Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược minh bạch thông tin

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin hoàn tất báo cáo tài chính năm 2009 có kiểm toán vào ngày 31-8-2010. Ba ngày sau, ngày 3-9-2010 hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) gửi văn bản cho Vinashin, hạ mức xếp hạng uy tín tín dụng của tập đoàn này xuống một bậc. S&P cho rằng Vinashin không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình một cách đầy đủ và đúng hạn.

Một trong những nguyên nhân khiến S&P có cái nhìn theo hướng tiêu cực về Vinashin là sự thiếu hoặc không đầy đủ thông tin về hoạt động kinh doanh cũng như tài chính của tập đoàn này.

Tuy nhiên Vinashin không phải là trường hợp duy nhất. Gần đây một số tổ chức tài chính của Việt Nam cũng bị một số hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế khác làm rớt hạng.

Có thể thấy thông tin mà các hãng này đưa ra có những sai lệch nhất định với thông tin mà các doanh nghiệp Việt Nam công bố sau đó. Vậy thì vấn đề là ở chỗ đường đi của thông tin đã không gặp nhau.

Nói một cách khác, những thông tin mà doanh nghiệp công bố đã không đến hết được những địa chỉ mà nó cần đến. Hơn nữa, phạm vi thông tin cụ thể đến mức nào, sâu rộng đến đâu là điều mà doanh nghiệp có lẽ chưa lượng định được.

Nhìn rộng ra, từ đầu năm đến nay là quãng thời gian tin đồn cả về vi mô lẫn vĩ mô phát triển đột biến so với những năm trước. Đặc biệt phổ biến là tin đồn trên thị trường tài chính. Sự thiếu hụt thông tin, thông tin nửa vời không rõ ràng, không công khai minh bạch chính là đất sống cho tin đồn.

Trong lĩnh vực chứng khoán là tin đồn công ty nọ lãi “khủng”, doanh nghiệp kia thua lỗ be bét, để phục vụ cho mục đích làm giá cổ phiếu của một số đối tượng đầu cơ.

Ở lĩnh vực tiền tệ là tin đồn tăng giảm dự trữ bắt buộc, hạ nâng lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ giá... Thậm chí ở những lĩnh vực kém nhạy cảm hơn, lâu nay người dân ít chú ý như giá xăng dầu, giá gas, giá sắt thép, xi măng, giá gạo, cà phê, cao su xuất khẩu... cũng trở thành tin đồn ở một số thời điểm nhất định.

Từ đây, tin đồn tạo nên những cái nhìn méo mó, lệch lạc về thị trường, ảnh hưởng tới môi trường làm ăn, kinh doanh và dư luận xã hội ở một phạm vi nào đó.

Đi sâu vào bản chất vấn đề, việc ngăn chặn gốc rễ của tin đồn có lẽ nằm ở chỗ định hướng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước phải như thế nào để người dân, doanh nghiệp dự đoán được chiều hướng của chính sách điều hành mà ứng xử phù hợp. Có những thông tin quy định pháp lý không cấm, nhưng gần đây lại không được công bố như số tuyệt đối về vốn huy động, vốn vay của hệ thống ngân hàng.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM vẫn công bố đều đặn số tuyệt đối vốn huy động, cho vay của các ngân hàng trên địa bàn, nhưng sao NHNN lại không thể công bố số liệu đó cho cả nước? Ba, bốn năm trước các số liệu này vẫn được NHNN công bố định kỳ, nay ngưng phải chăng vì nó đã trở thành số liệu mật? Nhìn sang tài chính, số liệu thu chi ngân sách hàng quí, hàng năm cũng được công khai. Không lẽ số tuyệt đối về huy động, cho vay lại bí mật hơn số liệu thu chi ngân sách?

Ngoài ra, các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cũng như các tầng lớp xã hội khác về chính sách, thực thi chính sách đang ngày một kém hiệu quả. Còn với những cuộc đối thoại được các cơ quan quản lý chủ động tổ chức, nhiều khi các quan chức dùng những cách diễn đạt mà người nghe muốn hiểu ra sao cũng được.

Chẳng hạn câu chuyện tỷ giá hối đoái. Từ mười tháng nay, chưa có một cuộc đối thoại lớn nào về tỷ giá do NHNN tổ chức. Nhưng tỷ giá lại là đề tài được bàn luận sôi nổi trong hầu hết các cuộc hội thảo do báo chí, các viện nghiên cứu, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước... tổ chức. Kỳ vọng tỷ giá tăng theo hướng đồng nội tệ mất giá so với đô la Mỹ vẫn đang tồn tại do nhiều lý do và chính kỳ vọng đó đã khiến cho việc rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết của ngân hàng ngày một khó khăn.

Thị trường ngoại hối nói riêng, tài chính nói chung và các lĩnh vực kinh tế khác khó vận hành tốt một khi hệ thống công bố thông tin vẫn chưa đầy đủ, kịp thời, cập nhật thường xuyên. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nơi hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu, dịch vụ, các đồng tiền, sự phát triển của công nghệ mới biến động từng giây, mà thông tin không minh bạch, thì sự thiệt hại trước tiên chính là ở phía những người, những doanh nghiệp, những nền kinh tế đã không công khai đúng mức thông tin đó.

Độ mở của một nền kinh tế càng lớn, thì đòi hỏi của thế giới bên ngoài về thông tin với nền kinh tế ấy càng cao. Bởi thế cung cấp, truyền tải, ứng xử, xử lý thông tin phải trở thành một phần không thể thiếu của mỗi giai đoạn phát triển lên một mức cao hơn của kinh tế vĩ mô, của doanh nghiệp ở tầm vi mô. Thế nhưng một chiến lược về minh bạch thông tin lại chưa thấy được nói đến nhiều trong nghị quyết hội đồng quản trị của các doanh nghiệp, trong lộ trình xây dựng chính sách của các cơ quan soạn thảo và thực thi.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Những ý tưởng kinh doanh khôi hài ở châu Á
  • Có “cửa” nào cho Tràng Tiền Plaza?
  • Sẵn sàng khởi nghiệp và sẵn sàng thất bại
  • Tan ý định khởi nghiệp vì khủng hoảng
  • Bí quyết thành công của tỷ phú đứng sau thương hiệu Zara
  • Đánh lạc hướng - Chiến lược đánh lừa đối thủ
  • Những nguyên tắc vàng của các doanh nhân thành đạt
  • Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020 (Kỳ 2)
  • Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020 (Kỳ 1)
  • Quên, vay mượn và học hỏi
  • Chiến lược bị lãng quên (Phần II)
  • Giải pháp “nỗ lực thêm nữa”
  • Tìm kiếm chiến lược khả thi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com