Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đòn độc quyền của tập đoàn, doanh nghiệp lớn

Khi EVN còn độc quyền mua và phân phối điện thì đèn dầu vẫn còn đất sống.

Câu chuyện Tập đoàn Điện lực (EVN) làm mình, làm mẩy trong việc mua điện của nhà máy điện Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí (PVN) đầu tư bởi cho rằng giá đắt hơn khiến cho nguồn khí nhiều lúc có mà không được huy động đã cho thấy thế thượng phong của ông nhà đèn duy nhất.

Vậy nhưng khi PVN lên tiếng đòi tăng giá khí (được giao độc quyền quản lý) bán cho các nhà máy điện, mà các nhà máy đó toàn của EVN, thì có vẻ như đây là đòn “trả miếng” của “người nửa cân” đối với “kẻ tám lạng”.

Với tư cách là nhà mua điện duy nhất hiện nay đối với các nguồn điện hiện có cộng thêm thực tế giá điện đang bị khống chế đầu ra nên EVN chẳng thể vui lòng khi huy động điện của các nhà máy thuộc PVN với giá không chỉ cao hơn giá bán điện bình quân được quy định, mà còn cao hơn kha khá các nhà máy của EVN. Ấy vậy là câu chuyện tiết giảm điện của “bàn dân” để từ đó đỡ phải mua điện ngoài, kéo theo đỡ lỗ cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện của mình đã được EVN triệt để áp dụng.

Với đặc tính của hàng hóa đặc biệt, làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy nên khi nhu cầu không có thì cũng không cần sản xuất điện. Do Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, nơi có quyền huy động lên hệ thống các nguồn điện vào từng thời điểm cụ thể lại nằm trong EVN nên các doanh nghiệp ngoài EVN chẳng thể yên tâm rằng, mình được huy động như thế là đã hợp lý chưa hay còn có cơ hội nữa hay không?

Ngay cả khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá điện giữa hai bên hay những cam kết “sẵn sàng đổ dầu vào chạy nếu không đủ khí” thì EVN cũng chẳng vì thế mà phải có trách nhiệm huy động điện của nhà máy Cà Mau nhiều lên để tranh thủ nguồn khí được chia cho phía Việt Nam từ mỏ Bunga Kekwa-Cái Nước/PM3-CAA, thuộc vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Vậy là phần thiệt chắc chắn nghiêng về phía các nhà đầu tư ngoài EVN bởi không biết khi nào được huy động và đặc biệt là toàn bộ lợi nhuận sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào sự huy động điện của EVN.

Đối với các hộ tiêu dùng điện, sự độc quyền của EVN còn rõ nét hơn khi “cần là cắt” chứ không phải “cần là có”. Việc cắt điện bởi những lý do “muôn hình vạn trạng” mà chủ yếu là do “sự cố bất khả kháng vì đường dây quá tải” có lẽ là lý do được EVN mang ra ứng phó thành công nhiều lần trước các khiếu nại về thiếu điện.

Ngậm đắng nuốt cay bởi không mua điện của EVN thì cũng đâu còn có chỗ nào khác để mua nên các doanh nghiệp hầu như chỉ bức xúc ra mồm chứ không “ra tòa”.

Nhưng “kẻ tám lạng ắt có người nửa cân”! Với lợi thế cung cấp khí gần như độc quyền tự nhiên, PVN đã đề xuất tăng giá khí trước hạn cho các hộ tiêu thụ thuộc ông nhà đèn khiến chi phí tăng thêm dự kiến của ngành này lên đến 238 tỷ đồng trong riêng năm 2009.

So sánh giá khí của bể Cửu Long cấp cho điện và khí bể Nam Côn Sơn, khí từ khu vực Cái Nước/PM3 - thì giá khí 2 USD/1 triệu BTU của Cửu Long hiện nay rõ ràng thấp hơn hẳn khí Nam Côn Sơn có giá 3,48 USD/1 triệu BTU, trượt giá 2%/năm, ở thời điểm tháng 4 - 2009 hay mức giá 3,96 USD/triệu BTU của khu vực PM3-CAA bán cho nhà máy điện Cà Mau vào thời điểm tháng 3/2009.

Mà nguồn khí này lại thuộc quyền kiểm soát và điều hành trực tiếp của PVN trong khi hai nguồn kia thì PVN chỉ được chia phần theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Đó là chưa kể, nếu tăng giá khí của bể Cửu Long lên thì giá khí đầu vào và sau đó là giá điện của các nhà máy điện dùng khí Cửu Long như Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 của EVN 100% vốn và CTCP nhiệt điện Bà Rịa mà EVN chiếm cổ phần chi phối sẽ không còn cách khá xa so với giá điện của các nhà máy do PVN đầu tư là Nhơn Trạch 1 (dùng khí Nam Côn Sơn) và nhiệt điện Cà Mau. Vì thế đề xuất tăng giá khí này có thể là một công, đôi việc.

Trước đó, lợi thế “độc quyền” vì quản lý nguồn khí Cửu Long cũng được thể hiện rõ trong việc phân phối khí cho các hộ tiêu thụ là “người nhà” của PVN. Với thực tế cùng chung nguồn khí này, nhưng bởi Nhà máy đạm Phú Mỹ có cổ phần của PVN chiếm hơn 60% nên đã được ưu tiên mua khí rẻ hơn với mức 1,3 USD/1 triệu BTU và chẳng bao giờ thiếu khí.

Sự ưu tiên này còn thể hiện ở chỗ khí cho đạm luôn đủ còn các hộ điện kia phải chấp nhận dùng khí Nam Côn Sơn với giá cao hơn hẳn, như hiện giờ đang là mức 3,48 USD/1 triệu BTU trong khi trước đây chưa có nhà máy đạm Phú Mỹ thì toàn bộ nguồn khí này được cung cấp cho các nhà máy điện do EVN đầu tư.

Chính vì vậy mà trong khi lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí - nơi có nhà máy đạm Phú Mỹ - luôn đạt mức cao, toàn trên 2.000 tỷ đồng/năm, thì Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa chỉ có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư cỡ 12% vì phải è cổ ra đổ dầu do không có khí. Đó là chưa kể PVN còn tự ý quyết định giá khí cho Nhà máy đạm Phú Mỹ để cổ phần hóa là 1,3 USD/1 triệu BTU khiến Chính phủ bị rời vào thế đã rồi với các cổ đông.

Nhưng cũng giống như trường hợp của EVN không huy động điện của các nhà máy ngoài EVN, việc PVN ưu tiên dồn khí cho nhà máy đạm cũng là chuyện “nội bộ biết” và đặc biệt là không thể đưa ra tòa xử về hành vi độc quyền bởi EVN hay PVN đều là doanh nghiệp Nhà nước 100% nên có điều khoản loại trừ khi áp dụng Luật Cạnh tranh.

Nhưng cũng bởi được Nhà nước giao trọng trách quản lý tài sản lớn ở một lĩnh vực cụ thể nhưng lại thiếu cơ chế giám sát minh bạch và hiệu quả nên “độc quyền nhà nước” đang bị các doanh nghiệp này biến thành “độc quyền doanh nghiệp” vì lợi ích của riêng doanh nghiệp chứ không phải của cả nền kinh tế.

Đây cũng là nguyên nhân gây ứ tắc hàng hóa tại Cảng Sài Gòn thời gian gần đây. Với lợi thế được Nhà nước giao quyền quản lý tài sản, thực hiện nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa tại khu vực này nhưng cách điều hành độc quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng Sài Gòn để hàng hóa “ngâm càng lâu càng tốt” và Cảng có cơ hội thu thêm những khoản lợi nhuận hợp lý do chủ hàng “chủ động” móc hầu bao, dù đã ký hợp đồng bốc dỡ trọn gói với “ông”.

Điều đáng nói là việc ách tắc hàng hóa ở Cảng Sài Gòn chỉ có phần thiệt hại nghiêng về chủ hàng bởi “nhà Cảng” không bị ràng buộc tiến độ và năng suất bốc dỡ, cũng chẳng có trình tự ra vào cảng. Việc bốc dỡ thực tế hàng ngày được dựa trên các cuộc họp của ngày và dường như đang tùy thuộc vào “thân nhiệt” của nhà Cảng.

Lẽ dĩ nhiên, bởi không có quy định, quy phạm nào liên quan tới tiến độ bốc dỡ hàng hóa này nên chuyện xử phạt nhà Cảng bởi vị thế “độc quyền”, gây khó khăn và thiệt hại cho các chủ hàng có thể chẳng bao giờ diễn ra. Và nhà Cảng vì thế vẫn có mức lợi nhuận tốt trong khi các chủ hàng còng lưng cõng phí.

Cũng bởi hiệu quả thực tế rõ ràng và đáng kể vậy mà hiện đang có xu hướng các doanh nghiệp nhà nước lớn không muốn "nhả "những lĩnh vực độc quyền nhà nước, với lý do mình là doanh nghiệp Nhà nước lớn có trách nhiệm đảm bảo ổn định vĩ mô trong lĩnh vực mà mình hoạt động để biến thành độc quyền doanh nghiệp và qua đó có thêm cơ hội toan tính riêng!

(Doanh Nhân/Vietnam+)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thoát hiểm nhờ “tiếp thị” rủi ro
  • Thương hiệu Hummer sắp về tay người Trung Quốc
  • Hàng Hàn Quốc: tiên phong chiêu mới
  • Mua sắm qua truyền hình: mảnh đất nhiều tiềm năng
  • Top 10 vụ phá sản lớn nhất nước Mỹ
  • Starbucks Coffee: Kẻ đam mê, người kiếm lợi
  • PVFC: trả giá để trở nên minh bạch
  • Con đường nào cho GM?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com