Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh tường Berlin

Nhân kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ, một công nhân kể lại cuộc sống sau sự kiện này

 

Ngày 9-11 năm nay, các nhà lãnh đạo Đức sẽ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ bằng những bài diễn văn xúc động. Nhưng có một công nhân xây dựng Đức kỷ niệm bằng cách riêng của gia đình. Đó là ông Volker Pawlowski, 52 tuổi. Nhờ bức tường Berlin sụp đổ, ông đã có cơ hội nuôi sống gia đình bằng việc kinh doanh những mảnh vỡ của bức tường trong suốt 20 năm qua. Qua bàn tay của ông, những mảng tường đã trở thành tác phẩm nghệ thuật bán cho khách hàng sưu tầm đồ cổ.


Kiếm sống từ bức tường


Ông Pawlowski kể chuyện làm ăn với phóng viên hãng Reuters: “Đối với tôi, bức tường là một sản phẩm để kinh doanh kiếm sống”. Theo lời kể của ông, bức tường Berlin được xây dựng bằng bê tông kiên cố từ năm 1961, dài 106 km bao quanh khu Tây Berlin để ngăn cách với khu Đông. Đêm 9-11-1989, bức tường bị đập bỏ như một biểu tượng chấm dứt chiến tranh lạnh và mở đầu cho quá trình thống nhất nước Đức.


Vào thời điểm đó, ông Pawlowski làm việc ở Tây Berlin, có cơ hội gom nhặt những mảng tường vỡ nên trở thành độc quyền kinh doanh chúng như “cổ vật” của một giai đoạn lịch sử không thể quên. Hiện nay, ông Pawlowski cung cấp 90% mảng tường cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Berlin.


Những mảng tường dưới bàn tay của ông Pawlowski. Ảnh: REUTERS


Ông đã xây dựng xưởng chỉnh sửa những mảng tường thành tác phẩm nghệ thuật với số lượng lên tới hàng ngàn mảnh lớn nhỏ đủ các kích thước. Ước tính các mảnh tường xếp lại dài tới 300 m, có những mảng nặng 2,6 tấn, cao 3,6 m. Bán đắt nhất là những mảng tường còn lưu giữ những tranh graffiti được vẽ từ thời chiến tranh lạnh. Công ty ngoại thương Limex của Đông Đức cũ được độc quyền tiếp thị những mảng tường nghệ thuật tại các cuộc bán đấu giá ở Berlin, Paris, Monaco từ những năm 90 của thế kỷ trước và thu lợi nhuận hàng triệu mác Đức.


Do công sức góp nhặt từ hàng chục năm nay, kho lưu trữ mảng tường Berlin của ông Pawlowski có thể đủ hàng bán trong nhiều thập kỷ nữa. Ông không chịu tiết lộ mức doanh thu mà chỉ nói rằng tường Berlin góp được khoảng 1/5 tổng mức doanh thu đồ lưu niệm mà gia đình ông, gồm vợ và các con gái, hùn vốn kinh doanh.


Sống với ký ức


Không thể bán hàng thô mộc như ban đầu, theo sở thích của khách hàng, sản phẩm của Pawlowski đã được nâng chất lượng thành tác phẩm mỹ thuật. Những mảng tường lớn nhỏ đều được đóng khung hoặc gắn vào những vật trang trí như quả địa cầu bằng nhựa tổng hợp. Những nghệ sĩ vẽ tranh graffiti đã phục chế những mảng tường gần  như nguyên mẫu tại những khu du khách thường thăm viếng như cổng Brandenburg đã ghi dấu ấn trong lịch sử hai nhà nước Đức trước đây.

Chủ cửa hàng đồ lưu niệm Wieland Giebel gần cổng Brandenburg nói: “Du khách trong và ngoài nước thích mua những mảng tường Berlin vì nó gợi cho người ta ký ức về thời chiến tranh lạnh và sự chia cắt nước Đức. Với người Đức, những ký ức này là không thể quên. Với người nước ngoài, đó là một kỷ niệm quý khi thăm nước Đức”.


Công việc kinh doanh của ông Pawlowski cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông thừa nhận: “Năm ngoái, doanh thu của chúng tôi giảm nhiều vì lượng khách du lịch ít hơn trước, đặc biệt là du khách quốc tế”. Tuy nhiên, ông có được điều an ủi là tiếp tục sống với hình ảnh bức tường Berlin mà ông gắn bó với nó từ thời trai trẻ. Ông nói: “Từ 20 năm nay, tôi vẫn sống với bức tường. Bức tường vẫn tiếp tục nuôi sống gia đình tôi dù nó đã bị phá bỏ bởi thời cuộc”.

(Theo Đỗ Chuyên // Người lao động online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nạn nhân đầu tiên của thế giới thời trang sắp phá sản
  • Đòn độc quyền của tập đoàn, doanh nghiệp lớn
  • Thoát hiểm nhờ “tiếp thị” rủi ro
  • Thương hiệu Hummer sắp về tay người Trung Quốc
  • Hàng Hàn Quốc: tiên phong chiêu mới
  • Mua sắm qua truyền hình: mảnh đất nhiều tiềm năng
  • Top 10 vụ phá sản lớn nhất nước Mỹ
  • Starbucks Coffee: Kẻ đam mê, người kiếm lợi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com