Nhiều thương hiệu của những nhà sản xuất hàng gia dụng, hàng tiêu dùng Hàn Quốc đang bán khá chạy ở Việt Nam chưa đứng vào top hàng đầu thế giới, cụ thể nhất là các nhãn hiệu mỹ phẩm, nhưng người Việt Nam vẫn chụộng mua. Nhiều mặt hàng khác không hề thấy bán ở các trung tâm thương mại, cửa hàng, chỉ bán qua điện thoại hay Catalogue nhưng vẫn có khách.
Thực tế đáng ghi nhận, là hàng Hàn Quốc đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những chiêu tiếp thị mới lạ.
Từ bán hàng tận nhà
Sự có mặt của mỹ phẩm Debon (Hàn Quốc) vào Việt Nam năm 1997, trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm trong nước lúc bấy giờ chủ yếu là hàng nhập của Trung Quốc, Thái Lan, hàng xách tay từ các nước Âu, Mỹ cùng với một số sản phẩm của nhà sản xuất trong nước như Thorakao, Lana, Bodeta…, có thể xem là bước đánh dấu cho làn sóng làm đẹp, từ đó khởi động thị trường.
Debon là một trong những hãng đầu tiên phát triển các hình thức tổ chức đội ngũ nhân viên tiếp thị bán hàng tận nhà (Door to door), các ngày hội chăm sóc sắc đẹp, các beauty salon chăm sóc sắc đẹp miễn phí cho khách mua hàng…Tạo nên sự khác biệt cho Debon vào đầu những năm 2.000 là đội ngũ nhân viên tư vấn mỹ phẩm được đào tạo bài bản, biết cách tư vấn dùng mỹ phẩm, biết cách khơi gợi tâm lý và nhu cầu sắc đẹp của khách để bán hàng. Thời điểm đó, người đạt danh hiệu “nữ hoàng bán lẻ” của Debon có mức lương lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Chính đội ngũ này, hiệp sức cùng các chiến dịch quảng bá thương hiệu qua những đêm ca nhạc thời trang có mặt người mẫu Kim Soo Jong, các diễn viên đóng vai chính của các phim phát sóng trên truyền hình Việt Nam được khán giả ưa chuộng… đã giúp Debon nhanh chóng vượt lên. Doanh số bán liên tục tăng từ 30 - 40%/năm. Năm 2.000, doanh số của Debon đã vào khoảng 5 triệu USD, năm 2001- 2002 lên đến 8 triệu USD. Thị trường Việt Nam trở thành trọng tâm của Debon vì đây là nơi mang lại doanh thu cao nhất cho nhãn này.
Hiện nay, có hơn 20 nhãn hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam, trở thành mốt của giới trẻ nhờ những gam màu thời trang cho từng mùa và những kỹ thuật trang điểm hiện đại: Laneige, Coreána, Etude, Lamy, Geo, Arrow, VOV… Đưa ra quan điểm “mỹ phẩm như là thực phẩm hàng ngày”, Missha và The Face shop là 2 nhãn hiệu Hàn Quốc đến Việt Nam chậm hơn các nhãn khác, đã chọn cách cắt giảm tối đa các chi phí bao bì để có giá thành rẻ mà số đông mọi người có thể mua được, đồng thời bán sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng trực tiếp, không thông qua kênh phân phối trung gian…
Bán hàng qua tivi
Những kênh truyền hình chuyên dành cho việc bán hàng tiêu dùng, chủ yếu là hàng Hàn Quốc có thể kể đến là BTV, LA, HTVC, SCTV… Theo dõi các chương trình này, có thể thấy các mặt hàng khá đa dạng và phong phú, có nhiều nấc giá từ thấp đến cao.
Nếu so với những đoạn quảng cáo ngắn, tự giới thiệu của các sản phẩm Việt nam trên các kênh truyền hình nhiều tỉnh thành, người xem dễ nhận ra nét khác biệt của cách bán hàng trên truyền hình của Hàn Quốc là hình ảnh có màu sắc đẹp, công dụng sản phẩm, tính năng, giá cả… được chỉ dẫn chi tiết, và rõ ràng.
Điều đáng nói ở đây là cách định hướng, khơi gợi người tiêu dùng nội trở đến với sản phẩm bằng tiện ích bằng tính đa năng của các vật dụng làm bếp, lau chùi nhà cửa, bảo quản thực phẩm, dọn dẹp ngăn nắp… để từ đó thể hiện vai trò người phụ nữ hiện đại là thông minh, biết tiết kiệm thời gian, biết chăm sóc gia đình…
Điều này còn được khẳng định ở chỗ những sản phẩm đã bán trên tivi, ít khi có bán ngoài cửa hàng, nên người mua khó so sánh giá, cũng không biết đắt rẻ thế nào. Chỉ có tính năng sản phẩm và sự tiện nghi là biểu hiện rõ nhất để thuyết phục người tiêu dùng bỏ tiền ra mua.
Nhìn những bộ hộp nhựa Hàn Quốc quảng cáo tính năng tồn trữ thực phẩm, sử dụng an toàn trong lò vi ba có thể liên tưởng: sản phẩm chưa hẳn tốt hơn loại hộp nhựa công nghệ Nano hiện đại nhất thế giới hiện nay của công ty Đại Đồng Tiến, nhưng rõ ràng giá bán cao hơn cả chục lần, và người tiêu dùng cảm nhận về sản phẩm ấn tượng hơn là những trang giấy in hình hộp nhựa Việt Nam quá đơn giản đang quảng cáo trên báo.
Và các điểm bán lẻ
Tại TP.HCM đang có khoảng 80 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini chuyên doanh các sản phẩm tiêu dùng nhập từ Hàn Quốc bao gồm từ hàng đông lạnh đến thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, gia vị, thức uống... Trong đó, có những nhà kinh doanh đã mở hẳn các chuỗi cửa hàng với nhiều điểm bán có tên tuổi, được khách hàng ưa chuộng như A1mart, Hi mart, Green mart, Việt Hàn…
Với diện tích bình quân khoảng 80- trên 100m2, mỗi siêu thị có từ vài trăm đến cả ngàn mặt hàng.
Không tính đến những điểm bán nằm rải rác ở các khu An Phú Q2, đường Thi Sách, Lê Thánh Tôn, Hậu Giang…hàng Hàn Quốc tập trung nhiều ở 4 khu vực: gần sân bay Tân Sơn Nhất (thuộc P4, Q Tân Bình), quanh khu chợ Phạm Văn Hai (Q Tân Bình), khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đường D2, D5 (P25 Q Bình Thạnh). Khi mở thành các khu phố kinh doanh, ngoài phục vụ cho khoảng vài ngàn người tại TPHCM, trong số 8.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam (theo số liệu của văn phòng thương mại Hàn Quốc- Kotra), thì hàng Hàn Quốc còn bán khá tốt cho người Sài Gòn.
Đó cũng là lý do hầu hất nhân viên bán hàng ở những nơi này đều có thể nói tiếng Việt và tiếng Hàn. Nhân viên bán hàng của siêu thị Hi Mart, kể: số khách người Hàn và người Việt đến đây mua tương đương nhau. Người Hàn mua thực phẩm đông lạnh, các món bánh chế biến từ nếp đóng hộp, các loại gia vị đặc trưng dùng hàng ngày thì người Việt mua các sản phẩm thông dụng như mì gói, kim chi, tảo biển, bánh snack, kẹo sâm, trà sâm…
Đi cùng các điểm bán là các dịch vụ giao hàng tận nơi trong khu vực mà không hạn chế số tiền phải mua như các hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam. Ở các cửa hàng này, khách mua từ 50.000đ, thậm chí vài chai nước uống cũng có thể đề nghị giao tận nhà. Ngoài số điện thoại, chủ cửa hàng còn cung cấp địa chỉ email để khách đặt hàng cho tiện. Thỉnh thoảng, khách mua hàng còn được tặng những món ngon, lạ miệng do chính chủ cửa hàng chế biến, hoặc một vài ấn phẩm, sách báo tiếng Hàn làm quà. Chính phong cách bán hàng này đã khiến nhiều người Việt chưa quen dùng món Hàn, cũng quay lại mua, hỏi cách chế biến để về làm thử vài món ngon khá đơn giản: như món bột nếp sốt tương ớt chua cay, món thịt heo luộc cuốn kim chi chấm tương kiểu Hàn…
( Theo Bích Thảo. // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com