Bản chất của tiêu dùng là muốn được thì phải mất cái được là một hình ảnh, một giá trị để thể hiện về mình |
Sắp tới lúc các doanh nghiệp phải lên kế hoạch kinh doanh cho năm sau. Việc này không thể không dựa trên số liệu thống kê, dự báo tiêu dùng… Ở góc dộ nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã chia sẻ những nhận định rất thú vị về “dự báo”.
Có một thuật ngữ thú vị được hình thành xuất phát từ khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1929 “Lời tiên tri tự nó hình thành”. Giáo sư Thiêm cho rằng: khi đám đông dự báo điều gì và hành động thuận theo dự báo đó thì tương lai sẽ xảy ra y như dự báo. Khủng hoàng tài chính năm 1929 đã chứng minh điều đó. Thời điểm ấy, nhiều dự báo nói rằng ngày mai doanh nghiệp A, ngân hàng B sẽ vỡ nợ… Kết quả là, những người thông minh, những người nắm cổ phần, cổ phiếu không thể chờ dự báo này đúng hay không mà lập tức bán hết cổ phiếu trước khi nó “chết”. Và đương nhiên, công ty A, ngân hàng B… chỉ còn nước “tiêu”!
Thời trang hay xu thế tiêu dùng cũng tương tự. Bạn chuẩn bị quần áo cho mùa xuân, đọc báo, tạp chí nước ngoài, các chuyên gia quốc tế dự báo rằng: mùa xuân tới sẽ là váy cực ngắn. Dân sành điệu kháo với nhau mùa xuân tới thời trang sẽ là mốt như vậy! Và vì mình là sành điệu, mình phải đón đầu. Cuối cùng, chưa tới mùa xuân đã có váy ngắn. Những người tiêu dùng này sẽ kháo với nhau: “Ông thấy tôi nói có đúng chưa, sành điệu chưa”? Còn chuyên gia thì: “Thấy chưa? Chúng tôi đã dự báo mà”.
Tiêu dùng vốn là một hiện tượng chịu tác động của xã hội cho nên tính lây lan rất dễ. Người tiêu dùng mong muốn được khẳng định, được thể hiện và họ mua sắm. Và khi họ mua sắm rồi, những người khác sẽ có tâm lý “không chịu thua được”. Vậy là họ lại phải mua và sắm! Một lần nữa: lời tiên tri tự nó hình thành.
Vừa rồi, ông Ralf Matthaes - Giám đốc TNS Việt Nam công bố một thông tin: “15 năm trước mộng ước của giới trung lưu là có được nồi cơm điện đáng giá 350.000 đồng. Bây giờ, 30% của giới trung lưu Việt Nam cho biết họ đi mua sắm nước ngoài, cuối tuần nghỉ dưỡng spa, resort 5 sao cao cấp”. Khi có một thông tin như vậy, số 70% còn lại sẽ có một tâm lý là: người ta đi mua sắm nước ngoài nhé, nghỉ dưỡng resort nhé, báo chí đăng 30% như vậy, không lý mình thuộc loại ra rìa à? Vậy mình phải khẳng định cái thế trung lưu của mình y như 30% kia. Vô hình trung, việc dự báo này đã biến thành một trào lưu tiêu dùng của giới trung lưu. Nghiên cứu tiêu dùng có tác động như vậy. Khi tuyên bố lên, nhất là tuyên bố được phát xuất từ một nguồn mà phần lớn chúng ta nhìn nhận đó là nguồn có tính chất quốc tế, đó là nguồn tin được, mình theo cái đó và điều đó sẽ thành sự thật.
“Lời tiên tri tự nó hình thành”, đó là bản chất của tiêu dùng, là tương tác xã hội, là hiện tượng lây lan và quy chiếu lẫn nhau.
Cuối cùng ông Thiêm chia sẻ: định hướng hành vi tiêu dùng không phải là khó, một khi chúng ta biết tiêu dùng nằm trong bối cảnh nào, xuất phát từ tình trạng so sánh lẫn nhau, lây lan… thì điều đó có thể giải thích được rất nhiều chuyện từ ăn uống sang thời trang, sang đến khẳng định lối sống, phong cách sống của một thành phần nào đấy của xã hội.
Vậy, bản chất của tiêu dùng là muốn được thì phải mất. Được cái gì? Không phải chỉ được sản phẩm, dịch vụ mà là được một hình ảnh, một giá trị để thể hiện về mình thông qua sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng mua sắm. Đó chính là bản chất căn bản của tiêu dùng.
(Theo Phương Thảo // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com