Công nghệ xanh, sạch (greentech) không còn xa lạ với những người công tác trong lĩnh vực công nghệ và môi trường. Điều thú vị là công nghệ xanh, sạch đang giúp những nhà sản xuất trang thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống tìm được nguồn vốn đầu tư dễ dàng trong thời điểm kinh tế suy thoái.
Năm 2003, khi công ty đầu tư mạo hiểm Foundation Capital bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư mới cho Silver Spring Networks mà họ đang đầu tư, mọi công ty đều từ chối lời đề nghị của họ.
Khi đó, các nhà đầu tư vào công nghệ xanh (greentech) không mấy để mắt đến Silver Spring vì công ty này chủ yếu phát triển phần mềm và phần cứng mà các công ty điện lực dùng để kết nối điện kế trong một lưới điện số. Họ chú ý nhiều hơn đến những công ty muốn sản xuất năng lượng từ tia nắng mặt trời, tảo hoặc cây trồng nhiệt đới.
Adam Grosser, một cổ đông của Foundation Capital, nhớ lại: “Khi đó, người ta đã cười vào mũi chúng tôi.”
Đến mùa Hè vừa qua, Thung lũng Silicon bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Năm công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu tranh nhau đầu tư vào Silver Spring Networks. Công ty này chọn Kleiner Perkins Caufield & Byers, có lẽ là nhà đầu tư vào công nghệ xanh nổi tiếng nhất.
Sự thay đổi này cho thấy các công ty đầu tư mạo hiểm đang bắt đầu từ bỏ niềm đam mê đối với năng lượng thay thế và trở về với một trong những thế mạnh truyền thống của họ: ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng.
Theo thống kê, khoảng 1/2 số tiền đầu tư vào công nghệ xanh trong năm ngoái đổ vào các công ty năng lượng thay thế. Tuy nhiên, đến quý 1 năm nay, Hiệp hội các nhà đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ cho biết tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1/3.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc phát triển loại năng lượng mới có thể tốn hàng trăm triệu đô-la Mỹ trong nhiều năm trước khi thu về bất kỳ lợi nhuận nào. Không theo hướng đi này, Silver Spring Networks đang tìm kiếm những công nghệ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Công ty này trang bị cho điện kế một loại card mạng để các công ty điện lực có thể biết sự cố mất điện trước khi khách hàng thông báo cho họ. Ngoài ra, khách hàng còn có thể biết được loại đồ dùng nào trong nhà tiêu thụ nhiều điện nhất và những thời điểm nào trong ngày họ cần tiết kiệm điện.
Không phải nhà đầu tư nào trong lĩnh vực công nghệ xanh cũng cho rằng các công ty năng lượng thay thế cần nhiều vốn. Ông Vinod Kholsa, nhà sáng lập công ty Kholsa Ventures chuyên đầu tư vào những công ty làm nhiên liệu từ bắp, đường, thực vật, gió và năng lượng mặt trời, nói: “Việc tìm ra cách thức để giảm bớt nhu cầu về vốn là không khó. Chúng tôi đang rất chủ động về điều này, và nó liên quan đến vấn đề công nghệ hoặc chiến lược kinh doanh.”
Công ty Sequoia Capital, nổi tiếng vì từng đầu tư vào Google và Yahoo!, ban đầu tránh đầu tư vào công nghệ xanh vì cho rằng những công ty mới thành lập trong lĩnh vực này không phù hợp với mô hình hiệu quả về vốn mà họ tìm kiếm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn, Sequoia Capital nhận thấy có đến hàng ngàn công ty công nghệ xanh vẫn đang hoạt động có hiệu quả dù không được nhiều người biết đến. Một trong số công ty được Sequoia Capital đầu tư là SynapSense, với sản phẩm chính là bộ cảm biến giúp trung tâm dữ liệu tiêu thụ ít năng lượng hơn. Trong khi đó, công ty MDV hậu thuẫn cho Nanosolar, một công ty pin năng lượng mặt trời phím mỏng. Giờ đây, MDV tập trung nhiều hơn vào việc tiết kiệm tiền.
Riêng Foundation Capital bắt đầu thăm dò tiềm năng của lĩnh vực công nghệ xanh vào năm 2002, và ước tính mỗi năm phải xem xét khoảng 1.000 công ty mới thành lập. Công ty hiện đầu tư khoảng 1/4 trong 750 triệu đô-la Mỹ tiền quỹ của họ vào các công ty công nghệ xanh. Vụ đầu tư thành công nhất của Foundation Capital cho đến nay là EnerNOC. Công ty này giám sát năng lượng trong các tòa nhà văn phòng, cửa hàng tạp hóa, bệnh viện…, và thông báo cho nhân viên vận hành để chuyển điện từ những nơi ít cần nhất đến những nơi có nhu cầu cao nhất.
Chẳng hạn như tùy vào thời tiết, EnerNOC sẽ tự động tắt 1/3 số bóng đèn trong một tòa nhà văn phòng nào đó, giảm nhiệt độ máy điều hòa xuống 3 độ hoặc cho vòi phun nước tại tiền sảnh ngưng hoạt động để năng lượng có thể được dùng ở nơi khác. Đánh giá về hướng đi của công ty, ông Grosser cho biết: “Có rất nhiều người từng đầu tư không ít tiền bạc vào năng lượng mặt trời và nhiên liệu ước gì họ đừng làm thế. Chúng tôi rất mừng vì thấy mình không đi theo vết xe đổ này”.
(Theo The New York Times// H. Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com