Trong năm qua, lãnh đạo của một số tập đoàn đa quốc gia cùng nhiều học giả kinh tế, tài chính, quản trị đã gặp nhau qua các hội nghị “phê bình và tự phê bình” vì sự sụp đổ của một số mô hình quản trị kinh doanh mà chính họ là những “kẻ hành động”. Người viết bài này, đã có dịp theo dõi những hội nghị như thế, xin chia sẻ với độc giả một vài nét chính thu lượm được.
Đó là sự thái quá khi đặt mục tiêu kiếm thật nhiều tiền bằng bất cứ giá nào và xem thường những giá trị nhân văn. Ở các tập đoàn khổng lồ đó, số phận nhân viên được xem như những con số “thống kê” lạnh lùng, trong tình huống khó khăn, họ là con chốt thí trên bàn cờ kinh doanh. Quyết định này của các ông chủ tập đoàn thường được thị trường chứng khoán “vỗ tay” vì nghĩ rằng sẽ đạt hiệu quả kinh tế và hệ quả là cổ phiếu liên quan sẽ lại được ưa chuộng và tăng cao. Xuất phát từ việc không tôn trọng người lao động nên càng lúc ban lãnh đạo doanh nghiệp càng xa rời thực tế, không biết sử dụng thông tin của 99,9% con người trực tiếp sản xuất và “trực cảm” được thực tế về các cơn bão lớn sắp đến.
Cứ thử tưởng tượng một công ty đa quốc gia, doanh thu hàng trăm tỉ đô la Mỹ, có mạng lưới toàn cầu với hàng trăm ngàn lao động mà đầu não chỉ có từ 5-10 thủ lĩnh, thì quyền lực của những con người này như thế nào? Khác với các thể chế quốc gia trong các cơ cấu này, không có sự đối trọng cho sự tập trung cao về quyền lực, không có cơ chế kiểm soát thực chất, những người lãnh đạo và điều hành chủ chốt không buộc phải có lời giải thích thỏa đáng về những quyết định của họ. Hấp lực từ quyền lực có một hệ quả tâm lý đưa những con người này trở thành “vua” của một đế chế từ đó khó ngăn họ đi vào những vùng cấm vì lý do đạo đức, tài chính...
Học thuyết quản trị từ nửa cuối thế kỷ 20 tiến đến sự tới hạn của các điểm cốt lõi về hiệu quả kinh tế như:
- Tính tư bản tựu trung là người có vốn (tiền), dùng vốn để kinh doanh tích lũy thêm tài sản cho mình. Vì thật sự là tiền của mình nên có những cẩn trọng nhất định. Nhưng vì tính “pha loãng” vốn hiện nay tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nên người chủ “hữu hình” ngày xưa không còn, thay vào đó là “những người chủ vô hình”, những người được thuê “làm chủ”.
- Tạo sự trả lại vốn và làm giàu cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông chiến lược và việc này được thực hiện cho tầm ngắn hạn.
- Thị trường chứng khoán, nơi “đánh giá” các tập đoàn kinh tế, đi vào sự đầu cơ, nghĩa là chỉ nhắm vào lãi ngắn hạn dù đâu đó vẫn còn một số nhà đầu tư nhắm đến lãi trung hạn và dài hạn.
- Khẩu hiệu “sự hoàn hảo” (excellence) trở thành phản tác dụng với hình ảnh của các chủ tịch điều hành vô trách nhiệm. Tính đạo đức kinh doanh đã biến mất khi hình ảnh của Bernard Madoff, người lãnh đạo “hoàn hảo” trong 40 năm, chấm dứt cuộc đời kinh doanh trong lao tù và 50 tỉ đô la cháy rụi.
Ngay cả tính “đổi mới” (innovation) cũng dẫn đến những thảm kịch nếu chỉ nhằm vào mục đích lấy “lãi” ngắn hạn. Khủng hoảng tín dụng nhà đất tại Mỹ là một minh chứng hùng hồn nhất. Đến bây giờ những học giả về toán kinh tế, tài chính đã bắt đầu công nhận rằng “lý thuyết toán xác suất làm cho các cổ phiếu, tín dụng thứ cấp không còn rủi ro do phân tán các rủi ro thật nhỏ và đưa đi khắp thế giới để khó có một tác động cộng hưởng”, đã được xây dựng trên những giả định sai lầm cơ bản về toán học.
Gần đây, người ta bắt đầu thảo luận, suy nghĩ đến việc xây dựng một học thuyết mới về quản trị mà một điểm cốt lõi là trách nhiệm. Một đức tính đương nhiên nơi người thủ lĩnh đang được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. “Lãnh đạo, năng lực lãnh đạo, vâng. Nhưng trước hết là trách nhiệm!”.
Và điều này được Adam Smith, một trong những ông tổ của kinh tế thị trường, chủ xướng ở thế kỷ 18: lãnh đạo, điều hành, điều hành một cách hữu hiệu nhất, mạnh mẽ nhất là sử dụng những quy chuẩn, giá trị tinh thần ăn sâu vào tiềm thức của nhân loại. Adam Smith cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm phải đi đôi với sự tôn trọng những giá trị cốt lõi của xã hội.
Những điều này cần đưa vào học thuyết mới về quản trị để điều chỉnh sự thái quá của những tiêu chí, chuỗi giá trị hiện đang được áp dụng chỉ xoay quanh việc phục vụ quyền lợi kinh tế/tài chính của cổ đông chủ thể đem vốn bằng tiền mặt.
Trong khi đó vốn “vô hình” cấu tạo tích lũy từ lao động trí tuệ của những con người trong doanh nghiệp thì không được quan tâm để “hoàn vốn”. Nói một cách khái quát là học thuyết quản trị cũ được xây dựng trên những tiêu chí thuần kinh tế. Chính Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trong một lần điều trần trước thượng viện vào tháng 8-2008, phải thừa nhận sai lầm là đã quá tin tưởng vào những chủ tịch điều hành các tập đoàn khổng lồ và nhất là tin vào giới ngân hàng rằng họ tự biết cách bảo vệ cổ đông và bảo vệ tài sản của tổ chức mình.
Mọi tổ chức của xã hội từ nhỏ đến lớn lấy con người là đối tượng, là trung tâm thì mới có cơ sở để tồn tại. Trong thập niên gần đây, người ta không chỉ thảo luận mà còn bắt tay vào thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, phát triển kinh tế bền vững bằng cách tôn trọng môi trường. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển phải có nghĩa vụ với các quốc gia chậm phát triển. Những nhận thức này khởi nguồn từ sự tư duy cơ bản, là con người tôn trọng con người. Triết lý này là điểm chung của các nền văn minh, văn hóa Đông Tây.
Mặt khác, học thuyết quản trị mới không thể không nói hay không dựa trên nền tảng giá trị đạo đức. Chester Barnard, một trong những học giả lừng danh về quản trị, trong luận văn “The function of the excutive” (Chức năng nhà điều hành) đã dành một phần lớn để nói về điều này. Theo ông, những nhà quản trị, đặc biệt là những nhà quản trị lớn của các tập đoàn khổng lồ, “bạch tuộc” toàn cầu, thì chính giá trị tinh thần đạo đức mà họ có, mới không đưa họ đi đến những sai lầm khốc liệt.
Tính trách nhiệm, tôn trọng, đạo đức như thế vừa cấu thành những giá trị cốt lõi khái quát, lại có tính bất biến cao, tạo sự đồng thuận cao cho sự phát triển của xã hội mà tập thể doanh nghiệp là một trong các tác nhân. Chính Nelson Mandela đã nhân danh những giá trị nêu trên để buộc các tập đoàn dược phẩm quốc tế từ bỏ quyền lợi về “độc quyền sáng chế các loại thuốc chống HIV-AIDS” để 5 triệu công dân nghèo Nam Phi (quốc gia có tỷ lệ người nhiễm Aids cao nhất thế giới) có phương tiện điều trị.
Ba đức tính trách nhiệm, tôn trọng, đạo đức được nói nhiều trong học thuyết mới về quản trị thật ra không có gì là mới lạ. Các phẩm chất này đã được các nền triết học Đông Tây xây dựng, biện luận cả ngàn năm nay. Đó là những phẩm chất của con người, của nhân loại mà ba thập niên cuối của thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp thường quên đi.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, trong một chừng mực nào đó, là hệ quả của sự thái quá, giáo điều của học thuyết quản trị xây dựng trên những nền tảng giá trị “đồng tiền” dựa trên mục tiêu “lợi nhuận là chính”. Sự tập trung tư bản, quyền lợi vật chất vào một số nhỏ, cực nhỏ gây ra sự mất thăng bằng của mối tương quan xã hội. Sai lầm xuất phát từ một nhóm người, 100 người, 1.000 người làm cho cả tỉ người điêu đứng.
Ai cũng biết là các nền kinh tế đều phải bị “điều tiết” bởi những khủng hoảng có tính định kỳ. Nhưng tính khốc liệt của nó không thể xảy ra nếu không có bàn tay con người, đặc biệt những con người không có tính trách nhiệm, tôn trọng, đạo đức (không phải là bàn tay “vô hình” tự điều tiết như trường phái cực đoan kinh tế thị trường thường biện chứng).
Mô hình doanh nghiệp qua 100 năm, 200 năm đã hoàn toàn thay đổi. Ngày xưa, một doanh nghiệp thường là vài người, vài chục người, nhiều lắm là trăm người (mô hình doanh nghiệp “gia đình”). Và câu nói “tán gia bại sản” là để nói đến hậu quả khốc liệt cho chủ doanh nghiệp đó. Nhưng hậu quả khốc liệt đó chỉ bao trùm lên một con số nhỏ liên quan đến con người.
Ở thế kỷ 21, quy mô chịu ảnh hưởng trong phạm vi doanh nghiệp không phải là 100 người mà hàng triệu người. Và với cuộc khủng hoảng toàn cầu, con số chịu ảnh hưởng đó còn lớn hơn nhiều.Tính lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp không thể không thay đổi để vượt khủng hoảng và để phát triển mạnh và bền vững khi khủng hoảng đã được chế ngự.
Chiều hướng mà một số lãnh đạo doanh nghiệp, học giả quản trị đang thao thức xây dựng một học thuyết quản trị mới dựa trên nền tảng trách nhiệm, tôn trọng, đạo đứcđể phục vụ con người và xã hội, và từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong thực tế, học thuyết này đã được “trải nghiệm” khi thử nghiên cứu về 100 tỉ phú (đô la Mỹ) hiện nay. Trong số đó có không ít người thành danh với sự nghiệp để đời, đã lãnh đạo, điều hành tập đoàn, doanh nghiệp của họ trên tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, đạo đức đối với con người và xã hội! Và những nhân vật đó là những nhà lãnh đạo, điều hành “kỷ luật, chuyên nghiệp, hài hòa” với cộng đồng xã hội và với chính mình. Họ khơi dậy được cảm hứng sáng tạo trong doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững và khi gặp khó khăn, khủng hoảng, thì tập thể dưới sự lãnh đạo, điều hành của họ thật sự biến thách thức thành cơ hội!
Chỉ khi ba tính trách nhiệm, tôn trọng, đạo đức được làm rõ thì những tính “hoàn hảo”, “đổi mới” mới có một cuộc sống mới và lại sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả như là sách lược quản trị, phát triển các doanh nghiệp.Các học giả về quản trị đã quyết định đưa các giá trị cốt lõi nêu trên vào giáo trình đào tạo tại các trường quản trị kinh doanh, bắt đầu là tại Harvard Business School, Hec, London Business School, là những chiếc nôi đào tạo chủ tịch điều hành cho tương lai.
Thiết nghĩ học thuyết mới về quản trị doanh nghiệp, nếu biết đặt con người vào vị trí trung tâm, có thể sẽ là hướng đi mới cho các nhà lãnh đạo đưa doanh nghiệp vượt khủng hoảng và đón đầu một cách tốt đẹp vận hội mới khi khủng hoảng qua đi.
____________________________________
(*) Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á.
(Theo TS. Nguyễn Công Phú (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com