Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tránh bẫy lừa từ ngoại quốc

Đòi trả phí đấu thầu, phí xuất khẩu và ép giá là các chiêu thức lừa đảo của một số tổ chức quốc tế đang nhắm vào doanh nghiệp VN

Đầu tháng 4, phòng xuất nhập khẩu của một doanh nghiệp (DN) may mặc tại TPHCM nhận được email của một nhà nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ mời đấu thầu đơn hàng vỏ chăn, drap, gối, nệm. Do lần đầu tiên tiếp xúc với thị trường mới nên đơn vị này nhanh chóng thực hiện yêu cầu của đối tác, gửi phí đấu thầu 7.000 USD vào tài khoản của họ. Một tuần sau, DN nhận được thư chúc mừng đã thắng thầu hợp đồng xuất khẩu thời hạn 1 năm với tổng trị giá gần 300.000 USD. Hợp đồng sẽ được thực hiện ngay từ giữa tháng. Nhưng chờ đến tháng 6 vẫn không thấy đối tác đặt hàng, DN này liền liên lạc bằng email và điện thoại cả chục lần mà vẫn bặt vô âm tín...

Minh họa: NGUYỄN TÀI

Nộp phí, nhận hàng trước...

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị lừa đảo từ nước ngoài mà trước đó đã có nhiều DN cũng bị mắc bẫy. Tình trạng diễn ra rất phổ biến nên mới đây, Bộ Công Thương phải thông báo chính thức đề nghị các DN xuất khẩu VN lưu ý để tránh bị lừa đảo, nhất là từ các thị trường mới ở châu Phi như các nước Togo, Benin, Cameroon, Nigeria, Ghana, Senegal... Chẳng hạn, một DN ngành sản xuất thực phẩm vừa là nạn nhân của Công ty Niger Delta Development Commission (Nigeria). Cũng với chiêu thức mời thầu, đối tác đề nghị DN này nộp khoản phí hồ sơ tham gia đấu thầu 4.000 USD nhưng sau đó không nhận được hợp đồng và mất liên lạc. Một DN ngành nội thất gửi đơn hàng trị giá 40.000 USD qua đường biển được đối tác hứa sẽ trả tiền qua tài khoản ngay sau khi hàng lên tàu và nhận được fax thông báo. Tuy nhiên, tính đến nay hơn 2 tháng, đối tác vẫn bặt vô âm tín...

Một số DN khác cũng từng là nạn nhân nhưng nhờ cảnh giác trước nên đã thoát nạn. Đó là trường hợp Công ty CP Viglacera Việt Trì đã nhận được đơn đặt hàng bộ sản phẩm sứ vệ sinh và đề nghị nộp phí xuất khẩu 3.500 USD. Nhờ có kinh nghiệm xuất khẩu, công ty đã xác minh và phát hiện đây là trường hợp lừa đảo. Công ty Thanh Niên VN được một đối tác tại Togo gửi email mời sang ký hợp đồng đơn hàng bột mì trị giá 12 triệu USD và nộp phí 12.300 USD. Nhờ thông qua Thương vụ VN tại Morocco, DN này đã biết được đối tác thực chất là DN “ma”...

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương): Phần lớn các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo đều thông qua giao dịch email nên các DN phải hết sức lưu ý. Dấu hiệu dễ phát hiện nhất là đa số đối tác lừa ở các nước ở châu Phi, nhất là Tây Phi, vốn sử dụng tiếng Pháp nên khi thấy một văn bản, giấy phép kinh doanh bằng tiếng Anh từ khu vực này, DN nên cảnh giác. Để tạo lòng tin, đối tác thường giải thích là cơ quan nước ngoài đóng tại châu Phi nên sử dụng tiếng Anh. Một số đối tác còn mạo nhận là tổ chức của chính phủ... Ông Lý Quốc Hùng còn lưu ý hiện nay nhiều nước không thu phí xuất khẩu vì vậy khi đối tác đề nghị DN nộp phí cũng cần cảnh giác.

Tham tán Thương mại VN tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Đồng Văn Chung, cảnh báo một hình thức lừa đảo phổ biến là đối tác sẵn sàng ký hợp đồng nhập khẩu giá cao, sẵn sàng chuyển tiền cọc xấp xỉ 30% trị giá lô hàng để tạo lòng tin cho DN VN. Đến khi nhận được chứng từ đã giao hàng tại cảng đi, thay vì trả hết tiền hàng, đối tác giở chiêu ép giá. Nếu không chấp nhận đề nghị giá mới, hàng của DN VN sẽ bị ách lại tại cảng đến, phải chịu phí lưu cảng, chưa kể nếu thuê tàu chở ngược về VN sẽ tốn nhiều chi phí hơn nên nhiều DN đành chấp nhận.

Để hạn chế tình trạng trên, trong thông báo gửi các DN xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các DN nên thực hiện xác nhận thông qua tín dụng thư (L/C) hoặc bảo đảm của ngân hàng. Ngoài việc bảo đảm thanh toán, L/C còn giúp DN nhận được thời hạn thanh toán nhanh hơn. Muốn am hiểu luật ngân hàng của các nước ở châu Phi nói tiếng Pháp như Togo, Benin, Senegal, Cameroon..., DN nên tham khảo Luật Ngân hàng Pháp vì có nhiều quy định tương tự.

Một số nhà nhập khẩu “ma”

Nước Cộng hòa Togo: Công ty Contract Project Board (Bd 34 Adidogome, B.P 50285, TP Lomé); Công ty Trans-wells Trade Holdings (12 Rue D’ Italie,B.P 4038, TP Lomé); Công ty African Development for Refugees & Literacy (216 Rue de Jean Paul 11 Avenue BP 12281, TP Lomé); Công ty Sarah John Investment Corp (165 Rue De Comore, TP Lomé).

Nước Cộng hòa Benin: Công ty Ste. Weastlinear Holdings Ltd (107 Missebo Avn, TP Cotonou); Công ty Ste.Festival Home Incoperated (Lot 127 Rue De Francophone, TP Cotonou); Công ty Ets Mabic Import Sarl (Avenue De La Stimez Carre, 105 TP Cotonou); Công ty Legislate Law Chambers (C/101 Rue De Chamber Du Commerce, TP Cotonou); Công ty African Aid Network (Aan Building Plot 456 Zone Des Ambassades 01 BP 8756, TP Cotonou)...

(Nguồn: Các Thương vụ VN tại châu Phi )

(Theo Mai Vân // Nguoilaodong Online)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Xung đột lợi ích
  • Wal-Mart có doanh thu lớn nhất thế giới
  • Thị trường quạt điện, hè 2010: Doanh nghiệp Việt vẫn chậm chân
  • Hàng hạng sang bán chạy ở tỉnh lẻ
  • Vinashin, những bài học về kinh tế và quản lý
  • Toyota đã đánh mất vị trí của mình như thế nào?
  • Xây dựng thương hiệu điểm đến MICE
  • Hàng Việt nhìn từ cái áo sơmi nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com