốn độc quyền
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nỗ lực và vận hội kinh doanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com