Khách quốc tế tại một triển lãm đồ gỗ ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Không có lý do gì TPHCM không thể cạnh tranh cùng với các điểm đến MICE - viết tắt của Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị) và Exhibition (triển lãm) - khác trong vùng châu Á -Thái Bình Dương.
Cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần quốc tế Việc khai trương Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn năm 2008 là một dấu ấn mạnh nhằm tạo sự cạnh tranh về sản phẩm MICE với các điểm đến Bangkok, Singapore, Hồng Kông, Sydney và Thượng Hải. Nhưng điều cần thiết để cạnh tranh trong lĩnh vực MICE không chỉ là đáp ứng yêu cầu của các nhà tổ chức hội nghị cấp quốc gia hay quốc tế, các nhà triển lãm thương mại có một nơi để tổ chức tốt, các cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp hay các sự kiện đặc biệt. Một trong những rào cản chính yếu là Việt Nam chưa có chiến lược du lịch tầm cỡ quốc gia để tiếp cận, quan hệ với thị trường hội nghị quốc tế và tiếp thị điểm đến. Trong khi những điểm đến lâu đời khác đầu tư hàng triệu đô la Mỹ từ chính phủ qua các chiến dịch tiếp thị sáng tạo để đưa điểm đến của họ đến thẳng các đối tác thì Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược dứt khoát, rõ ràng để nhận diện các thị trường mục tiêu của mình. Thị trường hội nghị quốc tế đang cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ, những thành phố giàu ngân sách như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải và Bắc Kinh (chưa bàn đến Dubai, New York, Las Vegas, London, và Macao gần đây cũng đã cố gắng tìm được chỗ đứng trong thị trường MICE), bằng cách xây dựng, thiết kế các chiến dịch tiếp thị, cùng các tổ chức và nguồn lực riêng để thực hiện. Những tổ chức này, thường gọi là Cục Xúc tiến hội nghị (Convention Bureau), tổ chức những sự kiện quốc tế với những chiến dịch tiếp thị đầy hiệu quả từ ngân sách chính phủ nhằm thu hút khách lưu trú về những khách sạn và trung tâm hội nghị trong thành phố. Nếu như không có sự xuất hiện của tổ chức như Cục Xúc tiến hội nghị hay ít nhất là một tổ chức du lịch mang tính toàn cầu thì Việt Nam sẽ ít có ảnh hưởng đối với thị trường sự kiện quốc tế, và đây là điều đáng tiếc với một điểm đến xứng đáng được giới thiệu và hưởng lợi từ thế mạnh của mình. TPHCM có cơ sở hạ tầng chức năng hoạt động tốt cùng với một hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại và khoảng không gian đa chức năng cùng với những nhà hàng quốc tế sành điệu. Một điểm thú vị khác là đặc trưng độc đáo của người dân thành phố, sự thân thiện, tính chuyên cần và óc rộng mở đã biết tận dụng, đón đầu ngọn gió kinh tế xã hội thay đổi để phát triển thành phố mình. Người dân TPHCM có những tố chất để phát triển việc làm ăn của mình, dễ thấy nhất là ngành thời trang và ẩm thực. Ở Paris hay San Francisco có thể thấy các nhà hàng nổi tiếng của Việt Nam. Những nhà thiết kế thời trang tiên phong đã trở lại TPHCM sau một thời gian dài tha phương tại châu Âu và Hoa Kỳ để xây dựng và gắn bó tên tuổi của họ tại Việt Nam. Thiết kế thời trang sáng tạo kết hợp với những thú vui giải trí sinh động, những tụ điểm văn hóa, nghệ thuật và du lịch, dấu ấn kiến trúc lịch sử… TPHCM có đủ thế cạnh tranh so với các thành phố hiện đại khác của châu Á, trong đó nhiều nơi đã trở thành những khối bê tông đồ sộ và mất dần bản sắc châu Á. Điều quan trọng trong giai đoạn này là cần một tổ chức như Cục xúc tiến hội nghị chẳng hạn, để kết hợp những nỗ lực tiếp thị riêng lẻ của khu vực tư nhân như khách sạn, lữ hành, với hãng hàng không quốc gia, cùng những cơ quan, tổ chức nhà nước khác, nhằm xây dựng một chiến dịch tiếp thị quảng bá cho Việt Nam như là một chọn lựa có thể thay thế được những đối thủ cạnh tranh chủ yếu như Thái Lan, Hồng Kông và Singapore. Sự kết hợp mang tính hệ thống này sẽ tạo nền tảng căn bản cho việc khai thác kinh doanh mà mục đích chính là thu hút khách tiêu dùng cho thành phố. Để có thể cạnh tranh hiệu quả với những thị trường MICE nặng ký tại châu Á, cần ưu tiên tạo nhận thức về TPHCM như một điểm đến hấp dẫn. Điều này đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ, sự hiểu biết về chuyên ngành quan hệ công chúng, sự hỗ trợ từ các cơ quan truyền thông, báo đài, và Internet. Một chiến lược tổng hợp đối với thị trường quốc tế có thể gồm các bước sau đây: - Tận dụng chương trình “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” và thúc đẩy khai thác vị trí lịch sử của TPHCM; thiết lập một thương hiệu cho thành phố (như Uniquely Singapore). - Thiết lập một hiệp hội du lịch chính thức (giống như Hội Khách sạn Bali hay Hội Khách sạn Hồng Kông…) bao gồm các khách sạn, các hãng lữ hành, các công ty vận chuyển (như SASCO) và đại diện các hãng hàng không, nhằm trao đổi các vấn đề có liên quan đối với các thành viên. - Thiết lập Cục Xúc tiến hội nghị với sứ mệnh tiếp thị điểm đến cho TPHCM. Cục sẽ hợp tác làm việc với những thành phần kinh tế khác nhau, với ưu tiên tiếp thị cho điểm đến TPHCM, kế đến là các khách sạn thành viên, và các địa điểm chức năng hội nghị. - Xác định các phân khúc chủ yếu và các thị trường nguồn liên quan đến tiếp thị điểm đến, thúc đẩy vị trí độc đáo của thành phố như là một di sản văn hóa. - Xây dựng Văn phòng khách hàng (Visitor Bureau) và phân phối ngân sách tiếp thị đủ để tập trung quảng bá TPHCM như là một điểm đến có bề dày lịch sử, phản ánh di sản lịch sử châu Á tinh tế, vững chắc, đa sắc màu cạnh tranh với các điểm đến khác tại châu Á. - Thiết lập một liên minh chiến lược giữa Cục Xúc tiến hội nghị và Hàng không Việt Nam trong một phạm vi tương tự như hãng hàng không Emirate Airlines hợp tác với Dubai trong thập kỷ trước, một mối quan hệ cổ điển “hai bên đều có lợi”, nhằm đưa khách đến điểm đến sau cùng là TPHCM. - Tháo bỏ những rào cản du lịch phiền toái như yêu cầu về visa trước khi đến. Visa có thể cấp tại điểm đến. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của những quốc gia, thành phố như Bali, Malaysia, Singapore, Thái Lan, những nơi này cấp visa cho khách du lịch trong 30 ngày. Xây dựng lợi thế cạnh tranh chiến lược Xây dựng sự nhận biết hình ảnh cần một chiến lược tiếp thị bền vững với rất nhiều công sức và thời gian. Điều này tương tự như chu kỳ của một sản phẩm tiêu dùng. Chu kỳ của một sản phẩm có thể kéo dài bằng cách luôn sáng tạo lại sản phẩm đó và thiết kế một chiến dịch quảng cáo đáp ứng nhu cầu của đối tượng đích, trong trường hợp này là khách du lịch. “Malaysia - Châu Á đích thực” (Malaysia, Truly Asia)và “Thái Lan - Kinh ngạc” (Amazing Thailand) là hai chiến dịch tiếp thị rất thành công được duy trì và gần như không thay đổi trong mười năm qua. Đất nước Singapore nhỏ bé là một ví dụ khác về sự luôn sáng tạo để đối phó với một môi trường cạnh tranh đầy thách thức tại châu Á. Tiếp đó là Ấn Độ với chiến dịch “Ấn Độ lạ thường” (Incredible India). Vì vậy, đây là thời điểm cho thông điệp “Việt Nam, Nét đẹp tiềm ẩn” (Vietnam’s Hidden Charm) vươn lên táo bạo hơn và nổi bật hơn. TPHCM cần tạo một sân chơi mà lợi thế được phân bố đồng đều cho các bên. Quan trọng là cần quan tâm đẩy mạnh quan hệ công chúng (PR) tốt đẹp và xây dựng một hình ảnh tích cực về Việt Nam. Chúng ta có thể nói rằng quản lý chiến lược tiếp thị cho một quốc gia gần như là điều hành một doanh nghiệp và chúng ta sẽ hưởng được những lợi ích từ việc quản lý chiến lược tiếp thị. Tất nhiên không thể bỏ qua sự phức tạp về chính trị cũng như sự đa dạng của nền văn hóa trong việc điều hành chiến lược này. Tóm lại, tiếp thị hình ảnh điểm đến không phải là một công việc tĩnh lặng do các biến số xã hội luôn thay đổi. Quản lý chiến lược tiếp thị là một quá trình luôn tự điều chỉnh, mọi tính toán cân nhắc phải kiên định như quốc gia sẽ đi về đâu, đích mà chúng ta muốn đến và làm cách nào để đi đến đó.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com