Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận về phương diện thứ ba và cũng là phương diện cuối cùng trong việc đánh giá chặng đường 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Obama: xây dựng tầm nhìn dài hạn có sức thuyết phục. Liệu ông đã bắt tay xây dựng chiến lược cho những gì ông kỳ vọng đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng chưa?
Như bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong giai đoạn chuyển giao, ông Obama có nghĩa vụ đề ra tầm nhìn chiến lược và truyền tải thành công tới công chúng về cách thức ông sẽ hiện thực hóa những kỳ vọng đề ra trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên. Yêu cầu đặt ra là: tầm nhìn này phải có sức thu phục lòng dân và khích lệ họ chung tay gánh vác hoàn thành nhiệm vụ chung.
Hơn thế, để đưa ra một tầm nhìn có sức thuyết phục, Tổng thống phải có sự cân nhắc cẩn trọng giữa những điều mình muốn thực hiện và khả năng thực hiện đến đâu. Tóm lại, tầm nhìn đó phải đủ lớn để thể hiện tham vọng của Tổng thống nhưng lại không được quá phi thực tế.
Tầm nhìn dài hạn của ông Obama phải có sức thu phục lòng dân và khích lệ họ chung tay gánh vác hoàn thành nhiệm vụ chung. Ảnh: barack-obama-now.com |
Thực thà mà nói, xét trên phương diện này, ông Obama vẫn còn non tay. Nhận xét này có thể khiến bạn ngỡ ngàng vì tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ không phải không chứng minh được năng lực cá nhân. Tuy nhiên, quả thực, với phạm vi ảnh hưởng của những thách thức ông đang phải đối mặt, Tổng thống vẫn chưa đưa ra được tầm nhìn có tính thuyết phục về việc lãnh đạo đất nước trong tương lai xa.
Ông Obama đã truyền tải vô số sáng kiến mới và phức tạp, nhưng những thông điệp này vẫn chưa đủ sức đi vào lòng công chúng. Chính vì vậy, ông càng khó thuyết phục họ phải hào hứng và cùng hy vọng về một chân trời phía trước. Nếu chúng ta quyết định sẽ kề vai sát cánh bên nhau trong vòng bốn năm tới thì lúc này đây, ít ra, chúng ta cũng phải biết mình sẽ phấn đấu vì điều gì chứ?
Tại thời điểm đưa ra bài viết này, tôi ghi nhận Tổng thống cũng đang hết sức nỗ lực trong việc đưa ra tầm nhìn bao quát hơn. Ông kêu gọi người dân Mỹ “hiểu rõ rằng mỗi việc mình làm và mỗi chính sách mình đang theo đuổi ngày hôm nay đều là vì tương lai của nước Mỹ - tương lai mà ở đó, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới, tốt hơn và tăng thêm thu nhập cho người dân”.
Ông cũng nêu ra năm yếu tố hỗ trợ chúng ta đạt được mục đích: những quy định mới cho thị trường tài chính Mỹ, các khoản đầu tư cho giáo dục và công nghệ tạo ra nguồn năng lượng có khả năng tái chế, cải cách dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những biện pháp mới để cắt giảm chi tiêu dành cho các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, khi người dân Mỹ đang hết sức bối rối trước vô vàn sáng kiến cộng với việc bị cuộc suy thoái kinh tế hăm dọa và các ý đồ chính trị chi phối, những nỗ lực của Tổng thống dường như vẫn chưa đủ mạnh để khích lệ và tập hợp họ.
Tôi chỉ dành điểm “B- “ cho những nỗ lực của ông Obama trên phương diện thứ ba này.
Tựu chung, xét trên cả ba phương diện (thứ nhất: nỗ lực hạn chế thất bại và giành được thắng lợi quan trọng ban đầu; thứ hai: tạo dựng đội ngũ chính quyền vững chắc và thứ ba: truyền tải thông điệp về tầm nhìn dài hạn cho suốt thời gian cầm quyền sau này), dẫu sao, chính quyền Obama cũng đã có một bước khởi đầu vững vàng giữa bối cảnh khó khăn.
Tôi dành điểm “A-“ cho toàn bộ những gì ông Obama và các đồng sự đã làm được trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Tuy nhiên, tôi vẫn hết sức trông đợi Tổng thống có thể đưa ra một tầm nhìn thuyết phục hơn trong thời gian tới cũng như vạch rõ những chính sách có tính toán cẩn trọng và xóa dần xung đột để từ đó xây dựng được khối liên minh giữa các nhóm lợi ích.
Chỉ khi làm được điều đó, ông mới có trong tay nguồn sức mạnh tập thể vô biên để đưa nước Mỹ vượt qua những khó khăn thách thức đã, đang và sẽ tới và thẳng tiến trên con đường đã định.
(Theo Như Nguyệt//Michael Watkins//TuanVietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com