Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghề tư vấn: bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình

Trong giai đoạn hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam rất cần học hỏi kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh doanh từ các tập đoàn lớn của nước ngoài. Việc thâm nhập trực tiếp vào một công ty nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu, tất nhiên là khó có thể thực hiện được.


Do vậy, các doanh nghiệp thường sử dụng các đơn vị tư vấn bên ngoài để được hỗ trợ hoạch định chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, thiết kế hệ thống quản lý… theo cách thức chuyên nghiệp của các công ty đa quốc gia.


Nhìn chung, các đơn vị tư vấn tên tuổi trên thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết đều mang yếu tố nước ngoài - hoặc là của nước ngoài đầu tư, hoặc là do các chuyên gia Việt Nam từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong các tập đoàn lớn của nước ngoài trực tiếp tổ chức, thực hiện…


Các lĩnh vực tư vấn hiện nay trên thị trường khá phong phú, có thể bao trùm từ các mảng hoạt động riêng lẻ như tiếp thị, bán hàng, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính... đến hoạch định chiến lược, tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp... Một số công ty còn có thể “bao sân” đồng thời nhiều lĩnh vực tư vấn khác nhau. Thị trường tư vấn với khá nhiều “anh hùng, hào kiệt”, đã tung ra nhiều chiêu thức quảng bá khác nhau - từ việc mở trang web, tổ chức hội thảo để giới thiệu nhẹ nhàng đến các chương trình quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có thể đem lại hiệu quả cao, đồng thời phù hợp với túi tiền là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.


Đã có một số công ty tư vấn tự định vị cho mình như là một “bác sĩ chuyên khoa” - chỉ chuyên về một lĩnh vực tư vấn duy nhất và cố gắng khẳng định đẳng cấp của mình ở lĩnh vực này. Có công ty chuyên tư vấn tiếp thị, thì chú trọng truyền thông về lĩnh vực tiếp thị; có công ty chuyên về tài chính, chỉ tuyên bố với khách hàng về khả năng tư vấn tài chính; các công ty khác cũng khẳng định mình “chuyên trị” tái cấu trúc hoặc quản trị nguồn nhân lực, hoặc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng…


Sự chuyên biệt này là hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường đang có không ít “thầy lang” tuyên truyền có thể chữa “bá bệnh”; và cũng không ít doanh nghiệp từng làm “con bệnh” bất đắc dĩ và đau khổ của các “thầy lang” để rồi cuối cùng phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.  


Cũng như bác sĩ chuyên khoa y tế, các “bác sĩ chuyên khoa” tư vấn cũng phải thể hiện cái “chuyên” của mình qua kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu, phương pháp và công cụ điều trị chuyên dùng, qua các loại “thuốc đặc trị” và cách hành xử chuyên nghiệp.


Đặc biệt, các “bác sĩ chuyên khoa” càng phải coi trọng “y đức”. Các loại “biệt dược” và các thiết bị chuyên khoa thường rất đắt tiền và thường gây tác dụng phụ. Nếu bác sĩ không có y đức, bệnh nhân sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc cho những loại thuốc có thể là “đặc” nhưng không “trị”, đồng thời có thể sẽ mất mạng vì những tác dụng phụ của thuốc, chứ không phải vì căn bệnh chính. Không ít doanh nghiệp đã tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho những “liều thuốc” được “kê toa” bởi những “bác sĩ” không chuyên (và không có y đức) để rồi bệnh của doanh nghiệp ngày càng nặng thêm, và lại còn phát sinh thêm bệnh mới từ chính cách chữa trị của các vị “bác sĩ” này.


Như mọi người bệnh, doanh nghiệp rất cần những “bác sĩ chuyên khoa”, nhưng còn cần hơn những “bác sĩ gia đình”. Đơn vị tư vấn phải là “bác sĩ chuyên khoa”, nhưng đồng thời phải hành xử như một “bác sĩ gia đình” để có thể gần gũi, lắng nghe, chia sẻ vui buồn cùng doanh nghiệp.


Chỉ có hành xử như một “bác sĩ gia đình”, nhà tư vấn mới có thể hiểu hết và hiểu rõ được mọi “ngóc ngách”, đặc thù của doanh nghiệp. Người bác sĩ không thể chữa bệnh hiệu quả nếu không chịu khó lắng nghe, tìm hiểu lịch sử bệnh tật, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt, ăn uống, cách sống và lịch sử điều trị của bệnh nhân. Nhà tư vấn không thể  tư vấn tốt cho doanh nghiệp nếu không thực sự gần gũi, thăm hỏi để hiểu rõ lịch sử hình thành, phát triển doanh nghiệp, đặc điểm, tích cách người chủ, phong cách lãnh đạo của cấp quản lý cấp cao, văn hóa doanh nghiệp, những “bệnh” và “tật” của doanh nghiệp (và của những người lãnh đạo cao nhất)…


Ngoài ra, nhà tư vấn không chỉ “chữa bệnh” một lần rồi thôi, mà còn phải đồng hành cùng doanh nghiệp để tiếp tục “theo dõi bệnh tật” về sau, để cho những lời khuyên, lời dặn dò trong việc ngăn ngừa tái phát bệnh cũ, phát sinh bệnh mới.


“Bác sĩ gia đình” không chỉ làm nhiệm vụ chữa bệnh cho doanh nghiệp ở chuyên khoa mà mình giỏi. “Bác sĩ gia đình” còn có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn các “bác sĩ chuyên khoa” khác để điều trị các “bệnh” khác của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp không có hoặc có ít khả năng đánh giá năng lực, uy tín nhà tư vấn (cũng như bệnh nhân ít có khả năng đánh giá năng lực bác sĩ). Đơn vị tư vấn được giao phó vai trò “bác sĩ gia đình” sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn nhà tư vấn phù hợp cho các lĩnh vực khác trong doanh nghiệp mà mình không có hoặc không giỏi chuyên môn. Việc “tìm thầy”, “kiếm thuốc” thông qua “bác sĩ gia đình” sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và điều trị bệnh tật hiệu quả.


Đương nhiên, để được doanh nghiệp xem là “bác sĩ gia đình”, nhà tư vấn không chỉ phải thực sự là chuyên gia giỏi, có uy tín, mà còn phải luôn đối xử thân tình và chân tình với doanh nghiệp. Nhà tư vấn phải gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp, phải sẵn sàng để “ới một cái là có mặt”, giúp doanh nghiệp trong những lúc khó khăn. Ngoài ra, “bác sĩ gia đình” còn phải có mong muốn và sẵn sàng trở thành thành viên của “gia đình” doanh nghiệp. Có đơn vị tư vấn, sau quá trình tư vấn (đồng thời là quá trình tìm hiểu), với sự mời gọi của doanh nghiệp, đã tham gia mua cổ phần, góp vốn cùng doanh nghiệp (đương nhiên, với một cơ chế phù hợp) để đồng hành, cùng chia sẻ thuận lợi, khó khăn.


“Bác sĩ chuyên khoa” đồng thời là “bác sĩ gia đình” là xu hướng mới trong nghề tư vấn. Đây là dấu hiệu tốt cho “mối lương duyên” bền chặt và hiệu quả của doanh nghiệp và nhà tư vấn. Khác với “bác sĩ công cộng”, ai cần thì đến khám, trả tiền rồi đi, bất chấp diễn biến bệnh tật về sau, “bác sĩ gia đình” sẽ là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp.

(Theo Nguyễn Hữu Long // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bài học của General Motors
  • Nga tìm cách cứu búp bê gỗ xếp matryoshka
  • Kinh doanh tường Berlin
  • Nạn nhân đầu tiên của thế giới thời trang sắp phá sản
  • Đòn độc quyền của tập đoàn, doanh nghiệp lớn
  • Thoát hiểm nhờ “tiếp thị” rủi ro
  • Thương hiệu Hummer sắp về tay người Trung Quốc
  • Hàng Hàn Quốc: tiên phong chiêu mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com