Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Theo Keynes hay Friedman?

Theo John Maynard Keynes, khi người tiêu dùng không mua nhà, xe hơi.., nạn thất nghiệp sẽ tăng, dẫn tới khủng hoảng sâu. Nhưng Milton Friedman lại nói rằng ngân hàng phá sản hàng loạt mới đẩy nền kinh tế xuống vực.

Khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ bùng nổ vào tháng 8 năm 2007. Khi ấy, thị trường liên ngân hàng Mỹ đang thiếu tiền trầm trọng và nhà chức trách đã phải bơm một lượng lớn tiền mặt vào thị trường. Sau đó là một năm khó khăn cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, từ tháng 8 năm 2007 đến tháng 8 năm 2008, nền kinh tế Mỹ không đến nỗi phải rơi vào khủng hoảng và được dự báo vẫn tiếp tục có tăng trưởng. Bởi lẽ giá dầu đã tăng chóng mặt vào giai đoạn đó (giá dầu là hàn thử biểu cho thấy kinh tế có tăng trưởng hay không). Và giới đầu cơ cũng vẫn đổ tiền vào các loại cổ phiếu ăn khách do kinh tế thế giới tăng trưởng.

Thời điểm quyết định chính là lúc “sóng thần tsunami tài chính” đổ ập lên thị trường. Đó là khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào ngày 15 tháng 9 năm 2008. Ngay sau đó tức thì tập đoàn bảo hiểm hàng đầu AIG gần như bị phá sản. Chỉ trong vòng vài tháng, giá dầu thô mất bốn phần năm giá trị: từ 147 USD/thùng vào tháng 7/2008 xuống còn 40 USD/thùng vào đầu tháng 12/2008!

Những dự báo tăng trưởng ngay lập tức được hạ thấp. Và nguy cơ trả nợ không đúng hạn được dự đoán sẽ tăng lên gấp ba lần trong năm 2009.

Sự mất cân đối giữa việc sụp đổ Lehman Brothers, một ngân hàng lớn trong hệ thống các sản phẩm tài chính phức tạp và rắc rối của Mỹ, và những hậu quả quá khủng khiếp do việc này trực tiếp gây nên là quá lớn. Do đó không dễ gì mà giải thích cuộc khủng hoảng này bằng cách chỉ nêu ra hậu quả trực tiếp của vụ phá sản Lehman Brothers. Vậy chúng ta đang phải đối mặt với loại khủng hoảng nào ?

Hãy quay trở lại thời điểm xảy ra cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Trong những năm 1930 - cũng như trong cuộc khủng hoảng hiện nay - có một sự kiện mang tính quyết định khiến cho khủng hoảng bùng nổ. Đó là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào “Ngày thứ Ba đen tối”, ngày 29 tháng 10 năm 1929. Thực chất, nước Mỹ đã lâm vào suy thoái trước cái ngày đó rồi vì hoạt động sản xuất công nghiệp đã sụt giảm kể từ tháng 6 năm 1929.

Tương tự như vậy, kinh tế Mỹ cũng đã rơi vào khủng hoảng từ tháng 12 năm 2007, (theo Văn phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia). Nhưng chính việc thị trường chứng khoán trượt dốc vào “Ngày thứ Ba đen tối” năm 2008 (cũng ngày thứ Ba !) và việc ngân hàng Lehman Brothers phá sản gây ra một chuỗi các khủng hoảng mới. Hai sự kiện này đã đánh tan mọi hy vọng vào một sự phục hồi nhanh chóng, và vì thế đã tạo ra một vòng xoáy suy thoái mới.

Mỗi lần có khủng hoảng, việc mua “tài sản bền vững” (xe hơi, bất động sản…) lại được cân nhắc đầu tiên. Đó là những tài sản người tiêu dùng có thể hoãn mua sắm, chờ cho khủng hoảng đi qua. Chỉ tính riêng năm 1930, việc mua các sản phẩm này đã giảm 20%. Lượng xe hơi bán ra từ năm 1930 đến năm 1933 đã sụt giảm đến hai phần ba!

Hiện nay, ngành xe hơi cũng lại bị khủng hoảng đánh gục. “Ông lớn” General Motors đang gần như phá sản. Một ngành khác cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, trước đây cũng như bây giờ, là lĩnh vực nhà đất. Tại một số thành phố Mỹ, như Cleveland, hơn một nửa dân số sẽ không trả được đúng hạn các khoản nợ thế chấp. Cuộc khủng hoảng đã làm mất khoảng 15% giá trị bất động sản tại Mỹ (năm 2008 so với năm 2007).

Việc mua tài sản bền vững đóng vai trò trung tâm trong lý thuyết về khủng hoảng của kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes. Theo lý thuyết của Keynes, khi người tiêu dùng không mua các tài sản bền vững thì số người thất nghiệp luôn tăng lên. Và rồi thất nghiệp sẽ lan rộng ra cả nền kinh tế theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, Milton Friedman (không phải Thomas Friedman, tác giả cuốn Thế giới phẳng), đối thủ của Keynes, đã lý giải cuộc Đại khủng hoảng năm 1930 theo cách khác. Ngày nay, cách giải thích của Friedman đã được phần lớn các chuyên gia chấp nhận. Theo Friedman, nguyên nhân chính gây ra cuộc Đại khủng hoảng năm 1930 là việc những người chịu trách nhiệm vấn đề tiền tệ đã để cho các ngân hàng phá sản.

Trước cuộc Đại khủng hoảng, Mỹ có khoảng 29.000 ngân hàng. Nhưng đến năm 1930 chỉ còn lại 12.000 ngân hàng. Tổng cộng, đồng tiền và tín dụng đã mất giá hơn một phần ba, khiến nền kinh tế bị giảm phát. Theo Friedman, trách nhiệm thuộc về ngân hàng trung ương (tức FED). Ngân hàng “cầm trịch” này đã không hành động và để cho hệ thống ngân hàng sụp đổ. Không thể so sánh việc Lehman Brothers phá sản ngày nay với việc hàng loạt ngân hàng phá sản vào những năm 1930. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã thổi bùng lên “ngọn lửa” khủng hoảng tài chính. Tất cả những người quản lý tài chính của các doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc tái cấp vốn cho các khoản tín dụng, hầu như được đảm bảo trong suốt những năm qua, có thể giờ đây sẽ không còn được đảm bảo nữa.

Mọi chuyện diễn ra như thể việc ngân hàng Lehman Brothers phá sản đã gây ra một cú sốc có thể so sánh với sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ trong những năm 1930. Vậy có thể so sánh như thế nào?

Để hiểu rõ, cần phải quay lại khoảng thời gian trước đây. Suốt những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những đợt suy thoái đã diễn ra một cách đơn giản và không thay đổi. Khi kinh tế tăng trưởng cao hơn khả năng thực sự, nó có thể khiến tiền lương tăng cao. Hiện tượng này gắn liền với “đường cong Phillips” trong kinh tế. Khi thất nghiệp có xu hướng giảm xuống, yêu cầu về tiền lương lại tăng, gây ra vòng xoáy giá cả - tiền lương. Để giải quyết vấn đề này, các nhà chức trách phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thường rất mạnh tay, nhằm kìm hãm tăng trưởng. Phần lớn các đợt suy thoái sau chiến tranh đều diễn ra theo cơ chế này.

Nhưng kể từ đầu những năm 1990, thế giới đã thay đổi. Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới “hạn chế tối đa” tiền lương. Công nhân bị chèn ép do xu hướng giảm công nghiệp hóa, do toàn cầu hóa. Vì thế sức mạnh của nghiệp đoàn ngày càng giảm và công nhân hầu như đã đánh mất sức mạnh trên bàn đàm phán với giới chủ.

Vì thế các quy tắc vận hành của nền kinh tế cũng thay đổi. Lương không thể tăng cao như trước kia. Nhưng vẫn có những đồng tiền kiếm được dễ dàng được đem đi đầu cơ khiến các sản phẩm tài chính tăng giá… Cũng vì lẽ đó, từ những năm 1990 đến nay, thế giới đã chứng kiến bong bóng Internet, bong bóng bất động sản và bong bóng dầu mỏ lần lượt nổ tung… Tiếp đến là bong bóng tài chính - bùng nổ vào ngày 15/9/2008. Quỹ Madoff, dẫu vượt qua được cuộc khủng hoảng năm 2007 và một phần của năm 2008 trước khi bị lật tẩy, cũng đã sụp đổ. Việc Lehman Brothers phá sản hồi tháng 9 năm 2008, giống như sự đổ vỡ tháng 10 năm 1929, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khủng hoảng: khủng hoảng tiêu dùng, theo quan điểm của Keynes, và khủng hoảng trung gian tài chính, theo quan điểm của Friedman.

Hiện nay, các chính phủ không nên chọn, hoặc tác phẩm của Keynes hoặc của Friedman làm sách gối đầu giường, mà phải chọn cùng lúc cả hai.

( Theo Doanh nhân )

  • Phân vai lãnh đạo - quản lý
  • 7 bí quyết truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo
  • 'Cái ghế' và chữ tâm
  • Ứng xử với nhân viên ra đi
  • Nỗi niềm người dẫn đầu
  • Đối diện với thách thức
  • Lãnh đạo trong thời khủng hoảng
  • ‘Bóng’ đang trong chân các CEO
  • Chủ tịch công ty cũng phải chuyên nghiệp
  • Từ quản lý sự tin tưởng đến quản trị sự thay đổi
  • CEO thất bại theo cách nào? (phần 1)
  • Phong cách quản lý của lãnh đạo IBM
  • Tàn nhẫn để thành công?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com