Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức ép cần thiết

Tại cuộc gặp gỡ gần 100 lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ: để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 là 6,5% rất cần tới sự đóng góp của mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bình quân các doanh nghiệp phải tăng trưởng bằng hoặc trên 10%.

 

Các “anh cả” chung tay ngăn lạm phát

Đóng vai trò cùng Chính phủ kiểm soát lạm phát, lại nắm trong tay các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, thép, lương thực…, hơn lúc nào hết người dân đang trông chờ sự minh bạch trong điều tiết giá cả của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước.

Tăng giá, hay giảm giá các mặt hàng phải tính toán theo cơ chế thị trường nhưng không để đầu cơ, phải có sự kiểm soát của Nhà nước, công khai minh bạch để tạo sự đồng thuận trong dân. “Như xăng dầu, tăng giá phải làm sao cho người dân hiểu, dư luận nói xăng trong nước tăng cao hơn giá thế giới, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì phải giải thích lại” – Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Thủ tướng, kiềm chế lạm phát 7% trong năm nay là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa quản lý hành chính, kiểm soát giá cả của Nhà nước và vai trò điều tiết giá của doanh nghiệp. Để bình ổn giá cả, giá điện sẽ chỉ tăng 6,8%, giá than bán cho điện cũng giữ nguyên. Giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát của nhà nước, không để tạo tâm lý đua nhau tăng giá. Doanh nghiệp phải trực tiếp giúp Nhà nước làm giá lương thực, làm nòng cốt thu mua hết lúa hàng hóa của dân.

Theo ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc TCT Lương thực miền Nam, Hiệp hội Lương thực đang chỉ đạo thu mua lúa dự trữ trong dân 1 triệu tấn. Với lượng gạo dự trữ trong kho hơn 2 triệu tấn và dự báo được mùa, năm nay sẽ không xảy ra sốt giá gạo như năm 2008. TCT cũng đang tiến hành tổ chức liên kết hàng xáo thu mua lúa của người dân. Trước đây, thương lái mua lúa của dân ép giá xuống để lấy lãi, nhưng nay đăng ký số lượng với doanh nghiệp, được bao tiêu về giá nên sẽ tránh được tình trạng ép giá với người nông dân.

TGĐ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo bày tỏ băn khoăn, doanh nghiệp xăng dầu hiện đang rất lúng túng không biết vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu như thế nào. Nếu thời điểm trước tết cũng như hiện nay, khi giá dầu thành phẩm nhập khẩu tăng cao, doanh nghiệp được ngưng trích quỹ bình ổn thì áp lực tăng giá sẽ không căng như vừa rồi. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, việc tăng giá xăng thời gian qua là do các doanh nghiệp để thị trường thiếu thông tin, không tạo ra được sự đồng thuận trong dân.

Nhấn mạnh tập đoàn, TCT là những quả đấm của nền kinh tế, phải tiêu biểu về hiệu quả kinh doanh, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cụ thể ổn định tỷ giá, chính sách tiền tệ và lãi suất ổn định.

Doanh nghiệp nhà nước khỏe, Chính phủ mới khỏe

Đóng góp tới 42% GDP, tập đoàn, tổng công ty yếu hay khỏe đầu ảnh hưởng chung đến sức khỏe của nền kinh tế. Song tới nay, độ lớn của các tập đoàn, tổng công ty rõ ràng chưa tương xứng với quy mô và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ. Đây cũng là lý do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: “lực lượng này đã tiến xa hết mức chưa, hay vẫn còn khả năng tiến tiếp?”

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2009 ước tính đạt 1.164.469 tỷ đồng, vượt 42,4% kế hoạch năm, nhưng chỉ tăng 2,9% so với năm 2008, thấp hơn mức tăng chung của cả nền kinh tế là 5,32%. Đáng nói là 19 tập đoàn, tổng công ty 91 đạt mức tăng trưởng còn thấp hơn, tổng doanh thu của khối này năm 2009 ước đạt 737.282 tỷ đồng, vượt 34,7% kế hoạch năm, chỉ tăng 2,7% so với năm 2008.

Không phải không có lý khi dư luận vẫn đặt dấu hỏi nghi ngờ lên năng lực thực sự của những “anh cả” của nền kinh tế, và nói như Thủ tướng, tình trạng một vài đơn vị làm ăn thua lỗ chưa bị xử lý kéo dài nhiều năm đã làm ảnh hưởng đến cái nhìn chung của xã hội đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và thực tế nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đầu tư ngoài ngành tràn lan, nhiều công ty thành viên thua lỗ triền miên kéo dài.

Xử lý triệt để những “con sâu làm rầu nồi canh” không chỉ làm thay đổi cái nhìn của dư luận về các doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo nên những doanh nghiệp “khỏe” thực sự. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hết quý I.2010, tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh thật quyết liệt, tập trung các dự án đầu tư mới, quan trọng và đẩy nhanh tiến độ các dự án có hiệu quả, cắt giảm những dự án kém hiệu quả. Mỗi dự án của các doanh nghiệp lớn này đều góp phần vào tăng trưởng GDP, nếu tính tương ứng 1% GDP với khoảng 1 tỷ USD, thì 1 dự án nhà máy điện, 1 nhà máy xi măng hàng triệu tấn với trị giá hàng tỷ USD sẽ làm tăng đáng kể GDP.

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng chung trong năm 2009 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (tăng 2,9% so với năm 2008), đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2010 dường như quá xa và cần nhiều nỗ lực. Tuy nhiên nếu nhìn nhận năm 2009 như đáy suy thoái, việc năm 2010 các tập đoàn phải đạt tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2009 lại là sức ép cần thiết từ phía lãnh đạo Chính phủ cho sức vươn của các “anh cả” của nền kinh tế.

(Theo Mai Hà // Báo Người đại biểu Online)

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Ứng xử với nhân viên ra đi
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • Sức mạnh của người hướng nội
  • Khi sếp chỉ biết đòi hỏi
  • Lãnh đạo nóng tính
  • Quy tắc 10.000 giờ của các vĩ nhân
  • Thói quen của giới doanh nhân
  • Sự cấp thiết của vai trò lãnh đạo sau khủng hoảng
  • Lương thưởng cho quản lý - Đừng để đi vào ngõ cụt (P2)
  • “Bản năng sinh tồn” – vũ khí trong thời buổi suy thoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com