Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi “sếp” thiếu năng suất

tinkinhte.com
Minh họa: Khều.

Vai trò của những người lãnh đạo như một đầu tàu, luôn phải kéo theo một đoàn tàu phía sau đi đúng hướng, theo một lộ trình đã vạch sẵn. Thực tế, không phải ở đâu, trong tổ chức nào, những vị trí dẫn đầu cũng có được khả năng như thế. Điều gì sẽ xảy ra khi đuôi tàu chạy nhanh hơn đầu tàu, hoặc đầu tàu không thể tăng công suất của nó lên được nữa?

Đuôi tàu luôn muốn vượt lên trước

Một sự thật mà những người lãnh đạo cần nhận thức đầy đủ là, những toa tàu mà họ đang kéo luôn có xu hướng vượt lên trước, đó là mong muốn và nhu cầu thật của bất kỳ nhân viên nào. Nhân viên càng giỏi, khao khát được thể hiện năng lực, kỳ vọng được đánh giá đúng giá trị đóng góp và tạo cơ hội thăng tiến của họ càng cao.

Để có được cơ hội thăng tiến, nhân viên cần được trao cơ hội thể hiện năng lực của mình. Điều đó chỉ có được khi họ được giao việc và đặt ở những vị trí quan trọng trong quy trình xử lý công việc. Hơn thế nữa, công việc đó phải thực sự mang lại thành quả hữu ích cho tổ chức, được cả tổ chức ghi nhận.

Muốn vậy, nhất thiết người lãnh đạo phải hoạch định công việc phù hợp, mạnh dạn nhận những nhiệm vụ quan trọng, hiểu rõ nhiệm vụ và cùng nhân viên thực hiện. Tất cả giống như một đoàn tàu trên một hành trình, dừng lại ở mỗi ga, để lại nhiều dấu ấn trên hành trình của nó.

Sau mỗi chuyến đi, những toa tàu được ghi nhận thành tích, được khen thưởng, có thêm kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp mở rộng. Nếu đầu tàu làm được điều đó thì mới thỏa mãn được tham vọng của những toa tàu, và tổ chức mới ngày càng phát triển cùng với sự tiến bộ của họ.

Đừng biến mình thành cỗ máy lạc hậu

Trước khi tiếp nhận vị trí trưởng phòng quản lý chất lượng, người trưởng phòng từng là lãnh đạo của một phòng khác trong hơn bốn năm. Bà vẫn luôn tự hào về thời gian mình làm lãnh đạo ở đây, với những thành quả đạt được. Nhưng bà đã không nhận thấy nhiệm vụ của mình hiện đã khác. Không có chuyên môn về lĩnh vực mới, nhưng cho rằng mình có kinh nghiệm, cộng với chút hiểu biết về nghiệp vụ trong tổ chức, bà không học hỏi thêm kiến thức chuyên môn mới.

Khi đã đặt mình vào vị trí dẫn đầu, bạn không thể có ý nghĩ mình sẽ làm ít đi, mình có thể nghỉ ngơi, công việc có thể nhẹ nhàng hơn vì đã có nhân viên hỗ trợ. Bạn càng không thể ngủ quên trong chiến thắng, tự dập tắt ngọn lửa chiến đấu… vì điều đó không sớm thì muộn sẽ khiến bạn đi đến kết cục rất bi đát là trắng tay.

Khi đã phấn đấu để được ngồi vào vị trí đầu tàu, bạn phải không ngừng tiếp thêm nhiên liệu, nâng cấp bộ máy, trang bị các thiết bị tối tân hơn bởi vị trí dẫn đầu bắt buộc bạn phải làm thế, đó là điều cần thiết để đảm bảo bạn đủ khả năng dẫn đầu, vì những toa tàu của bạn cũng luôn không ngừng tự tân trang để có thể bước lên vị trí cao hơn hiện tại.

Điều gì đã xảy ra ở phòng quản lý chất lượng? Khi nhân viên đề xuất lên trưởng phòng nhiều vấn đề cần giải quyết, với những phương pháp và công cụ quản lý chất lượng giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, nhưng trưởng phòng không nhận thấy được lợi ích từ những đề xuất đó, đặc biệt là không hiểu được tính ứng dụng của phương pháp và công cụ mà nhân viên đề xuất. Thiếu kiến thức chuyên môn, bà đánh giá sai và bác bỏ đề xuất của nhân viên một cách thiếu thuyết phục.

Đến khi lãnh đạo công ty “chỉ mặt đặt tên”, yêu cầu thực hiện những vấn đề như đề xuất của nhân viên, thì người trưởng phòng mất điểm hoàn toàn trong con mắt của cấp dưới. Họ đã nhận ra rằng sếp của họ không có năng lực lãnh đạo.

Theo quan điểm hiện đại, trong một nhóm làm việc có thể có một số chuyên gia, và người lãnh đạo nhóm phải học cách để có thể lãnh đạo những người này mà không nhất thiết phải hiểu hết mọi việc họ làm. Đầu tàu chỉ khởi động và kéo đoàn tàu chuyển động. Khi bắt đầu chuyển bánh, có được quán tính, lúc đó không chỉ có đầu tàu kéo, mà chính đuôi tàu cũng tạo ra lực đẩy tác động đến đầu tàu. Và cả đoàn tàu di chuyển nhanh hơn nhờ sự cộng hưởng ấy.

Đứng ở vị trí dẫn đầu, nhưng không phải lúc nào cũng phải nỗ lực để kéo, mà quan trọng hơn, đầu tàu phải biết lúc nào cần tăng tốc, lúc nào phải hãm phanh để giữ an toàn, lúc nào chuyển hướng, lúc nào cần dừng lại. Đó là những kỹ năng để dẫn dắt đoàn tàu đến đích nhanh và an toàn nhất.

Sau hai năm hoạt động, phòng quản lý chất lượng không những không phát triển mà còn yếu kém hơn. Kết quả hoạt động của phòng luôn bị đánh giá thấp. Tinh thần làm việc của nhân viên giảm sút. Một số nhân viên còn có ý định chuyển qua bộ phận khác. Tuy nhiên người trưởng phòng thì vẫn không nhận ra vấn đề của mình. Bà luôn đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo công ty đánh giá thấp hoạt động của phòng, còn nhân viên lại bất mãn.

Nhận thức đúng về vị trí dẫn đầu, ngày nay các lãnh đạo luôn ý thức rằng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo chính là nhiên liệu giúp đầu tàu có thể đảm bảo công suất như mong muốn. Rất nhiều nhà quản lý sau giờ làm việc vẫn cắp sách đến lớp để học những khóa nâng cao kiến thức, tham gia các cuộc hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, nghiên cứu sách báo để cập nhật kiến thức cũng như học hỏi kinh nghiệm quản lý. Đó là cách bảo trì, bảo dưỡng tốt nhất để những đầu tàu có thể vận hành trơn tru khi muốn dẫn đầu đoàn tàu về đích.

__________________________________________

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp Nhân Hòa

(Theo Đỗ Xuân Hòa (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Ứng xử với nhân viên ra đi
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • Những điều các giám đốc mới nên biết
  • Tiêu chí nào để đánh giá một CEO?
  • Muốn làm ông chủ, đừng sợ thất bại!
  • Bảy tố chất lãnh đạo của thế kỷ 21
  • Bí quyết trở thành nữ lãnh đạo giỏi
  • 5 đặc tính quan trọng của nhà lãnh đạo tài ba
  • Học cách tự thay đổi bản thân
  • Lãnh chúa rừng xanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com