Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cái bắt tay... bạc tỷ

Nguyên tắc tốt nhất để đi đến thành công trong liên doanh, liên kết là sự đồng thuận cao - tinkinhte.com
Nguyên tắc tốt nhất để đi đến thành công trong liên doanh, liên kết là sự đồng thuận cao
Mỗi cái “bắt tay” trên thương trường đều có đặc điểm và ràng buộc riêng, nhưng tựu chung lại, đều hướng tới việc củng cố năng lực và gia tăng giá trị thương hiệu.
 
Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập “mối duyên” của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh từ các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đa phần các “cặp đôi” khi bắt tay với nhau phải “môn đăng hộ đối”. Dĩ nhiên, vấn đề này không hẳn tuyệt đối, nhưng nhất thiết hai bên phải có sự tương tác về mặt thương hiệu, có những thế mạnh riêng để hỗ trợ nhau và có điểm chung về văn hóa doanh nghiệp.

Daewon - Thuduc House: “Nắm tay” ra nước ngoài

Sau gần 7 năm là đối tác, cùng nhau phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam, liên doanh giữa Nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) - Công ty Phát triển nhà Daewon – Thủ Đức, đang đầu tư một dự án khác tại Tashkent (Thủ đô của Uzbekistan). Đây là kết quả tất yếu mà cả hai đều hướng tới, đó là sẵn sàng chia sẻ cơ hội cho đối tác.

Hơn nữa, theo truyền thống của liên doanh, hàng năm, mỗi kỳ họp HĐQT sẽ được tổ chức ở những quốc gia khác nhau để các thành viên HĐQT thông hiểu nhau hơn, cũng như có thể nắm được cơ hội đầu tư mới.

Thuduc House và Daewon “bén duyên” từ cuộc gặp năm 2003. Trước khi quyết định “kết hôn” với Daewon, đã có nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Hồng Kông… đặt quan hệ hợp tác với Thuduc House, nhưng sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, tất cả đã trở về nước để cấu trúc lại doanh nghiệp. Sau đó không lâu, một nhân vật trong Ban Quản trị Công ty Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức (hiện nay) đã xúc tiến cho cả hai trở thành đối tác sau 3 lần đàm phán.

“Đứa con” đầu lòng của Công ty Phát triển nhà Daewon – Thủ Đức là Dự án căn hộ cao cấp Daewon Cantavil (An Phú, quận 2, TP.HCM). Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House nhớ lại, chỉ sau 1 tháng động thổ, Dự án đã tiêu thụ được 60% số lượng. Đây được xem là dự án bất động sản căn hộ cao cấp phát triển dưới dạng liên doanh bán chạy nhất vào thời điểm năm 2003 (phần lớn các liên doanh trong giai đoạn này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghỉ dưỡng và cao ốc văn phòng).

“Thông thường, liên doanh được thành lập dựa trên nhu cầu của hai bên. Trong khi đối tác mong muốn mở rộng kinh doanh, thì tại thời điểm đó, tuy có thương hiệu, có đất, nhưng vốn lại là bài toán của Thuduc House. Ngoài việc có kinh nghiệm trong phát triển dự án, Daewon cũng cung cấp một lượng khách là người Hàn Quốc cho ‘đứa con chung’ của cả hai”, ông Hiếu cho biết.

Kumho - Colliers: “mối duyên” nhiều sóng gió

Khác với cuộc gặp của hai nhà phát triển bất động sản trên, “cái bắt tay” giữa Kumho Industrial (thuộc Tập đoàn Kumho, Hàn Quốc), chủ đầu tư Dự án Khu phức hợp Kumho Asiana Plaza và nhà quản lý Colliers International lại không đơn giản.

Dự án mà Kumho sở hữu là “cuộc chạy đua” của nhiều nhà quản lý quốc tế như: CB Richard Ellis (CBRE), Savills… và không ít công ty của Việt Nam. Tại sao Dự án Khu phức hợp Kumho Asiana Plaza lại được “săn đón” nhiều như thế?

Xét về nội lực, bản thân Dự án đã sở hữu một nguyên tắc tối ưu, mà ngay cả ông trùm bất động sản Donald Triump cũng phải “nằm lòng”, đó là vị trí! Dự án được bao bọc bởi 4 mặt tiền đường của trung tâm quận 1 (Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du và Lê Duẩn). Hơn nữa, đây là khu phức hợp có quy mô lớn nhất tính đến thời điểm này (1,3 ha). Do đó, không chỉ các nhà quản lý bị hấp dẫn, mà trong vòng 10 năm Dự án bị gián đoạn (được cấp phép năm 1996), nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước đều muốn “nhảy vào”.

Theo thông tin bên lề sau “cuộc chạy đua” vào vai nhà quản lý Khu phức hợp trên, giám đốc điều hành một công ty tư vấn tiếp thị lớn đã… mất ăn, mất ngủ cả tuần khi kết quả công bố: “Kumho Industrial chọn Colliers International”!

Không dừng ở đó, việc tiếp thị Dự án Kumho Asiana Plaza cũng không dễ dàng, bởi thời điểm dự thầu (năm 2006), trúng thầu (năm 2007) và tiếp sau đó luôn diễn biến phức tạp.

Ông KP Singh, Giám đốc điều hành Colliers International Việt Nam chia sẻ, tất cả khảo sát, kế hoạch tiếp thị và kỳ vọng ở thị trường mục tiêu của Dự án mà phía công ty ông đưa ra đã bị đảo lộn khi nền kinh tế Việt Nam lạm phát cao (năm 2008) và kinh tế thế giới xuất hiện những dấu hiệu suy thoái. Các nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ và ngay cả những tên tuổi lớn trong nước là khách hàng mục tiêu của Dự án đều dừng việc mở rộng kinh doanh. Đây là thử thách lớn đối với việc tìm khách thuê.

“Tuy nhiên, sự kết hợp giữa ý định trở thành ngân hàng dẫn đầu ở Việt Nam trong vòng 2 năm tới của ANZ và một vị trí tại Kumho Asiana đã tạo may mắn cho Colliers”, ông KP Singh nói và cho biết, sau nhiều lần thảo luận, ANZ đã trở thành khách “ruột” đầu tiên của Tòa nhà Kumho. Vị khách đặc biệt này đã góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà (hạng mục văn phòng và trung tâm thương mại) lên 65% (Dự án Kumho hoạt động từ quý III/2009).

Với một dự án lớn, vị trí đẹp và chủ đầu tư đã có thương hiệu, thì danh tiếng hay số lượng dự án mà nhà quản lý đang điều hành không hẳn là điều quyết định. Cái quan trọng là giá bỏ thầu. Dù không bình luận chi tiết về quá trình đấu thầu vào Kumho, nhưng ông KP Singh cho rằng, điều mà cả Colliers và Kumho đạt được trong mối quan hệ này là gia tăng giá trị thương hiệu.

Xin mượn lời ông Lê Chí Hiếu để kết thúc bài viết này. Đó là nguyên tắc tốt nhất để đi đến thành công trong liên doanh, liên kết là sự đồng thuận cao.

(Theo Hải Âu // Báo đầu tư)

  • Đàm phán: Sai lầm thường gặp
  • Các yếu tố giúp đột phá trong thương thuyết
  • Đàm phán và "mẹo" thiết lập ý tưởng khả thi
  • Đàm phán theo phương pháp thám tử
  • Đàm phán 3D: Cuộc chơi đa chiều (Phần I)
  • Những thủ thuật trong đàm phán và triết lý của ông trùm bất động sản Donald Trump
  • Giải thích hợp đồng
  • Nghệ thuật thương thuyết: Tâm lý chiến
  • Nói chuyện với các ông Tây, bà Tàu...
  • Một số đặc tính kinh doanh của các đối tác quốc tế trong đàm phán
  • Những điều cần biết khi đàm phán trong kinh doanh
  • Nghệ thuật thương thuyết: Luật sư, bạn hay đối phương?
  • Chủ quan và khách quan trong ngôn ngữ thương thuyết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com