Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trà Nhật vì sao thất bại?

Năm 2001, quán trà Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội được mở bằng số vốn góp của 5 sinh viên vừa ra trường, trong đó có cựu sinh viên ngành Nhật Bản (Khoa Đông Phương học) đang muốn vận dụng kiến thức về trà đạo.


Với số vốn ban đầu khoảng hơn 100 triệu đồng, các chủ quán trẻ đã tốn không ít công sức để tạo nên được một không gian trà thất theo đúng phong cách của người Nhật Bản tại phố Nguyễn Khắc Cần, một con phố nhỏ và khá yên tĩnh ở gần khu vực trung tâm Thủ đô. Mở quán phải có những người biết pha trà, đặc biệt là pha đúng phong cách trà đạo Nhật Bản.


Trà Nhật dường như vẫn chưa tìm được những “tín đồ” trung thành trong cộng đồng người Việt


Chị Noriko, một nhà nghiên cứu khảo cổ học người Nhật Bản có thời gian sống và làm việc lâu năm tại Hà Nội đã giúp họ rất nhiều. Chị vốn là người được sinh trưởng và nuôi dưỡng trong một gia đình có mẹ là giáo viên dạy trà đạo lâu năm tại Nhật Bản.


“Khoảng 3 tháng đầu sau khi khai trương, quán chúng tôi thu hút được rất nhiều khách tới thưởng trà và đặc biệt là thưởng thức cách pha trà đạo Nhật Bản vào các tối thứ 7 và Chủ nhật. Do tìm hiểu, chúng tôi biết đa phần họ đến vì sự tò mò muốn tìm hiểu, khám phá về một văn hóa trà mới. Ngay cả những khách người Nhật cũng phải thừa nhận rằng không gian của quán và phong cách phục vụ ở đây không khác nhiều so với những quán trà ở Nhật Bản, thậm chí còn có phần thú vị hơn bởi họ có thể thường xuyên thưởng thức cách pha trà đạo Nhật Bản mà ngay cả ở chính quốc họ cũng không dễ có những cơ hội được thưởng thức” - một trong 5 chủ quán trẻ kể lại.


Để có thể phục vụ được nhiều đối tượng khách, quán đã thử nghiệm nhiều loại trà của Nhật, chọn lựa những loại tương đối dễ uống đối với người Việt Nam. Chỉ có 9 loại trà được đưa vào kinh doanh mà trong đó có những loại trà khá đắt và rất đặc trưng cho văn hóa trà Nhật Bản như Matcha (là loại tinh trà bột, uống bằng bát và dùng riêng trong nghi thức pha trà đạo Nhật Bản) và Sakura cha, loại trà đặc trưng của người Nhật với loài hoa anh đào nổi tiếng… Quán còn phục vụ một số món ăn nhẹ, đơn giản của Nhật. Kèm theo món ăn, một số loại rượu như Sake và Sochu mà người Nhật ưa thích cũng được đưa vào phục vụ.


Những tháng đầu tiên đó đã đem lại doanh thu khá tốt cho quán. Nhưng dần dần, lượng khách người Việt Nam cũng vơi dần đi. Anh Hà Mạnh Hải, một “ẩm khách” của quán cho biết, trà Nhật không dễ hợp khẩu vị của người Việt Nam, nhất là với những người đã nghiện trà mạn. Từng có thời gian du học ở Nhật Bản, Hải đến quán vì tò mò, vì muốn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời sinh viên của mình hơn là vì Matcha hay Sakura cha! “Vẫn biết, lượng khách đến vì tò mò sẽ vơi đi nhanh chóng, khách hàng tiềm năng phải là những người Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng rất tiếc, quán nhỏ, tiềm lực tài chính có hạn nên không đủ sức phục vụ đầy đủ  nhu cầu ẩm thực của họ” - chị N.A, một nữ chủ nhân, cựu sinh viên ngành Nhật Bản học kể lại với vẻ luyến tiếc. Theo quan niệm thông thường của người Nhật, ở các quán ăn, trà chỉ là  thức uống tráng miệng. Người Nhật khi uống trà thường dùng kèm với những loại bánh hoặc kẹo ngọt góp phần làm tăng vị ngọt khi uống trà. Thực ra tình hình kinh doanh của quán cũng ở mức trung bình sau gần 2 năm hoạt động. Tuy nhiên sau đó, vì một vài lý do trong nội bộ mà quán buộc phải đóng cửa trong sự tiếc nuối của những thành viên gây dựng cũng như của những bạn trẻ yêu thích và muốn tìm hiểu trà đạo Nhật Bản.


Sau này, tìm hiểu và so sánh văn hóa trà Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc tại Việt Nam, chị N.A vỡ lẽ rằng, mỗi nước,
mỗi nền văn hóa trà đều có sức sống riêng và phải được “nội địa hóa”. Trà Nhật Bản cũng được du nhập từ Trung Quốc từ thế kỷ 15 nhưng khi vào đất Phù Tang đã được Nhật hóa và phát triển lên thành nghệ thuật Trà đạo. Cho tới tận bây giờ, trà Nhật vẫn chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam, chủ yếu là do khẩu vị của hầu hết các loại trà Nhật tương đối khác so với khẩu vị trà của người Việt Nam. Trà Nhật thường nhẹ hơn trà mạn của Việt Nam, ít có hương vị nhiều như trà của Trung Quốc và cũng đã được khử chất tanan gây mất ngủ trong trà.


Việc kinh doanh trà Nhật thật rất khác so với kinh doanh trà Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài việc trà Nhật hơi khó uống đối với khẩu vị của người Việt, việc đầu tư mở quán cũng tốn kém hơn rất nhiều do phải tạo dựng nên được trà thất cầu kì, công phu theo đúng phong cách của các quán trà Nhật Bản. Đặc biệt, để chuẩn bị được một không gian riêng dành để biểu diễn Trà đạo lại càng khó và tốn kém. Các dụng cụ dùng để trang trí, pha trà và biểu diễn trà đạo cũng rất đắt tiền.


Còn với các loại trà của Đài Loan, Trung Quốc thì chỉ cần mua về và học cách pha đơn giản là có thể phục vụ khách được. Mặt khác, do các loại trà của Đài Loan, Trung Quốc thường được ướp với những mùi hương hoặc hoa quả nên tạo ra những vị thơm dễ chịu, hợp với khứu giác của người Việt cũng như của những người yêu thích trà ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, do chú trọng về yếu tố “tốt cho sức khoẻ”, nhiều loại trà của Đài Loan, Trung Quốc đã được kết hợp với các vị thuốc bắc, rất dễ thuyết phục “ẩm khách” người Việt. Cũng vì những lý do này nên các quán trà của Trung Quốc, Đài Loan vẫn đang tồn tại và phát triển khá tốt ở Việt Nam trong khi trà Nhật dường như vẫn chưa tìm được những “tín đồ” trung thành trong cộng đồng người Việt.

(Theo Hồng Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Đau đầu vì M&A
  • Dùng tai tiếng để nổi tiếng
  • Nghề tư vấn: bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình
  • Bài học của General Motors
  • Nga tìm cách cứu búp bê gỗ xếp matryoshka
  • Kinh doanh tường Berlin
  • Nạn nhân đầu tiên của thế giới thời trang sắp phá sản
  • Đòn độc quyền của tập đoàn, doanh nghiệp lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com