Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Báo cáo đặc biệt về tương lai của nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Gần như ở nước nào, chính phủ cũng lớn, kém hiệu quả và ngập trong nợ nần.

Lập luận này có vẻ rất quen thuộc. Những cải cách từng làm thay đổi khu vực tư nhân nay nên được áp dụng cho khu vực nhà nước.

Mối quan hệ giữa chính phủ và xã hội từng là mối quan hệ giữa chủ nhân và đầy tớ; thay vào đó, nó nên là sự cộng tác trong đó chính phủ tạo ra môi trường thích hợp để công ty và tổ chức từ thiện làm tốt công tác của mình.

Kết luận đưa ra là “Chúng ta đang chuyển từ một nhà nước lớn sang một nhà nước nhỏ, từ một xã hội nhỏ sang một xã hội lớn.”

Đây là một ứng cử viên Tổng thống thuộc phe Cộng hòa tại Mỹ? David Cameron phát biểu trước Đảng Bảo thủ ở Anh? Không: người phát biểu được coi là một trong những quan chức được kính trọng nhất Trung Quốc.

Năm ngoái Ma Hong đã giành giải sáng kiến chính phủ toàn quốc cho những nỗ lực mời gọi các tổ chức phi chính phủ (NGO) đảm nhiệm các dịch vụ phúc lợi, y tế và giáo dục tại thành phố Thâm Quyến.

Giải thưởng trên phần nào phản ánh sự tháo vát của bà Ma. Bà đã bãi bỏ kiểm soát phần lớn NGO ở địa phương: thay vì đi xin tài trợ từ một số cơ quan chính phủ, bọn họ chỉ cần đăng ký với Ma.

Bà khởi đầu với các hiệp hội ngành vào năm 2004, nhưng đã mở rộng sang cả các tổ chức từ thiện độc lập. Hiện gần 4000 “tổ chức xã hội” đã được đăng ký, gần gấp đôi so với năm 2002, tất cả số này đều từng là của nhà nước.

Trong vòng 5 năm qua, bà Ma đã trả 400 triệu tệ (57 triệu USD) để NGO làm các công tác xã hội, chủ yếu là với người cao tuổi. Các nhóm này được đánh giá bởi một bên thứ ba về những tiêu chí như công tác quản trị: điểm số càng cao, càng được rót nhiều tiền.

Bà cung cấp các khóa đào tạo về công tác xã hội và tư vấn thuế. Bà muốn tiền quyên góp cho các NGO cũng được miễn thuế như ở phương Tây.

Ma đã nghiên cứu nhiều mô hình thành công. Ở Hong Kong, nơi bà được đào tạo năm 2005, 90% các công tác xã hội do NGO đảm nhiệm còn nhà nước chi tiền.

Giống nhiều quan chức Trung Quốc khác, bà cũng ngưỡng mộ Singapore, đặc biệt là với sự cân đối giữa dễ dàng đăng ký thành lập NGO và trừng phạt nghiêm khắc nếu hoạt động không tốt.

Bà muốn các tổ chức xã hội trở thành động lực của xã hội Trung Quốc “giống như các công ty tư nhân với nền kinh tế”.

Việc bà nhận giải cũng có một ý nghĩa nhất định. Các nhà lãnh đạo quốc gia này nhận thức sâu sắc rằng chính phủ mình vẫn chưa phục vụ thường dân được tốt. Hồi năm 2005, Đại hội Đảng lấy “phát triển khoa học công nghệ” để xây dựng “xã hội hài hóa”.

Thâm Quyến hiện được coi là điển hình của khu vực công giống như 30 năm trước thành phố từng được coi là điển hình của khu vực tư. Thâm Quyến đã phân loại khoảng 280 chức năng của chính quyền vào loại “xã hội”, tức là có thể thuê các NGO của bà Ma thực hiện.

Không khó để tìm ra thiếu sót trong phiên bản “Xã hội lớn” (Big Society) của Trung Quốc. Nhưng đó cũng là yếu tố thúc đẩy chính phủ làm việc giống khu vực tư nhân hơn.

“Giống như con người có hai cái chân, chân “kinh tế” của Trung Quốc rất dài, còn chân “xã hội” lại rất ngắn,” bà Ma nhận xét. “Chúng nên dài bằng nhau.”

Nhiều chính trị gia phương Tây cũng nghĩ vậy về chính phủ cồng kềnh mà kém hiệu quả của mình. Vấn đề ngay trước mắt là khủng hoảng tài chính: các chính phủ đã chi đậm để chống đỡ cho các ngân hàng và thoát khỏi một cuộc đại suy thoái.

Khi mà tổng nợ chính phủ trung bình của các nước OECD đã vượt 100% GDP và thị trường sợ sẽ có thêm những Hy Lạp mới, mọi chính phủ đều đang chịu sức ép đưa ra một kế hoạch giảm thâm hụt đáng tin cậy.

Chính phủ tồn tại đề làm gì?

Dù có tốn kém nhưng khủng hoảng tài chính không phải vấn nạn duy nhất đối với ngân sách. Ở phần lớn các nước giàu, dân số già đi đẩy chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng lên. 

Các nước mới nổi đang giàu lên như Trung Quốc và Ấn Độ đang tự hỏi loại hình nhà nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu cải thiện trường họ, y tế và cơ sở hạ tầng của nhân dân mình.

Thực tế, những tranh luận dữ dội về chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ đợt thắt chặt tín dụng vừa qua đã che mờ đi cuộc thảo luận mới nảy sinh về bản chất của chính phủ. Vấn đề này sẽ chi phối chính giới ít nhất là trong thập kỷ sắp tới.

Làm sao để chính phủ hiệu quả hơn? Nó nên làm gì và không nên làm gì? Nó nên đáp ứng nhu cầu của ai?

Có tiếng nói của bà Ma, nhưng cũng có tiếng nói của những nhà hoạt động “Đảng Trà” ở Mỹ, những công nhân Pháp phản đối tăng tuổi nghỉ hưu, những phụ huynh Anh đang cố thành lập trường tư bằng tiền công.

Luận thuyết trung tâm trong báo cáo đặc biệt này là có thể khiến Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nhiều.

Nhà nước đã tụt lại khá xa so với tư nhân. Đuổi kịp không chỉ là vấn đề cải thiện năng suất mà còn là nguyên tắc cơ bản của tự do: trong quá nhiều trường hợp, những cơ quan đáng ra là đầy tớ của dân thì lại thành ông chủ.

Nhưng chẳng ai dám nghĩ điều đó sẽ dễ dàng. Các nhóm lợi ích phản đối cải cách luôn hùng mạnh: cả cánh tả lẫn cánh hữu, cả các công ty tìm kiếm đặc quyền lẫn công đoàn của khu vực công, cả cử tri lẫn quan chức đều ủng hộ mở rộng nhà nước.

Thực tế, với áp lực mở rộng chính phủ hiện nay, nhiều nhà cải cách cảm thấy chỉ giữ nguyên hiện trạng cũng sẽ khiến họ phải làm việc vất vả.

Chính phủ luôn có xu hướng mở rộng (xem bảng 1), và mọi người luôn bực dọc vì điều đó. Năm 1888, nhà kinh tế Pháp Pierre Paul Leroy-Beaulieu tính toán rằng giới hạn ổn định cho một nhà nước hiện đại là 12-13% GDP.

Cho đến năm 1960, các nhà nước phúc lợi đã đẩy tỷ lệ trung bình tại các nước giàu lên 28% (xem đồ thị 2), đủ để khiến Freidrich Hayek cho rằng “các lực lượng có tổ chức của xã hội (tức là can thiệp của chính phủ)” có thể “hủy diệt những lực lượng tự phát đã tạo ra tiến bộ.”

Dù vậy trong một phần tư thế kỷ sau đó, nhà nước lại phát triển mạnh, chủ yếu là vì thanh toán chuyển nhượng và trợ cấp ban đầu nhắm tới người nghèo nhưng thường thì phần lớn lợi lộc lại thuộc về tầng lớp trung lưu.

Điều này châm ngòi cho cuộc phản công chống lại nhà nước của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Cho đến những năm 1990, nhiều người nghĩ chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ ngăn chặn bước tiến của nhà nước.

Rút cục thì đó là thập niên mà Bill Clinton và nhiều lãnh đạo khác tuyên bố thời kỳ “chính phủ lớn” đã chấm dứt; khi phe cánh tả tuyên bố (không chính xác) rằng một nửa kinh tế thế giới nằm trong tay các công ty đa quốc gia; khi các nước mới nổi đi theo “đồng thuận Washington” và giảm điều tiết; và khi các chính sách công nghiệp chỉ là giữ lại cổ phiếu vàng trong các công ty mới tư nhân hóa.

Báo cáo đặc biệt của The Economist vào năm 1997 viết về ý tưởng đang được ưa chuộng rằng nhà nước sẽ dần biến mất. Tác giả của nó, ông Clive Crook, cho rằng không phải vậy.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, Crook đã đúng. Ở Châu Âu lục địa, nơi tỷ lệ chi tiêu chính phủ trên GDP vốn đã cao, thì tỷ lệ này không tăng mạnh lắm.

Tuy vậy, ở nước Mỹ thời Cộng Hòa của George Bush, chi tiêu tăng mạnh hơn dưới thời bất kỳ Tổng thống nào kể từ Lyndon Johnson.

Ở Anh, chính sách Lao động mới còn mạnh tay hơn nhiều: tỷ lệ chi tiêu chính phủ trên GDP đã tăng từ dưới 37% năm 2000 lên 44% năm 2007; khi kinh tế Anh gặp khó khăn, tỷ lệ này còn tăng lên 51% năm 2010.

Quyền lực nhà nước không chỉ đo đếm bằng tỷ lệ trên GDP. “Can thiệp mạnh” có thể cũng gây hạy với nền kinh tế không kém gì “chính phủ lớn”.

Mỗi năm Bush tại nhiệm, lại có thêm khoảng 1.000 trang luật lệ liên bang. 250.000 người Mỹ làm công việc viết và thực thi các bộ luật liên bang.

Liên minh Châu Âu cũng tạo nên hàng mớ thủ tục khác nhau. Một số do cánh tả chủ trương (sự đa dạng, sức khỏe và an toàn), số khác do cánh hữu (máy quay an ninh, chiến tranh chống ma túy).

Hãy xem vai trò của nhà nước trong kinh doanh. Hồi thập kỷ 90, dường như quá trình tư nhân hóa đã giải quyết xong vấn đề này. Nay chủ nghĩa tư bản nhà nước đã trở lại, đôi khi tự nhiên (một số ngân hàng bị chính phủ dành quyền kiểm soát), đôi khi hữu ý.

Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn ở các nước mới nổi thuộc sở hữu nhà nước, và ngay cả ở các nước Anglo-Saxon, chính sách công nghiệp cũng không còn là một từ khiếm nhã.

Trong phòng họp các HĐQT và giữa những người phái hữu chủ trương cắt giảm thuế ở Mỹ, người ta tin rằng một nhà nước khổng lồ, liên tục phát triển là sản phẩm của giới quan chức, các chính trị gia cánh tả. Điều này đôi lúc đúng.

Nhưng thường thì nhà nước là kết quả của những mong muốn từ công chúng. Ví dụ như toàn cầu hóa khiến nhiều người phụ thuộc vào nhà nước: việc làm của tầng lớp trung lưu thiếu ổn định làm gia tăng đòi hỏi mở rộng hệ thống an sinh xã hội, bất bình đằng đi kèm với kinh tế thị trường khiến cử tri thiện cảm với tái phân phối thu nhập.

Hãy nhìn tới mối đe dọa khủng bố, khi mà phản xạ tự nhiên của cánh hữu là mở rộng chính phủ. Như GS Stephen Walt từ Havard nói, “khi vụ 11/09 xảy ra, chẳng ai nhắc tới Bill Gates hay Viện Xã hội mở.”

Cuộc chiến kế tiếp

Một lần nữa lại xuất hiện một đợt phản công chống lại sự tiến lên của nhà nước. Chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 của phe Cộng hòa đã được ca ngợi là sự trở lại của chủ nghĩa bảo thủ “chính phủ nhỏ”.

Cải cách y tế không khiến TT Obama mạnh thêm mà còn làm ông yếu đi và phải chuyển về thế trung dung khi đột ngột cam kết với giới doanh nhân sẽ hạn chế điều tiết. Chính phủ Cameron ở Anh đang thúc đẩy các cải cách làm giảm 1/5 số bộ ngành.

Ngay cả ở Châu Âu lục địa vốn có truyền thống “chính phủ lớn”, lao động ở khu vực tư đang giận dữ với lương bổng mà lao động khu vực công được hưởng. Hiệp hội ngôn ngữ Đức đã chọn Wutbürger(công dân nổi giận) làm từ của năm 2010.

Nhưng liệu sự giận dữ ấy có chặn được bước tiến của Nhà nước? Một số người không hỏi hoài nghi. Không ai trong số những người chủ trương thu hẹp chính phủ ở Châu Âu lục địa thực sự cố gắng thay đổi cơ cấu nhà nước.

Nỗ lực của TTg Cameron mới thật sự là cấp tiến, nhưng dù có mạnh tay ông cũng chỉ đưa nhà nước trở về với quy mô của năm 2008.

“Đảng Trà” ở Mỹ có lẽ chỉ biết nói mà không biết làm: dự thảo ngân sách đầu tiên của họ không động đến quốc phòng hay ba chương trình phúc lợi lớn là Medicare, Medicaid và An sinh xã hội.

Tương tự như biểu ngữ giả tạo cảnh báo chính phủ “đừng động tới Medicare của tôi” ở các cuộc biểu tình năm ngoái của Đảng Trà, họ đang cố chối bỏ thực tế.

Lỗi không phải chỉ ở các chính trị gia nhu nhược. Kể từ khi Adolph Wagner gắn tăng trưởng với công nghiệp hóa vào thế kỷ 19, nhiều lý thuyết kinh tế đã dự đoán nhà nước sẽ liên tục mở rộng.

Người ta thường nhắc tới hiệu ứng chi phí Baumol. Thập kỷ 60, William Baumol và William Bowen đã sử dụng ví dụ về nhạc cổ điển để cho thấy một số hoạt động không chịu tác động của cải thiện năng suất lao động.

Bạn vẫn cần số nhạc công tương đương với hồi thế kỷ 19 để chơi một giao hưởng của Beethoven, dù cho lương thực tế của nhạc công kể từ ấy đã tăng lên.

Larry Summers, cố vấn kinh tế chính của TT Obama cho đến giữa năm 2010, đã chứng minh rằng hàng hóa do chính phủ cung cấp, đặc biệt là giáo dục và y tế, cải thiện năng suất chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế.

Kể từ thập niên 1970, lương thực tế ở Mỹ đã tăng 4 lần nếu tính theo chi phí mua TV, nhưng tính theo chi phí chăm sóc sức khỏe, nó lại đi xuống.

Ông Summers kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn. Dân số già đi sẽ cần ngày càng nhiều các dịch vụ y tế từ nhà nước.

Giáo dục tốt hơn tức phải học nhiều năm hơn, lớp nhỏ hơn và thêm nhiều hoạt động ngoại khóa, tất cả đều tốn kém hơn. Tăng bất bình đẳng tức phải tái phân phối nhiều hơn.

Ở Ý và Pháp, riêng thanh toán chuyển nhượng bằng tiền mặt đã chiếm 19% GDP. Áp lực tăng chi tiêu vẫn tiếp diễn trong khi những thứ từng thu hẹp quy mô chính phủ lại thường xuất hiện có mỗi một lần, ví dụ như chiến tranh lạnh kết thúc làm giảm chi tiêu quốc phòng.

Lịch sử đứng về phía ông Summers. Báo cáo này lại có quan điểm tươi sáng hơn. Đầu tiên là chuyện chi tiêu tiếp tục tăng là không phải là không thể nào tránh khỏi. Các nước như Canada và Thụy Điển đã giảm chi tiêu công khi có thể.

Hơn nữa, một số chính phủ hoạt động đặc biệt hiệu quả. Chỉ riêng chính phủ tồi học tập từ các chính phủ tốt không thôi, họ đã tiến được những bước dài.

Khi mà phần cốt lõi của chính phủ thu hẹp lại và cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ trở nên gay gắt hơn, phần lớn các chính phủ đều có thể đều có thể duy trì hoạt động với số nhân viên ít hơn.

Phần lớn báo cáo đặc biệt này sẽ tập trung vào quá trình tái cơ cấu ấy.

Mục tiêu thứ hai của cải cách là điều chỉnh lại chi tiêu chính phủ (thứ không nhận được mấy đồng thuận chính trị vào thời điểm này), đặc biệt là điều chỉnh lại các khoản thanh toán chuyển nhượng (khoản mục tăng từ 8% GDP Mỹ năm 1970 lên 16% GDP năm 2009).

Vốn dành cho những dự án lãng phí phục vụ tầng lớp trung lưu nên được dành cho người nghèo.

Lịch sử không phải luôn ủng hộ những người bi quan. 50 năm trước có vẻ như các công ty sẽ cứ lớn lên mãi. Kể từ ấy công việc kinh doanh đã thay đổi về cơ bản.

Nhà nước có thể bắt kịp khu vực tư nhân bằng đúng những cách khu vực tư đã làm để chuyển biến chính mình, đặc biệt là tăng cường cạnh tranh và nghĩ lại xem cái gì thì nên làm còn cái gì nên thuê ngoài. Và trước đây nhà nước cũng từng thay đổi.

Ví dụ như vào thế kỷ 19, các nhà cải cách tự do giải tán các thành phố tham nhũng và mua lại các tòa thị chính, rồi xây dựng một nền dịch vụ công chuyên nghiệp. Chính phủ trở nên gọn nhẹ và hiệu quả hơn nhiều. Họ hoàn toàn có thể lặp lại điều đó một lần nữa.

Thứ hai, kể cả ông Summers đã đúng và nhà nước không thể thu hẹp, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao tính hiệu quả và tăng trách nhiệm của nhà nước.

Cần phải thay đổi

Trên bình diện cá nhân, nhà nước quan trọng vì nó tác động rất nhiều tới cuộc sống người dân.

Theo Geoff Mulgan trong cuốn “Quyền lực tốt và xấu”, chất lượng nhà nước bạn sống sẽ quyết định hạnh phúc của bạn nhiều hơn là tài nguyên thiên nhiên, văn hóa hay tôn giáo.



Trong khảo sát tìm hiểu về hạnh phúc con người, chính phủ tốt cũng quan trọng không kém gì giáo dục, thu nhập và sức khỏe (tất cả những thứ đó đều phụ thuộc vào chính phủ).

Chính phủ có thể tạo ra sự khác biệt to lớn với kinh doanh. Rõ ràng nhất là nếu nhà nước chiếm một nửa GDP thì cải thiện bất kỳ bộ phận nào cũng sẽ tạo ra môi trường tốt hơn cho tăng trưởng.

Dù cho chính phủ vẫn tiêu tốn như thế nhưng hoạt động hiệu quả hơn (lao động có giáo dục hơn, chăm sóc y tế tốt hơn, đường không có ổ gà, điều tiết đơn giản hơn), khu vực tư nhân sẽ hưởng lợ lớn.

Với xã hội, tranh luận về chủ đề nhà nước quan trọng vì chủ nghĩa tự do đang bị lên án. “Khi nhắc tới những thách thức đối với nền dân chủ phương Tây, người ta luôn nhắc tới minh bạch và trách nhiệm,” Tony Blair, TTg Anh trong 10 năm, đã nói.

“Thực tế, đó là thách thức về sự hiệu quả. Các chính trị gia của chúng ta nhìn chung không tham nhũng. Nhưng họ không làm được điều nhân dân muốn. Các nước mới nổi đang quyết định xem họ cần loại hình chính phủ gì. Họ nhìn vào chúng ta và thấy một hệ thống quá tốn kém và chưa làm đươc điều cần làm.”

Một chính trị gia nổi tiếng khác còn đi xa hơn, khi xem chính phủ là một vấn nạn ngày càng lớn đối với xã hội phương Tây. “Nếu tiếp tục như hiện nay, rút cục các cử tri của chúng ta sẽ bỏ phiếu cho “bất kỳ cái gì có thể khiến tàu chạy đúng giờ”.”

Hàng loạt cuốn sách gần đây đã ngợi ca đường lối của Trung Quốc. Báo cáo đặc biệt này cũng xét tới mô hình ấy, nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào các nước giàu, nơi phần lớn mọi vấn đề và giải pháp đã được phát hiện.

Và không nơi nào phản ánh những vấn đề của khu vực công tốt hơn bang California, Hoa Kỳ.


Minh Tuấn
Theo Economist // CafeF

 

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tương lai của nhà nước: “Bí kíp” chưa thiêng
  • Căn nguyên của phát triển
  • Năm 2011: Tương lai kinh tế thế giới về tay ai?
  • Nhìn lại để nhìn tới...
  • Phản biện chính sách ở Trung Quốc
  • Xác với hồn
  • Giám sát quyền lực công để phòng chống tham nhũng
  • Nên thay đổi cách nhìn về hiện tượng phá sản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com