Hãy khám phá năm điều bạn có thể làm để thu hút và giữ chân những nhân viên nổi bật.
Trong cuốn sách “Lessons From the Top: The Search for America's Best Business Leaders” (Tạm dịch: Những bài học từ đỉnh cao: Cuộc tìm kiếm các nhà lãnh đạo kinh doanh giỏi nhất nước Mỹ), Howard Schultz – giám đốc điều hành của Starbucks đã đưa ra nhận xét sau:
“Tôi nghĩ ngày nay rất khó dẫn đầu khi nhiều người tham gia không thực sự trung thực trong quyết định. Bạn sẽ không thể thu hút và giữ chân những người giỏi nếu họ cảm thấy mình không như một trong những tác giả đề ra chiến lược hay giải quyết các vấn đề phát sinh thực sự then chốt. Nếu bạn không trao cơ hội để mọi người thực sự được cống hiến, họ sẽ ra đi.”
Như một nhà đầu tư tự doanh với nhân viên, một trong những mục tiêu quan trọng của bạn chính là làm sao thu hút và giữ được những nhân viên tận tụy một cách tốt nhất. Vì vậy, chúng ta hãy cùng khám phá năm đặc tính quan trọng sẽ giúp bạn trở thành mẫu nhà lãnh đạo được nhân viên yêu quý và nhiệt tình vì công việc.
Đặc tính quan trọng số 1: Bạn phải có tầm nhìn.
Tất cả chúng ta đều biết câu nói “Bạn phải đứng vững vì một thứ hoặc bạn sẽ ngã gục vì mọi thứ”. Nhưng ý nghĩa thực sự của câu nói đó là gì? Khi các chính sách và thủ tục của công ty bạn trở nên rõ ràng và được thực hiện tốt thì công ty mới đứng vững. Tuy nhiên, điều đó không hề thể hiện được tầm nhìn. Trên cương vị một nhà lãnh đạo, bạn phải học cách truyền đạt tầm nhìn của mình hoặc tầm nhìn của công ty bạn tới những người mà bạn muốn họ làm theo mình. Nhưng bạn có thể làm điều đó như thế nào?
- Hãy học cách vẽ tranh bằng từ ngữ. Hãy nói, viết, vẽ, sờ lên bức tranh đó. Hãy làm theo bất cứ những phương thức nào bạn có thể sử dụng để tạo nên bức tranh đó. Như người ta vẫn nói rằng “Một bức tranh đáng giá hơn ngàn từ”.
- Hãy yêu cầu từng nhà quản lý khác trong công ty nói lại với bạn bằng ngôn từ của họ về tầm nhìn của công ty. Hãy để ý xem cái bạn suy nghĩ gần với cái họ hiểu được bao nhiêu? Và liệu đội làm việc của bạn có cùng quan điểm với bạn không?
- Ngay khi bạn làm việc, tầm nhìn của công ty bạn nên hiện hữu trong suy nghĩ của bạn mỗi ngày, còn bạn thỉnh thoảng nên đánh giá lại tầm nhìn đó sao cho nó luôn phù hợp theo sự thay đổi trong cuộc sống thực tại. Đồng thời phải nhớ rằng đội ngũ nhân viên của bạn cần phải được tham gia như bạn trong việc giữ cho tầm nhìn luôn phù hợp cuộc sống nếu bạn thực sự muốn họ sống chết vì nó. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng những nhân vật cốt cán sẽ được tham gia.
Đặc tính quan trọng số 2: Bạn phải có niềm đam mê.
Trên thực tế, nhân viên của bạn muốn có sự đam mê để họ có thể đi cùng trời cuối đất và sống chết với niềm đam mê đó. Hãy nghĩ tới những thủy thủ đã cùng đi với Christopher Columbus hoặc Leif Ericsson để khám phá vùng đất chưa có trên bản đồ. Niềm đam mê của các nhà chỉ huy đó đã truyền cảm hứng cho họ gánh vác những thách thức mới mẻ và rất nguy hiểm.
Để xây dựng một đội quản lý làm việc phi thường, bạn phải biết thắp sáng “ngọn lửa trong lòng họ”, để họ thấy có sự đam mê với công ty và gắn kết với tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Chính niềm đam mê như vậy là một phần quan trọng trong việc trở thành một nhà lãnh đạo tài ba mà nếu không có nó, bạn hoàn toàn không thể là một nhà lãnh đạo như vậy. Hãy nghĩ tới tất cả những nhà lãnh đạo tài ba qua các thời đại và thử kể tên một người trong số họ đã không có niềm đam mê ra đây.
Sẽ không nhà lãnh đạo tài ba nào như vậy bởi niềm đam mê chính là sự lan truyền: khi bạn nói về tầm nhìn của mình dành cho công ty, hãy để niềm đam mê của bạn về tầm nhìn đó được tỏa sáng. Những người khác sẽ cảm nhận được điều này và muốn chung lưng đấu cật cùng với bạn. Nếu không thể hiện được sự đam mê về chính tầm nhìn của mình, bạn hãy sáng tạo lại tầm nhìn hoặc xem xét lại chính bản mô tả nên tầm nhìn được kết nối với niềm đam mê của bạn.
Đặc tính quan trọng số 3: Bạn phải học cách trở thành một người đưa ra quyết định tuyệt vời.
Những quyết định quan trọng được tạo ra trong công ty bạn như thế nào? Quá trình dành cho việc tạo ra chúng của bạn ra sao? Chẳng hạn, bạn có nói chuyện với đội quản lý của mình rồi rút ra danh sách những lý lẽ phản đối và đồng ý để giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất hay không? Có thể bạn phải tiến hành phân tích chi phí. Hoặc bạn có đưa ra thời hạn cho chiến lược, quá trình và thời gian thực thi không?
Một số nhà lãnh đạo có một tập hợp các quy tắc xử lý công việc trong khi những người khác chỉ lo chỉ tay năm ngón. Nhưng bạn hẳn không muốn mình trở thành một trong những người lãnh đạo mà không thể tham khảo được một ai trước khi đưa ra quyết định, thông báo sự thay đổi vào ngày hôm sau và sau đó trở nên nản chí khi không có một ai tuân theo quyết định bạn đã đưa ra. Nếu bạn là một trong những người như vậy thì tôi xin bạn hãy thực thi ngay một tập hợp các quy tắc xử lý công việc của mình.
Dưới đây tôi xin được đưa ra một hệ thống các quy tắc mà bạn có thể sử dụng để trở thành một người ra quyết định tốt hơn. Hệ thống các quy tắc này được gọi là Q-CAT với:
- Q = Quick – Nhanh nhẹn: hãy nhanh nhẹn nhưng đừng vội vàng.
- C = Committed – Tận tâm: hãy tận tâm với quyết định của bạn nhưng đừng cứng nhắc.
- A = Analytical – Phân tích: hãy phân tích nhưng đừng quá vụn vặt (việc phân tích quá nhiều sẽ khiến bạn bị phân tán và thiếu nhanh nhạy).
- T = Thoughtful – Thận trọng: hãy thận trọng về tất cả các khía cạnh và sự kiện nhưng đừng để chúng ám ảnh bạn.
Khi sử dụng Q-CAT để ra quyết định, bạn sẽ thấy hệ thống các quy tắc này giúp bạn đưa được những người khác cùng tham gia vào quá trình xử lý cũng như giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn.
Đặc tính quan trọng số 4: Bạn phải là một người xây dựng đội làm việc.
Để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, bạn phải phát triển được một đội ngũ giỏi hoặc nói một cách ví von là có một bộ máy được bôi trơn dầu mỡ tốt. Nhưng bạn làm điều đó như thế nào? Bạn có thể bắt đầu bằng việc trối bỏ trách nhiệm với đội của mình và để mặc cho họ tự giải quyết công việc không? Đừng đứng sau quan sát đội của bạn làm việc cũng như đừng quản lý theo kiểu vi mô mà hãy tạo cho chính bản thân bạn khả năng thích ứng để đối phó được với những vấn đề hoặc trường hợp bất trắc xảy ra. Hãy truyền dạy cho đội của bạn cách sử dụng hệ thống ra quyết định Q-CAT và tạo cho họ sự tự do làm việc thông qua chính những quyết định của riêng họ.
Khi dự án không đi đúng hướng hoặc đội của bạn thất bại về mặt thời hạn thực hiện, bạn cũng đừng bao giờ chỉ tay năm ngón để đổ lỗi cho bất kỳ ai. Đây chính là lúc bạn cần nắm lấy cơ hội và truyền sự tự tin đến các nhân viên của bạn để cho họ biết bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ cũng như giúp đỡ họ bất kể lúc nào dù trong hoàn cảnh nào. Hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch và tạo ra những kế hoạch mới. Và bạn cũng đừng quên sử dụng tính hài hước, sự hóm hỉnh để giữ cho tinh thần của đội bạn luôn bừng khí thế trong suốt thời gian khủng hoảng. Bởi khi tình trạng khẩn cấp xuất hiện, đội của bạn sẽ nhìn bạn như một người có thể an ủi và chịu đựng được cùng với họ.
Đặc tính quan trọng số 5: Bạn phải có nghị lực.
Nếu không có nghị lực, tất cả những “đặc tính quan trọng” khác chỉ là con số không. Đó là bởi vì sức mạnh và giới hạn về nghị lực bẩm sinh của bạn đóng một vai trò then chốt trong phong cách lãnh đạo của bạn. Câu hỏi chính là bạn có nhận thức được chúng thực sự đóng vai trò gì không? Tất cả các nhà lãnh đạo tài ba đều hiểu rõ về tính cách cá nhân của họ cũng như nó đóng vai trò gì trong phong cách lãnh đạo của họ.
Vậy thì phong cách lãnh đạo của bạn là gì? Nếu bạn không biết thì đã có rất nhiều cách đánh giá về phong cách lãnh đạo có sẵn trên thị trường. Hai cách đánh giá phổ biến trong những năm gần đây chính là cách đánh giá “Myers-Briggs” và mô hình “Phản hồi 360 độ” (360-Degree Feedback). Cũng có rất nhiều những cách đánh giá khác mà bạn có thể học hỏi từ chúng để phần quan trọng nhất là bạn “Thực hiện đúng nó” (Just do it) như trong quảng cáo của Nike đã đưa ra và xem bạn ước lượng như thế nào. Đó chính là cách hay để thực hiện môt “sự kiểm tra nghị lực” về chính bản thân cũng như kỹ năng lãnh đạo của bạn.
Sau đó, khi bạn đã đánh giá xong thì vấn đề đặt ra là bạn hãy hỏi chính mình xem bạn cảm thấy nghị lực của bạn phù hợp với điểm gì mà bản đánh giá đã đưa ra?
Nếu bạn cảm thấy những đặc tính quan trọng này không phù hợp với con người bạn thì bạn hãy xem xét kỹ càng hơn và hãy trở nên trung thực với chính mình. Đôi khi sự phản ứng đầu tiên của chúng ta thường mang tính phòng vệ đầy lo lắng. Bạn có thể đánh giá bản thân theo một kiểu hồ sơ khác và sau đó đem so sánh kết quả. Trong mô hình “Phản hồi 360 độ”, bạn cũng sẽ thấy cơ hội để biết cả nhân viên lẫn đồng sự đánh giá bạn như thế nào. Trong quá trình học hỏi để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, bước trước tiên đó là hãy thoải mái vô tư nhận phản hồi về chính bản thân bạn như một nhà lãnh đạo và hãy tách biệt điều đó với con người bạn.
Vậy bạn có phải là nhà lãnh đạo tài ba không? Hoặc bạn có mong muốn trở thành một người như vậy không? Hãy nhớ rằng, một nhà lãnh đạo tài ba là một người có tầm nhìn rõ ràng và có thể xoay chuyển tầm nhìn đó thành một bức tranh sống động mà những người khác cũng có thể nhìn thấy. Khi bạn nói về tầm nhìn của mình, thì nên để tầm nhìn đó trở thành niềm đam mê mà bạn cảm nhận được từ chính trái tim mình, một niềm đam mê tạo được sự nhiệt tình nhiều tới mức mà đội của bạn sẵn sàng muốn lao vào cùng chung lưng đấu cật với bạn vì nó. Còn khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, bạn nên khuyến khích mọi người cùng sử dụng hệ thống Q-CAT và hãy có trách nhiệm với chính hành động của mình. Cũng như vậy, bạn nên liên tục đánh giá nghị lực của chính mình và đừng bao giờ ngừng phát triển cả về tính cách cũng như chuyên môn.
Nếu bạn có thể áp dụng được năm bí quyết về thuật lãnh đạo thú vị này, bạn sẽ thành công trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo tài ba được vây quanh bởi những nhân viên tuyệt vời!
( Minh Hà dịch riêng cho tinkinhte.com từ Entrepreneur )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com