Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vinashin, những bài học về kinh tế và quản lý

Trong quá trình phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từng có những bước tiến khá nhanh, trở thành lực lượng nòng cốt của công nghiệp tầu thủy Việt Nam. Tuy nhiên, con tàu Vinashin đang phải đối mặt với phong ba.

Vinashin hạ thủy con tàu đầu tiên trong serie tàu chở ô tô 4.900 xe ôt ô mang tên Victory Leader ngày 21/7/2009. Đây là lần đầu tiên tàu chở ô tô được đóng mới tại Việt Nam

Ngày 13/7, Thủ tướng đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong thông tin với Cổng TTĐT Chính phủ, ngày 14/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập nhóm công tác với 5 nhiệm vụ cụ thể.

Đó là cơ cấu lại Vinashin nhưng phải bảo đảm duy trì phát triển ngành đóng tàu của đất nước; sử dụng hiệu quả và ít thiệt hại nhất những tài sản đã và đang đầu tư; hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới công ăn việc làm người lao động; không để đổ vỡ dây chuyền tới hệ thống ngân hàng; xử lý nghiêm vi phạm, đúng người, đúng việc, đúng quy định của pháp luật.

Trước khi Vinashin được thành lập thì ngành đóng tàu của Việt Nam có quy mô khá khiêm tốn.

Từ năm 1996, với vai trò là lực lượng nòng cốt của công nghiệp đóng tàu, Vinashin đã có bước phát triển vượt bậc về năng lực đóng mới và sửa chữa tàu biển. Từ chỗ mới đóng tàu 1.000 DWT, qua thời gian ngắn, Vinashin đã đóng được tàu trên 100.000 DWT, tàu chở dầu thô từ 100.000 - 300.000 tấn, tàu chuyên dùng chở hàng ngàn ô tô, kho nổi chứa xuất dầu. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật công nghệ của các ngành công nghiệp phụ trợ cũng có bước phát triển theo. Thị trường đóng tàu được mở rộng, đưa Việt Nam thành một quốc gia phát triển trong lĩnh vực đóng tàu.  

Với đà phát triển lạc quan đó, Vinashin đã không tránh khỏi nôn nóng, muốn “đốt cháy giai đoạn” trong quá trình phát triển. Tập đoàn phát hành trái phiếu quốc tế để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhận quá nhiều đơn đặt hàng và đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, sự tính toán chủ quan đã không tránh khỏi rủi ro. Đặc biệt là đúng vào thời điểm Vinashin tưởng như sung sức nhất thì bão khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu ập đến từ giữa năm 2008 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp đóng tàu, trong đó có Vinashin.

Đến nay, Vinashin đứng trước khó khăn chồng chất do nhiều cam kết vốn của một số ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước (do thắt chặt tài chính, tiền tệ) bị huỷ bỏ... dẫn đến không đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án đầu tư đang thực hiện. Mặt khác, rất nhiều chủ tàu gặp khó khăn về tài chính (do các ngân hàng đã cam kết nhưng sau đó từ chối tài trợ) đã đề nghị huỷ hợp đồng, giãn tiến độ đóng tàu cũng như giãn thời gian thanh toán…

Nói như ông Trần Quang Vũ, Tổng Giám đốc Vinashin, con tàu này rơi vào khó khăn vì phát triển quá nóng và quản lý còn hạn chế lại đầu tư dàn trải ngoài ngành nghề chính, trong đó có bất động sản. Không có vốn mới để bù đắp cho các dự án đóng tàu. Trong khi vốn đóng tàu được mượn tạm cho các dự án, nhưng dự án dậm chân tại chỗ. Các dự án cứ nằm đó, lãi vay vẫn phải trả. Trong khi tàu cũng không có vốn để đóng, chậm bàn giao, không có nguồn thu. Đây là hai khó khăn lớn nhất làm cho Vinashin chao đảo trên thị trường.

Trước tình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm, tìm  biện pháp để Vinashin vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của đất nước, đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho hàng chục ngàn công nhân, người lao động của tập đoàn.

Ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Vinashin để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tập trung vào ngành nghề chính.

Việc tái cơ cấu nhằm đạt 4 mục tiêu. Đó là duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển; sử dụng có hiệu quả năng lực, cơ sở vật chất đã và đang đầu tư; không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.

Bài học từ Vinashin chính là việc phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động các doanh nghiệp khi đã trao thẩm quyền và phân cấp.

Có thể nói, từ trường hợp Vinashin, nên coi đây như một bài học kinh nghiệm đối với các tập đoàn, tổng công ty, lực lượng then chốt của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị này.

Vào tháng 2/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 8 nhiệm vụ chủ yếu và 18 phần việc cụ thể đã được phân giao trách nhiệm rõ ràng. Sau câu chuyện của Vinashin, có lẽ, hơn bao giờ hết, Chương trình hành động cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ.

 Ở đây cũng còn bài học là việc thông tin  cần khách quan, đúng bản chất sự việc, tránh suy diễn khi vụ việc đang trong quá trình thanh tra, điều tra  chưa đi đến kết luận cuối cùng. Việc thông tin phải hướng tới mục đích làm sao giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp tục duy trì và giữ vững sản xuất.

(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)

 

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Toyota đã đánh mất vị trí của mình như thế nào?
  • Xây dựng thương hiệu điểm đến MICE
  • Hàng Việt nhìn từ cái áo sơmi nam
  • Cách định dạng và xuất bản sách để bán trên Amazon.com
  • Sony sẽ thách thức Apple ở Nhật Bản
  • Lấy tài tạo thế
  • Đổi mới mô hình tăng trưởng
  • Cuộc chiến giá cước: Bài học từ các quốc gia ASEAN
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com