Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vất vả trên sân nhà

Lạc Việt là một trong những doanh nghiệp có nỗ lực đáng kể được thị trường ghi nhận cho đến nay. Thanh Tùng

Sau hơn mười năm khuyến khích phát triển và ứng dụng CNTT, ngành phần mềm trong nước vẫn còn lận đận trên chính sân nhà mặc dù thị trường nội địa vẫn đang là khu vực rộng lớn ở cả hai khối đầu tư công và doanh nghiệp.

Thị trường lớn của ngành CNTT nói chung và phần mềm nói riêng vẫn là các cơ quan nhà nước. Nhưng nhiều năm qua khu vực này vẫn còn những rào cản nhất định. Theo ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty VietsoftWare, một dự án đầu tư có chi phí: vốn xây dựng công trình (A) + tài nguyên của chủ đầu tư (B) + phí dịch vụ bảo trì cho nhà thầu (C). Kinh nghiệm từ các dự án cho thấy, chi phí A thường có quy mô rất lớn, B không đáng kể và không rõ ràng và C luôn luôn là zero (không).

Bước lùi ở thị trường chính phủ

Như vậy, để đầu tư cho CNTT thành công, cần biết hiệu quả đầu tư và hiệu quả vận hành hệ thống được xây dựng theo dự án chứ không chỉ có vốn đầu tư. Điều này còn là tối cần thiết cho lĩnh vực CNTT do đặc thù giá trị vô hình của nó. Nhà cung cấp khi không nhận được phí dịch vụ sẽ không có động lực cung cấp dịch vụ tốt. Chủ đầu tư cũng không nhận được dịch vụ tốt ngoài “12 tháng bảo trì miễn phí”. Trong nhiều tình huống, chủ đầu tư kéo dài thời hạn này tới 2,3 năm làm tăng thêm sự bất công giữa hai bên hợp đồng. Nhà cung cấp dễ rơi vào sự thiệt hại và triệt tiêu năng lực tái đầu tư.

Mối quan hệ này lâu nay đã không khuyến khích các bên đầu tư dài hạn, không khuyến khích xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và làm mất nhiều cơ hội phát triển của ngành, triệt thoái tính hữu dụng của các hệ thống CNTT tại các cơ quan quản lý nhà nước. “Sự ảm đạm và mất niềm tin vào thị trường chính phủ hiện nay là minh chứng cho lý thuyết nói trên. Nhiều công ty lớn đã dần rút khỏi thị trường, nhiều công ty nhỏ được lập ra để nắm bắt cơ hội nhưng phải phá sản ngay khi mở rộng quy mô”, theo ông Sơn.

Thực tế những năm qua cho thấy số lượng các nhà cung cấp dịch vụ CNTT có quy mô, chất lượng và uy tín cho thị trường chính phủ giảm đi đáng kể mà chưa thấy thế hệ tiếp theo xuất hiện. Điều này cũng dẫn đến tình trạng “nổi lên” các trung tâm CNTT do chính các cơ quan tự thực hiện, cung cấp dịch vụ cho các dự án của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan thuộc địa bàn. Điều này dự báo có thể là một bước lùi cho ngành CNTT. “Cần một mô hình hợp tác công-tư (quy chế PPP) để tạo ra một bước ngoặt mới cho ngành phần mềm trong nước có cơ hội phát triển. Chỉ khi nào xem “phần mềm như là dịch vụ” thì nhà cung cấp mới có đủ niềm tin đầu tư kinh phí cho các chiến lược thị trường dài hạn”, ông Sơn nói.

Doanh nghiệp mất phương hướng

Theo ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mắt Bão, so với mười năm trước thì ngành phần mềm Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc. Ngành có doanh thu còn khiêm tốn (2 tỉ đô-la Mỹ năm 2010) nhưng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu phần mềm lại đến từ hoạt động gia công, có nghĩa là Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn về gia công phần mềm giá rẻ, chất lượng cao. Nhưng nếu chỉ cạnh tranh ở phân khúc này thì vẫn gặp một thách thức lớn bởi nhiều quốc gia đông dân khác cũng đang có chính sách khá hấp dẫn để cạnh tranh.

Trong khi đó, mảng phần mềm nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ. Số lượng doanh nghiệp sản xuất phần mềm cho thị trường nội địa không nhiều. Việc phát triển của khối doanh nghiệp này cho đến nay vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để đầu tư chiều sâu. “Cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam là rất lớn, nhưng chinh phục “sân nhà” lại không hề dễ dàng”, theo ông Bình.

Đã có giai đoạn ngành phần mềm bùng nổ nhưng rồi sau đó tàn lụi dần. Điểm lại thị trường, có một số tên tuổi có nỗ lực đáng kể được thị trường ghi nhận cho đến nay là Lạc Việt, Diginet, Vietsoftware, BKAV, Misa, Fast; một số chương trình cho ngành y tế, chính phủ điện tử, địa lý… Nhưng nhìn chung bộ mặt của ngành vẫn đang mờ nhạt. Không có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho việc phân tích, đánh giá chi tiết về chiến lược sản phẩm, nhu cầu của khách hàng, thị trường... mà chỉ chủ yếu mô phỏng từ một mô hình phổ biến của phần mềm nước ngoài. Đa phần doanh nghiệp phần mềm là nhỏ, thiếu ngân sách tiếp thị nên uy tín của sản phẩm cũng không cao.Nhiều lý do như thế đã làm cho phần mềm ra đời không phù hợp hoặc không được thị trường biết đến nên thất bại.

Theo ông Bình, việc khai thác, phát triển thị trường trong nước còn nhiều khó khăn. Một bộ phận doanh nghiệp đã quen các chương trình sổ sách đơn thuần trên Word, Excel thay cho phần mềm chuyên dụng, và rất khó thay đổi. Một bộ phận doanh nghiệp lớn có khả năng tài chính đã đầu tư cho các phần mềm của nước ngoài. Như vậy để phần mềm trong nước đến được doanh nghiệp trong nước, cốt lõi vấn đề là phải chứng minh được ích lợi và ưu điểm của phần mềm trong nước.

Theo ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HPT, các phần mềm do doanh nghiệp trong nước phát triển dù rất được kỳ vọng nhưng thành công hay không còn nhiều vấn đề phải xem xét giải quyết. Có sản phẩm kinh doanh được nhưng không duy trì được nguồn thu. Điều này đòi hỏi không chỉ kỹ năng về sản phẩm, ý tưởng mà còn khả năng tiếp thị, cách thức điều hành tổ chức kinh doanh, kinh phí dài hạn cho bộ máy… hiện vẫn đang là điểm yếu của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. “Phần mềm không đơn thuần là công nghệ mà đó là sự tích hợp các kỹ năng quản trị. Giả sử chúng ta có sản phẩm công nghệ chuẩn mà thiếu năng lực tiếp thị thì sản phẩm cũng rơi rụng và dần bị loại bỏ trên thị trường”.

Theo ông Phạm Anh Chiến, Tổng giám đốc Công ty phát triển phần mềm FPT (FIS), bên cạnh những rào cản nói trên thì vấn đề bảo vệ bản quyền và quản lý con người cũng là một trong những nỗi lo của doanh nghiệp khi đầu tư phát triển sản phẩm. Một đội ngũ phát triển phần mềm, sau một thời gian hợp tác có thể bỏ việc ra phát triển chương trình riêng tương tự cho mình. Đã xảy ra nhiều trường hợp kiện tụng nhưng đều không đi đến đâu, vì các biện pháp chế tài đều rất yếu.

Mặt khác, các doanh nghiệp lớn hiện vẫn sử dụng phần mềm nước ngoài là điều đương nhiên, vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa đủ năng lực đưa ra những ứng dụng cấp cao cho các ngành đặc thù như dầu khí, kho bạc, ngân hàng... Chính vì thế phân khúc này đang là “đất” của các giải pháp quy mô do các hãng nước ngoài cung cấp. Ông Chiến cho biết FPT đã định vị lại sản phẩm bằng việc tận dụng kinh nghiệm nhiều năm làm đối tác triển khai cho các hãng nước ngoài để tập trung vào việc phát triển các giải pháp cho các ngành đặc thù. Những mảng này mặc dù đòi hỏi chuyên sâu hơn nhưng được khách hàng chấp nhận bỏ chi phí cao để đầu tư. Có như thế thì doanh nghiệp mới có đủ khả năng đầu tư dài hơi cho sản phẩm. “Phần mềm là sự tích hợp về quy trình quản trị trong các ngành công nghiệp hàng nhiều năm. Chính vì thế mà phần mềm Việt Nam chưa thể đạt đến cấp độ này. Cần có thời gian để đạt được những kinh nghiệm chuyên sâu mới có thể đáp ứng được”.

Tuy nhiên doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn đang có một thị trường rộng vì các nhu cầu phục vụ cho đặc thù mang tính địa phương vẫn rất lớn, đặc thù của từng cơ quan, từng ngành, từng doanh nghiệp, những vấn đề về ngôn ngữ, bản địa hóa chương trình mà các phần mềm lớn của nước ngoài khó có thể bao quát. Thị trường đem lại rất nhiều cơ hội nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp ra sao còn cần những chính sách khuyến khích phát triển thật sự và thực tế. “Như thế doanh nghiệp mới nhìn ra cơ hội tham gia và chấp nhận rủi ro để đầu tư cho các chiến lược phát triển dài hạn. Nếu không, về dài hạn Việt Nam vẫn chỉ có những phần mềm nhỏ lẻ như hiện nay”, một nhà doanh nghiệp cho biết.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thách thức từ những biến động mới
  • Đầu tư như đầu cơ = Chúa Chổm
  • Google đang dần mất “đất” tại Trung Quốc
  • Audi đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử
  • Giải bài toán tồn kho
  • Dễ mất đơn hàng lớn nếu thiếu trách nhiệm xã hội
  • Lãnh đạo Mercedes-Benz ‘kiếm đậm’ năm 2010
  • Dán nhãn so sánh năng lượng Việt : Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com