Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãnh chúa rừng xanh

(minh họa: Khều).

Thuở nhỏ cắp sách tới trường, trò nào chả phải học thuộc lòng vài ba câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine hay đọc thêm Ê-dốp... để tự răn mình. Ngẫm thế sự xa gần, chẳng dám nói là ngụ ngôn, chỉ xin hiến câu chuyện để góp vui với thiên hạ.

Chuyện kể rằng trong mỗi khu rừng đều có hai loài động vật, một loài ăn thịt và một loài ăn thực vật. Cho dù cả hai loài đều chung một lợi ích: muốn tồn tại thì phải giữ lấy cánh rừng, không cho kẻ khác xâm phạm lãnh địa của mình, còn rừng thì còn nơi để sống.

Song, mỗi loài lại có những lợi ích riêng, loài ăn thịt thì muốn có nhiều muông thú làm nguồn thức ăn cho mình; loài ăn thực vật thì muốn rừng có nhiều cây, cỏ... Từ nhu cầu của cái dạ dày mà chẳng loài nào chịu loài nào, mỗi loài bèn tìm ra con vật khỏe nhất làm lãnh chúa để đối chọi với loài kia và chúng tranh giành nhau đòi làm lãnh chúa của cả cánh rừng.

Loài ăn thịt thì bầu sư tử làm lãnh chúa, loài ăn thực vật thì chọn voi để dẫn đầu lao vào những trận huyết chiến quần nát cả cánh rừng mà không phân thắng bại... Và cứ thế mà cả cánh rừng cũng chẳng còn nguyên vẹn...

Thế rồi, một ngày đẹp trời, thượng đế điều con người xuống cánh rừng. Để hiểu được cả hai loài đang tồn tại trong cánh rừng, trời ban cho con người bản năng ăn được cả động vật lẫn thực vật và có một bộ não thông minh hơn các loài khác.

Dù vóc dáng nhỏ bé nhưng con người biết làm ra cung tên, giáo mác, biết đào hố, giăng bẫy... để có thể săn bắt ngay cả sư tử và voi nhằm phục vụ cho nhu cầu đời sống của chính mình hay thuần hóa thành vật nuôi mà vẫn duy trì và phát triển được cả cánh rừng nên được các loài tôn thờ là “lãnh chúa rừng xanh”.

Để duy trì vai trò “lãnh chúa”, con người luôn đặt hai bên trước mặt hai chữ “nhẫn” và “tâm” để thường xuyên nhắc nhở mình phải “nhẫn” trong việc tìm hiểu yêu cầu khác nhau của từng loài, lắng nghe những trăn trở của chúng, phải dằn những dục vọng ngay của chính mình có thể vi phạm lợi ích của bất cứ bên nào... và “tâm” để nhủ mình khi đưa ra quyết sách gì cũng phải cân nhắc sao cho phù hợp với lợi ích chung của mọi sinh vật và đôi lúc vì cái chung phải tạm hy sinh cả lợi ích của chính mình để giữ được cái “uy” và chữ “tín” của một lãnh chúa...

Để giữ được “uy” và “tín”, con người lại chọn những ai khỏe nhất và có “dũng” để giữ lấy cái “uy” và những hiền tài giúp mình đưa ra những diệu kế cốt sao giữ được chữ “tín”. Nhờ vậy, con người trở nên “văn võ song toàn” khiến mọi loài bái phục.

Chữ “nhẫn” và chữ “tâm” lúc nào cũng phải để xa nhau, nếu để hai chữ đó liền nhau thành “nhẫn tâm” thi thực nguy hiểm. Vì như vậy dục vọng sẽ làm mọi ứng xử của lãnh chúa không còn phù hợp với lợi ích của các loài đang tồn tại trong cánh rừng, còn đâu nữa cái “văn võ song toàn”, vì không “hữu dũng, vô mưu” thì cũng không còn “nhẫn” để nghe những lời “trung ngôn nghịch nhĩ”, vì những lời xúc xiểm thị phi mà nghi kỵ rồi diệt luôn cả “văn” lẫn “võ”. Và một khi đã diệt luôn cả người của chính mình, khác các loài khác, diệt luôn cả đồng loại, thì các loài còn lại cũng phải kiềng, liệu mà cao chạy xa bay khỏi cánh rừng đang sinh sống!

Đó là chuyện từng xảy ra trong lịch sử loài người.Chắc có lẽ vì vậy mà người viết, do không biết chữ Hán để chiết tự một cách tinh vi, nên cứ thiển nghĩ rằng trong những ngày tết lễ, tùy theo từng đối tượng mà người ta tặng nhau hoặc một chữ “nhẫn” hay một chữ “tâm” chứ không ai tặng nhau cùng một lúc cả hai chữ “nhẫn” và “tâm”, bởi như vậy thì thực là quá quắt.

(Theo Nguyễn Gia // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Ứng xử với nhân viên ra đi
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • Quản trị công ty tốt: Phải tạo ra sự đồng thuận!
  • Làm gì để phát triển nhà lãnh đạo trong bạn?
  • Đã đến lúc thay đổi cách quản trị
  • Thuê người và nhờ người
  • Học kỹ năng - điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp giỏi
  • Nghe lời khuyên đầu tư của các CEO
  • Tiếp thị hình ảnh đến nhà đầu tư
  • Thay đổi chiến lược để tận dụng cơ hội sau suy thoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com