Mặc dù 2011 là năm kinh tế khó khăn với Việt Nam, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng lĩnh vực bán lẻ vẫn thu được những thành công lớn, các đại gia bán lẻ vẫn tấp nập vào Việt Nam và các siêu thị liên tiếp khai trương.
Cuối năm 2011, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư hơn 101 triệu USD vào Việt Nam. Theo kế hoạch, Aeon sẽ xây dựng một trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị mang thương hiệu Jusco trên cả nước.
Tháng 7/2011, E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc đã ký kết thiết lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam với đối tác trong nước, tập đoàn U&I. Liên doanh E-Mart Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD. E-Mart Việt Nam dự kiến khởi động dự án đầu tiên vào năm 2012. Theo kế hoạch đến năm 2020, E-Mart Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống chuỗi 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng đầu tư sẽ tăng dần đến 1 tỉ USD. Đây là nhà bán lẻ thứ hai của Hàn Quốc vào Việt Nam sau Lotte Mart đã có mặt từ năm 2008.
Trước đó, Dairy Farm (Hồng Kông) đã liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội mở siêu thị Giant đầu tiên tại Việt Nam (đặt tại Trung tâm Thương mại Crescent Mall, TP.HCM). Giant sẽ còn tiếp tục phát triển để trở thành chuỗi siêu thị lớn phủ khắp cả nước.
Các DN bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2011 cũng không ngừng mở rộng hệ thống siêu thị bán lẻ. Metro Cash & Carry đã đánh dấu cột mốc 10 năm đầu tư vào Việt Nam thông qua trung tâm phân phối thứ 16 vừa mở tại TP. Nha Trang, trên diện tích 2 ha. Tập đoàn hàng đầu của Đức này cũng đang chuẩn bị khai trương một Metro nữa tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.
Tập đoàn Casino (Pháp), chủ hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam mới khai trương Trung tâm Thương mại Big C Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, nâng tổng số siêu thị của tập đoàn này lên con số 17 và theo kế hoạch, đến năm 2013 sẽ nâng tổng số siêu thị Big C lên 29.
Các DN bán lẻ trong nước cũng không chịu kém cạnh, liên tục phát triển hệ thống siêu thị của mình khắp nơi. Sắp tới, Co.op Mart sẽ mở tiếp 2 siêu thị, nâng tổng số siêu thị trong toàn hệ thống Co.opMart lên con số 57. Dự kiến, số siêu thị mở mới trong năm 2012 cũng sẽ là 6.
Trong lĩnh vực điện máy, các siêu thị mới cũng đang liên tiếp khai trương. Tại Hà Nội, đầu năm 2011, Pico đã mở thêm 1 siêu thị lớn tại 324 Tây Sơn. Mới đây Media Mart đã mở thêm siêu thị lớn tại Long Biên, Trần Anh cũng vừa mở thêm siêu thị điện máy thứ 3 tại Long Biên với số vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Mạnh mẽ nhất là Nguyễn Kim vừa mở liền 5 siêu thị tại Bình Dương, Đà Nẵng... Thời gian tới nhà bán lẻ này dự kiến sẽ mở thêm 50 siêu thị điện máy nữa trên toàn quốc.
Không chỉ mở các siêu thị mà các nhà bán lẻ còn hướng tới phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi. Aeon ngoài việc đầu tư xây trung tâm thương mại và siêu thị cũng đã liên kết với Tập đoàn Trung Nguyên Việt Nam phát triển hệ thống khoảng 500 cửa hàng tiện lợi G7-Ministop tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Hệ thống cửa hàng này sẽ ưu tiên tuyệt đối cho hàng hóa Việt Nam.
Hiện nay MiniStop và FamilyMart, hai trong số 4 tên tuổi dẫn đầu về việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, 7-Eleven và Lawson được dự đoán cũng sẽ đến Việt Nam trong năm 2012.
Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) với Tập đoàn Itochu và Công ty TNHH Family (Nhật Bản) cho biết, hiện chuỗi FamilyMart đã đạt con số 16 cửa hàng, kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 12/2009. Theo kế hoạch, sẽ mở thêm 27 cửa hàng trong năm 2012.
Tập đoàn Co.op Mart đang phát triển hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi mang tên Co.opFood, ngoài ra là Minimart, Seaspimex ... đang thâm nhập mạnh mẽ vào các khu dân cư.
Thông thường, một cửa hàng tiện lợi có từ 2.00tuw mặt hàng trở lên, với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng trong đó chủ yếu là hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu... Theo tính toán của Co.op Food, nếu một cửa hàng hoạt động tốt, doanh thu có thể lên đến 40 - 50 triệu đồng/ngày và trong vòng một năm có thể hoàn vốn. Còn Seaspimex thì cho rằng, thời gian hoàn vốn có thể là 18 tháng.
AT Kearney, một tổ chức nghiên cứu độc lập xếp Việt Nam đứng thứ 33 trong bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn năm 2011 lùi khá xa so với vị trí thứ 14 trong năm 2010. Bán lẻ Việt Nam cũng dịch chuyển từ vùng thị trường có ưu tiên đầu tư cao sang ưu tiên đầu tư thấp. Tuy nhiên đầu tư vào bán lẻ vẫn tăng rất mạnh.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam ước tính, doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2011 ước đạt 85 - 86 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trên 15%. Năm 2012 mức tăng trưởng doanh thu của thị trường được dự báo sẽ đạt khoảng 88 tỷ USD.
Hiện nay, cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, 615 siêu thị, khoảng 102 trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi, nhưng kinh doanh chợ truyền thống vẫn chiếm trên 80% thị phần phân phối. Dù kém hấp dẫn, nhưng các chuyên gia nhận định thị trường vẫn rất tiềm năng với các nhà bán lẻ do tổng giá trị hàng hóa phân phối qua kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại hiện chỉ mới chiếm 20% tổng giá trị của thị trường.
Chính vì vậy việc các nhà bán lẻ đổ vào việt Nam và xây dựng hệ thống bán lẻ đến nay vẫn diễn ra rất mạnh mẽ và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới
Khi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh, ngoài người tiêu dùng hưởng lợi thì nhà sản xuất cũng vui mừng. Bởi các siêu thị, cửa hàng phát triển mạnh thì họ phải khai thác các nguồn hàng và đặt hàng nhà sản xuất. Đưa được sản phẩm vào siêu thị sẽ giúp tiêu thụ ổn định và đây là điều rất cần thiết đối với nhà sản xuất nhất là hàng nông sản, thực phẩm tại các địa phương.
Tại các địa phương như An Giang, Nha Trang, Thanh Hoá... Metro và Big C đã kết hợp với chính quyền và nông dân thực hiện chương trình sản xuất các sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng quy định. Đại diện Big C cho biết, ngay khi mới khai trương tại Thanh Hóa, Big C Thanh Hóa đã hợp tác với một số nhà sản xuất thực phẩm, rau, quả và các đặc sản tại địa phương, với cam kết hợp tác lâu dài, tôn trọng các chuẩn mực quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như vậy nó không chỉ giúp cho việc phát triển sản xuất tại các địa phương mà còn làm thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và xanh, sạch.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh thì các cửa hàng truyền thống ngày càng điêu đứng do chịu sự cạnh tranh mạnh. Lợi thế của hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi là hàng hoá có xuất sứ rõ ràng và đều qua kiểm định chất lượng nghiêm ngặt vì vậy người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua hàng tại đây.
Bên cạnh đó do lấy hàng với số lượng rất lớn nên các siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi có thể đàm phán với nhà cung cấp về giá cả và thường được giảm giá, chiết khấu cao hơn so với các cửa hàng truyền thống vốn nhỏ lẻ lấy hàng với số lượng ít. Việc trưng bày sản phẩm cũng được các nhà cung cấp hỗ trợ chi phí quảng cáo vì vậy các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có điều kiện giảm giá sâu cho khách hàng.
Hơn thế nữa, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi hạ giá sản phẩm. Họ thường lựa chọn 1 số mặt hàng có lợi thế và giảm giá thấp thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra là thẻ thành viên khi mua hàng được tích điểm, sẽ được chiết khấu cao hoặc tặng quà... vì vậy chiếm lợi thế lớn trong cạnh tranh.
Một số cửa hàng truyền thống khi được hỏi đã phàn nàn họ bị các siêu thị cạnh tranh rất dữ. Họ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, trong khi kinh tế khó khăn người tiêu dùng thường chờ đợi các đợt giảm giá để mua hàng.
Trong năm 2011 có hàng nghìn cửa hàng truyền thống tại Hà Nội và TP.HCM phải đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh. Những cửa hàng này có quy mô nhỏ, không thể lấy hàng trực tiếp từ nhà cung cấp mà phải lấy qua các đại lý lớn vì vậy không có điều kiện giảm giá nên khó cạnh tranh. Các cửa hàng truyền thống cho biết họ tồn tại chỉ còn dựa vào lợi thế duy nhất đó là gần khách hàng vì mở ngay trong khu dân cư, khách hàng mua 1 vài món nhỏ lẻ thì đến đó tiện hơn là ra siêu thị.
Nhưng lợi thế này cũng sẽ không còn kéo dài khi các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị ngày càng phát triển mạnh, càng thâm nhập sâu vào các khu dân cư. Chỉ cần một số cửa hàng 7-Eleven, FamilyMart, MiniStop... mở ra tại khu tập thể hay khu đô thị, với hàng hoá bán ra đảm bảo về chất lượng, xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, thì khách hàng sẽ đổ về đây nhiều là điều chắc chắn.
Một số quan sát cho thấy, chẳng hạn khi tập đoàn Wall Mart mở siêu thị tới đâu thì trong bán kính 3km sẽ không còn cửa hàng truyền thống nào tồn tại.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com