Cảnh khai thác mỏ apatit ở tỉnh Lào Cai. Ảnh: Lê Toàn. |
Một chiến lược phát triển dài hạn được toàn dân quan tâm và có tính cách như một tuyên ngôn của đảng cầm quyền về đường hướng phát triển đất nước phải hội đủ một số điều kiện:
Thứ nhất, chiến lược phải đưa ra được các mục tiêu đáp ứng yêu cầu thiết thân của tuyệt đại đa số dân chúng để họ có thể mơ thấy một cuộc sống khác hẳn bây giờ trong khoảng một thập niên sắp tới. Thứ hai, trong thời đại hội nhập ngày càng sâu vào thị trường khu vực và thế giới, chiến lược phải xuất phát từ sự đánh giá đúng đắn về vị trí hiện tại của kinh tế Việt Nam và những thách thức cũng như những mặt thuận lợi của ta. Thứ ba, chiến lược phải tạo được niềm tin trong dân là các chính sách, biện pháp để đạt các mục tiêu phát triển phải có tính khả thi cao đồng thời cho người dân thấy bộ máy hành chính và đội ngũ quan chức sẽ đủ năng lực và trách nhiệm để thực hiện các chính sách, biện pháp đó. Từ nhận định này, theo tôi, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cần có những nội dung sau: 1. Nhận định về giai đoạn hiện nay của kinh tế Việt Nam Sau gần 25 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế, xã hội Việt Nam đã khác hẳn. So với 10 năm trước, đời sống của dân chúng nói chung hiện nay được cải thiện nhiều, vị trí của Việt Nam trên thế giới cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên trong thời gian qua cũng nảy sinh sự chênh lệch ngày càng lớn trong việc phân phối thành quả của đổi mới. Sự chênh lệch đó quá lớn, ngoài dự tưởng của lý luận về kinh tế phát triển và của kinh nghiệm các nước đi trước. Đối với người có thu nhập thấp, thành phần chiếm đa số trong dân, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc, cái ở hàng ngày, gánh nặng chi phí về giáo dục và y tế kéo mức sống của họ xuống thấp hơn nữa. Mặt khác, việc làm của con em của những người có thu nhập thấp sau khi ra trường cũng là mối lo, nhất là vẫn còn hiện tượng phải có quan hệ, phải có những điều kiện tiêu cực khác mới xin được việc làm. Người có thu nhập trung bình cũng trực diện với những lo lắng về gánh nặng giáo dục, y tế, việc làm, tuy ở một mức độ nhẹ hơn. Nhìn Việt Nam trong bối cảnh của vùng Đông Á, ta thấy thành quả phát triển của mình còn rất khiêm tốn. Từ khi có đổi mới đến nay, khoảng cách phát triển giữa Việt Nam so với Thái Lan chẳng hạn có rút ngắn nhưng không đáng kể (GDP đầu người theo giá trị thực của Thái Lan gấp gần năm lần Việt Nam vào năm 1984, đến năm 2008 cũng còn tới bốn lần) và so với Trung Quốc thì khoảng cách ngày càng mở rộng (GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30% vào năm 1984 nhưng vào năm 2008 Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam). Rõ ràng ở đây có vấn đề hiệu suất phát triển, có khả năng bỏ lỡ các cơ hội mà nguyên nhân sâu xa nằm ở cơ chế, ở sự chậm hoàn thiện cơ chế thị trường, ở năng lực nắm bắt cơ hội, và việc thực thi các chính sách, vì các điều kiện về bối cảnh khu vực và cơ hội phát triển Việt Nam không bất lợi so với các nước lân cận. Trong 10 năm tới thách thức lớn nhất của Việt Nam là gì? Theo tôi là Việt Nam sẽ trực diện hai cái bẫy mà nếu không có nỗ lực vượt qua thì kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển bền vững, sẽ bước vào giai đoạn trì trệ dù khả năng phát triển như hiện nay sẽ kéo dài một thời gian nữa. Thứ nhất là khả năng xảy ra cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do và cái bẫy này đang to ra và mạnh hơn dưới áp lực của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tại vùng Đông Á lợi thế so sánh của các nước chuyển dịch nhanh, thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều nước nỗ lực tăng hàm lượng kỹ năng, công nghệ, tri thức trong sản phẩm để duy trì vị trí hiện tại, để thúc đẩy phân công hàng ngang với Trung Quốc ở một thứ nguyên cao hơn. Trong khi đó lợi thế so sánh của Việt Nam vẫn là nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn. Hơn nữa, hàng công nghiệp xuất khẩu phải phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và các sản phẩm trung gian khác. Đặc biệt hiện nay cơ cấu mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính chất Bắc Nam, nghĩa là quan hệ giữa nước tiên tiến và nước chậm tiến, trong đó Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thiên nhiên kể cả sản phẩm sơ chế và nhập khẩu hàng công nghiệp. Dưới trào lưu mậu dịch tự do tại Đông Á, đặc biệt dưới tác động của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, trong đó từ tháng 1-2015 Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm rẻ từ Trung Quốc sẽ ào ạt vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã gây ra hiệu quả là nhiều công ty đa quốc gia đang có khuynh hướng xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ và tập trung sản xuất hàng công nghiệp tại các nước ASEAN khác. Trong khuôn khổ AFTA, đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp, Việt Nam đã cắt giảm thuế xuống còn dưới 5% và từ năm 2015 sẽ không còn thuế (0%) để tham gia thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nguy cơ của hiện tượng tự do hóa mậu dịch này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn. Tôi gọi đây là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do mà Việt Nam sẽ trực diện trong vài năm tới. Nếu không có chiến lược, biện pháp mạnh mẽ để thoát khỏi cái bẫy này, Việt Nam sẽ mãi mãi là nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng lao động giản đơn. Thứ hai là cái bẫy thu nhập trung bình. Trong nước, vấn đề này gần đây được bàn đến nhiều nhưng chưa thấy các nhà vạch chiến lược đặt thành một bức xúc thật sự để có chính sách đối phó cụ thể. Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng không đề cập đến điểm này. Việt Nam vừa đạt mức thu nhập trung bình thấp, và đến khoảng năm 2020 Việt Nam cũng có lẽ sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao. Vấn đề là sau đó Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững để trở thành nước có thu nhập cao trong một, hai thập kỷ sau đó không. Trong lịch sử kinh tế thế giới, rất ít nước đã vượt qua được cái bẫy này. Về mặt lý luận cái bẫy này cũng đã được chứng minh. Từ kinh nghiệm các nước và từ phân tích lý luận ta thấy khả năng Việt Nam sa vào bẫy thu nhập trung bình rất cao. Con đường thoát khỏi cái bẫy này tùy thuộc nỗ lực trong giáo dục đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và trong việc xây dựng một thể chế chất lượng cao liên quan đến hiệu suất của bộ máy hành chính, quan hệ lành mạnh và có hiệu quả giữa Nhà nước và thị trường, liên quan đến việc xây dựng một xã hội pháp trị. 2. Mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 Mục tiêu không nên dàn trải mà tập trung vào vài trọng điểm có tính cách chiến lược. Các trọng điểm đó được thực hiện thành công sẽ lan tỏa ra các mặt khác và do đó các mục tiêu khác cũng sẽ đạt được. Ngoài ra, trừ một vài trường hợp đặc biệt, không nên đưa ra chỉ tiêu số lượng và xem đó như tiêu chí phải đạt được (như tốc độ tăng GDP), mà nên trực tiếp nhắm vào việc giải quyết các vấn đề cốt lõi đã nêu. Tốc độ tăng trưởng sẽ là kết quả của các nỗ lực này. Từ nhận định trên, theo tôi, chiến lược nên đưa ra ba mục tiêu sau: a. Toàn dụng lao động, đến năm 2020 trên căn bản không còn ai phải lo không có việc làm, không còn phụ nữ muốn lấy chồng người nước ngoài vì lý do kinh tế, không có ai muốn đi lao động nước ngoài một cách bất đắc dĩ vì không có một chọn lựa nào khác. b. Trong trung hạn (đến năm 2015), trên căn bản ngăn ngừa được cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do. c. Trong trung và dài hạn phải chuẩn bị đủ các tiền đề để ngăn ngừa được cái bẫy thu nhập trung bình. Chỉ tiêu định lượng (tốc độ phát triển, GDP đầu người...) không cần đưa ra nhưng các mục tiêu nói trên được thực hiện sẽ cho thấy kinh tế phát triển ở tốc độ cao và bền vững. Các chỉ tiêu định lượng thuộc loại này có thể đưa ra nhưng là để tham khảo chứ không phải là mục tiêu phải đạt cho được. (Còn tiếp)
(Theo Trần Văn Thọ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com