Đòi hỏi lớn đối với mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là hiệu lực của kiểm soát nhà nước và năng lực quản trị nội tại |
Tại VN, đã và đang có trào lưu xây dựng những tập đoàn, những liên doanh với quy mô chằng chịt và với mức vốn rất lớn tới hàng ngàn ngàn tỷ đồng. Thoáng qua chúng ta tưởng rằng đây là một “lũy đài thép”, tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều khi đó lại là “bẫy bánh vẽ” để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội và ở đó chứa đựng nhiều bất ổn.
Một số hiện tượng gần đây ở các DN VN cho thấy, cần phải hạn chế bẫy bánh vẽ để không gây ra các hiệu ứng tiêu cực cho xã hội và nhà đầu tư.
Dễ rủi ro
Tại VN thời gian qua đã có trào lưu tập đoàn kinh tế (bao gồm cả nhà nước), tập đoàn tài chính -ngân hàng. Một số Cty (nhất là Cty cổ phần, Cty niêm yết) đã tham gia ký kết, liên kết, liên doanh, đối tác chiến lược với rất nhiều Cty thuộc diện “khủng”. Thực tế, các hình thức này đã gây được hiệu ứng nhất định đến DN và nhà đầu tư cũng như diễn biến trên thị trường. Ít ai đặt ra câu hỏi rằng, liệu trong số các tập đoàn đó có “bánh vẽ” hay không ? Tuy nhiên người ta lại đang chú ý và hoài nghi đến một số loại hình sau ở VN có thể dẫn đến hiệu ứng “bánh vẽ”:
Tập đoàn kinh tế của nhà nước. Tập đoàn kinh tế nhà nước hiển nhiên là có mục đích vô cùng lớn lao là tập trung nguồn lực vô cùng lớn của nhà nước (mà kinh tế tư nhân chưa chắc làm nổi) vào một lĩnh vực kinh tế nào đó mà nhà nước cần chi phối như đóng tầu, dầu khí, khai khoáng, Ngân hàng thương mại nhà nước lớn... và tạo nên một thế mạnh của VN về một ngành công nghiệp hay tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của nhà nước. Khi nhà nước tập trung thật nhiều vốn vào đây, vấn đề quản trị không được tăng cường (nhất là cơ chế hoạt động của HĐQT không được bảo đảm) thì sẽ là lúc phát sinh rủi ro đạo đức/ bất cẩn trong quản lý. Kinh nghiệm cho thấy, dấu hiệu của các rủi ro này thường là: tình trạng đầu tư tràn lan ra cả bên ngoài lĩnh vực hoạt động chính (như dự án cao ốc, bất động sản; góp vốn thành lập ngân hàng, Cty chứng khoán, sàn vàng,...), tăng lương ồ ạt, huy động vốn ồ ạt (bao gồm cả tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu ...). Hiện tượng Vinashin vừa qua cho thấy một ví dụ về “bẫy bánh vẽ” phát tác đối với tập đoàn kinh tế nhà nước.
Đại gia ngân hàng. Thực tế cho thấy, khu vực ngân hàng là khu vực rất dễ diễn ra bẫy “bánh vẽ”. Thời gian qua, ở VN hiện nay, đa số các NHTM đang đi theo mô hình giống hệt nhau, theo công thức: Tập đoàn tài chính ngân hàng = Ngân hàng thương mại + Cty chứng khoán + Cty bất động sản + Sàn vàng + Bảm hiểm +... Với định hướng phát triển theo mô hình này, dường như ở VN đang hình thành một loạt đại gia ngân hàng. Cho dù chưa ai đề cập hiện tượng “bánh vẽ”, nhưng xét trên phương diện thận trọng cho thấy có một số rủi ro trong mô hình này. Hiện tại, vấn đề cơ chế giám sát tập đoàn tài chính đang còn nhiều bất cập chưa theo kịp thực tế, do đây là mô hình hoàn toàn mới, vấn đề kiểm soát các giao dịch nội bộ giữa các Cty con trong tập đoàn còn nhiều bất cập và thường là điểm yếu nhất nên dẫn đến các báo cáo kế toán có độ tin cậy rất thấp. Một số NHTM có khuynh hướng hoạt động như một Cty tài chính cho các Cty thành viên (huy động vốn từ xã hội để đầu tư vào các Cty con/ Cty trực thuộc), trong khi quản lý rủi ro của ngân hàng chưa được coi trọng; cơ chế quản lý quá trình tăng vốn và sử dụng nguồn vốn cũng rất lỏng lẻo.
Các Cty niêm yết. Thời gian qua, việc tăng vốn của các Cty niêm yết ở VN có thể là quá nhiều và quá nhanh và rất dễ dàng. Nhiều Cty, vẫn hệ quản trị ấy, vẫn thị trường sản phẩm ấy, nhưng Cty đã tăng vốn liên tục năm này qua năm khác. Người ta thấy có rất nhiều Cty đã cố vẽ ra cho thật nhiều dự án theo các mô hình cũng giống hệt nhau: dự án kinh doanh mới = dự án khu thương mại/ dự án biệt thự cao cấp/chung cư/khu nghỉ dưỡng+ ...
Ngăn chặn bánh vẽ thế nào ?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bẫy bánh vẽ có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào. Hiện tại, bẫy “bánh vẽ” chưa phát tác nhiều và gây nhiều tác hại cho nền kinh tế VN. Tuy nhiên một số biểu hiện ở những DN nhà nước lớn (tập đoàn và ngân hàng lớn), các NHTMCP, các Cty niêm yết chính là các điểm trọng yếu cần có giải pháp ngăn chặn các bẫy “bánh vẽ”.
Một số biểu hiện ở những DN nhà nước lớn, các NHTMCP, các Cty niêm yết chính là các điểm trọng yếu cần có giải pháp ngăn chặn các bẫy “bánh vẽ”. |
Tăng cường quản trị tại DN nhà nước, ngân hàng thương mại lớn có nhiều tài sản nhà nước: Tại các DN lớn này, bẫy bánh vẽ có thể diễn ra dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Do đó cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra quản trị DN. Việc thanh tra kiểm soát này nhằm đảm bảo quá trình quản trị DN được thực hiện, tránh tình trạng Tổng Giám đốc DN hay Chủ tịch HĐQT lạm dụng, tiếm quyền... thực hiện không đúng chức trách của mình. Vấn đề trách nhiệm của người đại diện quản lý phần vốn góp của nhà nước tại DN cũng cần phải tăng cường. Hoạt động kinh doanh, quan hệ kinh doanh giữa một tập đoàn kinh tế lớn, ngân hàng thương mại nhà nước lớn với một DN trực thuộc (kể cả cổ phần) cần đặc biệt quan tâm. Việc tăng vốn của nhà nước vào các NHTM lớn hiện nay cũng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng và đi đôi với tăng cưởng quản trị, thanh tra, giám sát, nếu không sẽ mắc vào “bẫy bánh vẽ”.
Các NHTMCP. Hiện tại các NHTMCP đang cố tăng cho được vốn điều lệ của mình lên đạt mức 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 và mức 5.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng trong những năm tiếp theo theo lộ trình của Nhà nước. Theo quan điểm quản lý, vấn đề tăng vốn chỉ hiệu quả và tăng thêm sức mạnh khi hệ thống quản trị của các ngân hàng được cải thiện và nếu điều này không đạt đạt được một cách tương xứng thì đây sẽ là các bẫy “bánh vẽ”: NHTM đầu tư tràn lan, vẽ ra lãi, lợi nhuận rất khủng để cố gắng thu hút nhà đầu tư để đạt được mục tiêu tăng vốn.
DN niêm yết tại sàn chứng khoán VN: Nhà nước cần đảm bảo việc tăng vốn của các DN một cách hợp lý với năng lực quản trị điều hành của DN, với diễn biến thị trường, đảm bảo DN có thể tiêu hóa được (tránh tình trạng huy động quá dễ, dẫn đến đầu tư quá dễ). Cần có cơ chế để đảm bảo quyền lợi và sự giám sát của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đảm bảo tăng cường giám sát quá trình đầu tư của DN hạn chế tình trạng tăng vốn quá dễ dàng và sử dụng vốn không hiệu quả, thiếu cẩn trọng ở các DN niêm yết.
(Theo ThS Lê Văn Hinh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com