“Mua hàng giả là tài trợ cho tội phạm” - khẩu hiệu của lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm có tổ chức ở Anh. Ảnh: OCTF.GOV.UK |
Hàng giả đang sinh sôi nảy nở, gây lo ngại cho giới kinh doanh và chính quyền.
Ngày 1-3-2010, hãng sản xuất thuốc lá khổng lồ Philip Morris đâm đơn kiện 8 nhà bán lẻ ở Mỹ về tội bán thuốc lá Marlboro giả. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của Internet và các chuỗi cung ứng quốc tế, và gần đây hơn lợi dụng sự suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng giả xuất hiện khắp mọi nơi. Các mẫu xe hơi nhái hiệu Porche và Ferraris chạy đầy đường phố Bangkok, Thái Lan. Một ngân hàng Đức đã phát hiện trong kho dự trữ một thỏi vàng giả làm bằng chất vonfram (tungsten) - một kim loại cứng màu xám dùng để chế tạo thép hợp kim và các sợi đốt bóng đèn - mà theo một kênh truyền hình Đức thì nhiều định chế tài chính của thế giới đã bị ăn phải quả đắng hàng giả này. Ngay cả cơ quan không gian Mỹ NASA cũng đã từng mua nhiều vật liệu khả nghi. Hàng giả lan tràn, do đâu? Theo bà Therese Randazzo, người chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ của hải quan Mỹ, hàng giả từng là vấn đề của ngành hàng xa xỉ phẩm nhưng hiện nay người ta đang tìm cách buôn bán các mặt hàng giả có thể “ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế” như dược phẩm và linh kiện máy tính. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy hàng giả thậm chí đã thâm nhập vào quân đội; số linh kiện giả trong các hệ thống điện tử quân sự đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ 2005 đến 2008, dẫn đến nguy cơ gây hư hại các vũ khí công nghệ cao. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng năm 2007 thương mại quốc tế về hàng giả và hàng vi phạm bản quyền có giá trị khoảng 250 tỉ đô la Mỹ. Liên minh chống hàng giả quốc tế (IACC) thì cho rằng trên thực tế con số này có thể đến gần 600 tỉ đô la Mỹ vì ước tính của OECD không bao gồm các loại hàng giả được mua bán ngay tại các nước sản xuất hàng giả. Theo IACC, hàng giả chiếm khoảng 5-7% thương mại thế giới.
Nhiều yếu tố khiến hàng giả có đất sinh sôi nảy nở trong thời gian gần đây. Sự dịch chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất của thế giới đến các quốc gia có thành tích yếu kém trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã mang lại cả công nghệ lẫn cơ hội sản xuất hàng tiêu dùng giả. Internet nói chung, và các trang thương mại điện tử như eBay nói riêng, càng giúp cho hàng giả đươc mua bán dễ dàng hơn. MarkMonitor, một công ty giúp các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên mạng, ước tính rằng doanh số hàng giả qua Internet sẽ đạt con số 135 tỉ đô la Mỹ năm nay 2010.
Sự suy thoái của các nước giàu cũng có thể là nguyên nhân tăng trưởng của hàng giả. Frederick Mostert thuộc Quỹ chống hàng giả Authentics Foundation, đã lưu ý sự gia tăng mạnh mẽ của hàng giả trong cơn suy thoái khi người tiêu dùng cạn túi không thể với tới các mặt hàng thật. Các biện pháp cắt giảm chi phí cũng khiến cho các chuỗi cung ứng của các công ty dễ bị hàng giả thâm nhập. Năm 2008, giá trị của hàng giả bị bắt giữ ở các vùng biên giới nước Mỹ tăng gần 40% so với năm trước đó và năm 2009 lại giảm 4% - ít hơn nhiều so với con số giảm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu (xem biểu đồ). Ở châu Âu năm 2008 hải quan đã tịch thu lượng hàng giả lớn gấp đôi so với năm 2007. Những nỗ lực vô vọng Các doanh nghiệp - nhận thấy doanh số bị sụt giảm vì hàng giả một cách sâu sắc hơn ai hết trong cơn suy thoái này - đang nỗ lực ngày càng lớn hơn để diệt trừ tận gốc rễ tệ nạn này. Những lời than phiền từ hãng thời trang cao cấp Louis Vuitton chẳng hạn, đã dẫn đến gần 9.500 vụ bắt giữ hàng giả năm ngoái, tăng 31% so với năm 2008. Các vụ kiện do các công ty tiến hành chống lại các nhà sản xuất và phân phối hàng giả hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, theo lời Kirsten Gilbert, một thành viên của công ty luật Anh Quốc Marks & Clerk Solicitors. Công nghệ sử dụng để chống làm giả cũng trở nên tinh vi hơn. Công nghệ ảnh ba chiều - hologram - được coi là một biện pháp ít tốn kém dùng phân biệt hàng thật hàng giả, nhưng những kẻ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi hơn trong việc nhái kỹ thuật này. Các loại mực đặc dụng, kỹ thuật tạo hình chìm, và các công nghệ “ẩn” khác (mắt thường không nhìn thấy được) đang ngày càng thông dụng. Nhiều công ty bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng radio (RFID) để theo dõi việc vận chuyển hàng hóa. Kỹ thuật này giúp các công ty gắn vào các thùng hàng các con chip điện tử để phát ra các tín hiệu nhận diện chính xác. Kỹ thuật chắc chắn nhất trong việc xác định hàng thật là tích hợp các vật liệu mang dấu tích gen đặc thù vào sản phẩm hoặc bao bì. Công ty hoặc nhân viên sau đó chỉ kiểm tra DNA của sản phẩm là biết được hàng thật hay hàng giả. Phương pháp này tốn kém hơn các biện pháp chống hàng giả khác, nhưng các công ty sản xuất các mặt hàng có giá trị cao, như nhà máy chế tạo rượu vang hảo hạng chẳng hạn, đang chi tiền vào công nghệ này. Các dịch vụ bảo vệ thương hiệu trực tuyến, chuyên truy tìm những kẻ sản xuất hàng giả trên web, cũng đang nở rộ. OpSec Security, một công ty bảo vệ thương hiệu trực tuyến và cả ở trên thị trường thực, nhận thấy doanh số từ công việc kinh doanh theo dõi trực tuyến tăng hơn 20% mỗi năm trong hai năm qua ngay cả khi doanh số từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bị sút giảm. MarkMonitor đã tăng giá dịch vụ bảo vệ thương hiệu trực tuyến thêm 18% năm ngoái do nhu cầu tăng cao. Trung bình, các công ty hàng đầu của Mỹ chi ra khoảng 2-4 triệu đô la Mỹ hàng năm cho cuộc chiến chống hàng giả - con số này tăng lên cùng với đà gia tăng của thương mại điện tử. Chính phủ các nước cũng đang tăng cường nỗ lực dẹp vấn nạn này, vốn gây thâm hụt ngân sách và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính. Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Frontier Economics, mỗi năm hàng giả và hàng vi phạm bản quyền làm cho các nền kinh tế thuộc nhóm G20 thiệt hại tới 62 tỉ euro (khoảng 85 tỉ đô la Mỹ) do thất thu thuế và phải chi tiêu nhiều hơn cho trợ cấp thất nghiệp. Còn theo một ước tính của Phòng Thương mại Mỹ, với mỗi một đô la đầu tư vào việc chống hàng giả thì chính phủ thu thêm được 5 đô la tiền thuế. Trong những năm gần đây, Pháp và Ý cùng nhiều quốc gia đã ban hành các luật lệ chế tài nghiêm ngặt, người tiêu dùng mua hàng giả sẽ bị phạt nặng và thậm chí còn bị phạt tù. Mùa thu năm ngoái, Mỹ bổ nhiệm người đứng đầu chương trình kiểm soát Internet gọi là “IP tsar” đầu tiên và đang phát triển một chiến lược thực thi. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thành lập bộ phận giám sát chống hàng giả nhằm thu thập các số liệu đầy đủ hơn và phổ biến các thủ thuật về cách phát hiện hàng giả. EU, Mỹ và Nhật Bản cùng các quốc gia khác cũng đang thảo luận về một hiệp ước mới, gọi là Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA) nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát quốc tế đối với hàng giả và hàng vi phạm bản quyền. Hiệp định này có thể sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Thế nhưng tại Trung Quốc, quê hương của 80% số hàng giả, chính quyền lại rất miễn cưỡng trong việc trừng trị các doanh nghiệp địa phương đang phát triển của mình. Người ta không hy vọng Trung Quốc sẽ ký kết ACTA - và có thể làm hỏng hiệp định này ngay cả trước khi nó được công bố.
(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn // The Economist)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com