Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giám sát quyền lực công để phòng chống tham nhũng

Minh họa: Khều.

Quyền lực: con dao hai lưỡi!

Lý thuyết kinh tế đã nêu hai quan điểm cơ bản về tham nhũng. Quan điểm thứ nhất coi tham nhũng là yếu tố ngoại sinh; còn quan điểm thứ hai cho rằng tham nhũng là nhân tố nội sinh trong chính trị.

Có thể xác định được ba loại hình tham nhũng cơ bản căn cứ theo một trong hai trường phái lý thuyết nói trên. Thứ nhất là tham nhũng để đạt được hoặc đẩy nhanh việc thực hiện một quyền cụ thể nào đó mà công dân hoặc pháp nhân có quyền được hưởng - tham nhũng nhưng không có “ăn cắp”. Nếu một người đút lót một cán bộ phụ trách cấp hộ chiếu mà anh ta có quyền được cấp, tức là không có rào cản pháp lý nào đối với việc cấp hộ chiếu của anh ta, thì đó chính là loại tham nhũng đầu tiên. Và một hình thức cụ thể và lộ liễu hơn của loại tham nhũng này là hối lộ các quan chức để họ “ưu tiên” giải quyết công việc của mình nhưng hoàn toàn hợp pháp.

Loại tham nhũng thứ hai là vi phạm các quy định của pháp luật, hoặc việc thực thi pháp luật mang nặng tính thiên vị. Đây là tham nhũng trong bộ máy hành chính và là loại tham nhũng được nói tới nhiều nhất. Loại tham nhũng này thường xảy ra trong mô hình cấp trên - cấp dưới vì toàn bộ việc thực hiện tham nhũng đều do các công chức gây ra (đòi hối lộ để vi phạm các quy định). Hậu quả trực tiếp nghiêm trọng nhất của loại tham nhũng này là các đạo luật và chính sách của nhà nước không được thực hiện một cách công bằng.

Cuối cùng, “bẻ cong pháp luật” là loại tham nhũng nhằm mục đích thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ cho quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Khái niệm “bẻ cong luật pháp” do Ngân hàng Thế giới đưa ra chủ yếu nhằm lý giải thực trạng đời sống chính trị ở các nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi.

Làm gì để ngăn chặn tham nhũng?

Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục. Tại hội nghị quốc tế chống tham nhũng lần thứ 14 vừa qua tại Bangkok, Thái Lan, Trưởng đoàn Việt Nam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng cũng cho rằng tham nhũng là chủ đề đang “nóng” và “nếu kiểm soát tốt quyền lực sẽ hạn chế được tham nhũng”.

Ở Việt Nam, tham nhũng đã trở thành một trong những vấn nạn lớn của nền kinh tế. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tham nhũng ở nước ta là “xây dựng nhà nước pháp quyền chưa triệt để”, pháp luật và thực thi pháp luật chưa nghiêm minh. Đất đai là lĩnh vực có nhiều tố cáo, khiếu kiện và cũng dễ xảy ra tham nhũng nhất. Nguyên do là vì chúng ta vẫn duy trì chế độ sở hữu đất đai toàn dân nên không thể tổ chức phòng chống tham nhũng hiệu quả. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. Theo nghiên cứu tại 160 nước, ở những nước không đảm bảo tốt các quyền của công dân thì có mức độ tham nhũng cao. Ở Indonesia, nghiên cứu về 36 cơ quan công quyền cho thấy, cơ quan nào tạo điều kiện cho người dân được lên tiếng nhiều hơn thì ít xảy ra tham nhũng hơn. Ở Bolivia, điều tra 46 cơ quan công quyền cho thấy nơi nào người dân có tiếng nói nhiều hơn thì ở đó người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công nhiều hơn.

Cơ chế tuyển dụng công khai, minh bạch, dựa trên tiêu chí năng lực, đạo đức cũng giúp giảm tham nhũng. Muốn kiểm soát tham nhũng tốt, không thể chỉ dựa trên các biện pháp kỹ thuật, mà điều quan trọng hơn là cần xây dựng một nền quản trị quốc gia lành mạnh, bao gồm: pháp quyền, nhất là sự độc lập của tòa án; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường sự giám sát của nghị viện; giám sát của xã hội, nhất là báo chí; chính sách kinh tế dựa trên cạnh tranh, tư nhân hóa và bớt kiểm soát; hệ thống tài chính minh bạch, với chế độ mua sắm công công khai và cơ quan kiểm toán mạnh; cải cách các cơ quan hải quan, thuế vụ… Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng khi nhiều người xem chuyện “bôi trơn” để được việc cho mình là bình thường, quan chức thì xem bổng lộc ngoài lương là một nguồn thu nhập “phải có”.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, các giải pháp phải tạo dựng cho được văn hóa KHÔNG MUỐN - KHÔNG DÁM - KHÔNG THỂ. “Không muốn” thuộc phạm trù đạo đức lối sống. Tuy nhiên, nó cũng cần được bổ trợ bởi môi trường dư luận xã hội và trên hết là một điều kiện vật chất khả dĩ để công chức có thể sống trong sạch. “Không dám” cần phải viện đến một môi trường pháp luật nghiêm minh, pháp chế mạnh, xã hội thượng tôn pháp luật, không ai đứng trên pháp luật. “Không thể” đòi hỏi phải tạo lập một nền hành chính “trong suốt” để mọi người có thể dễ dàng giám sát, tạo lập một công nghệ hành chính tiên tiến. Áp dụng nghiêm ngặt “công nghệ” đó, khi một khâu nào trong dây chuyền làm không đúng sẽ bị phát hiện và loại ra, đồng thời đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải minh bạch và có tính giải trình cao. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Nên thay đổi cách nhìn về hiện tượng phá sản
  • Phát hiện lạ: Tăng trưởng kinh tế không phục vụ con người
  • Ngôi nhà quản trị
  • Mốc son chói lọi của thời đại mới
  • Tư duy phê phán
  • Sinh tồn trong suy thoái – bài học từ cháy rừng
  • Toàn cầu hoá gặp thách thức
  • Giới làm chính sách Việt quên chiến lược, lo dự án
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com