Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xác với hồn

Minh họa: Khều

Nhìn tựa bài có thể có vị nghĩ bụng: dớ dẩn, bây giờ là tháng Chạp chứ có phải tháng Bảy đâu! Dạ không, tôi không dám đề cập đến cái đề tài linh thiêng ấy vào dịp này, mà chỉ dùng từ ngữ để làm cho rõ một vấn đề đã lôi kéo sự quan tâm của chúng ta khá nhiều trong năm qua. Đấy là tập đoàn kinh tế.

Một cái nhìn so sánh

Nếu so sánh cách thức mà tập đoàn kinh tế đã hình thành ở Mỹ từ năm 1890-1960 (tiêu biểu cho các nước phát triển) với ở Việt Nam (từ 1995 đến nay) ta thấy cả hai đều có sự tập trung hàng dọc hay hàng ngang. Ở ta, hàng dọc là tập đoàn Dầu khí và hàng ngang là tập đoàn Cao su. Đó là điều kiện vật chất, là “cái xác” để có tập đoàn.

Tuy nhiên, trong sự hình thành của hai bên thì có ba điểm khác nhau. Một, ở Mỹ việc tập trung được thúc đẩy bởi nhu cầu nội tại của một cơ sở. Một doanh nghiệp ăn nên làm ra, nó “cần phải chiếm lĩnh” doanh nghiệp khác để bảo đảm đầu vào và đầu ra, hầu gia tăng lợi tức. Nhu cầu ấy xuất phát từ tâm lý của chủ doanh nghiệp. Ở ta, tâm lý kia là của người đứng bên ngoài doanh nghiệp, của chính phủ; giám đốc doanh nghiệp - người ở trong doanh nghiệp - chưa hẳn đã muốn, nhưng người bổ nhiệm họ đứng bên ngoài đòi.

Hai, ở bên kia thì tập đoàn hình thành từ một doanh nghiệp lớn lên thành 10; còn ở ta là từ 10 gom lại một.

Ba, vì hai sự khác biệt trên, nên ở ta khi chính phủ cho làm thí điểm rồi quyết định thành lập tập đoàn thì, so với Mỹ, công ty mẹ và các công ty thành viên chưa có cách thức quản trị doanh nghiệp tạo nên sự hữu hiệu của tập đoàn. Ấy là việc quản trị doanh nghiệp một cách khoa học.

Quản trị khoa học, mà ở đây là trình độ 1 (QTKH1), giúp doanh nghiệp sản xuất được nhiều với giá thành rẻ, bằng cách lập nên một phương thức giúp doanh nghiệp kiểm soát được tính hữu hiệu trong hoạt động kinh doanh của chính nó; để rồi sau này khi chiếm lĩnh các công ty khác, nó cũng kiểm soát được sự hữu hiệu của các công ty kia. QTKH1 đã được hoàn thiện ở các nước phát triển vào cuối những năm 1970.

Cơ sở vật chất đi đôi với QTKH1 đã tạo nên sự thành công của các tập đoàn ở nước ngoài. Chúng dính kết với nhau như xác với hồn, để cái nọ nâng đỡ cái kia và kéo nhau đi lên. “Xác” là cơ sở vật chất của tập đoàn, “hồn” là khả năng quản trị kinh doanh. Ở ta, khi thí điểm lập tổng công ty rồi tập đoàn, chúng ta chỉ nhìn thấy “cái xác” của các tập đoàn trên thế giới; nằm dưới các hình thức như: keiretsu, chaebol, công ty mẹ con... mà không biết “cái hồn” của chúng! Thấy bề thế của tập đoàn, Chính phủ muốn các doanh nghiệp của mình cũng như thế và ra lệnh gom chúng lại để có quả đấm thép!

Tìm nguyên do

Vì QTKH1 đã hoàn tất từ những năm 1970 nên chúng ta không biết về nó; cũng chưa bao giờ nêu lên việc tìm hiểu nó. Do vậy, chúng ta không biết mình đã gom một nhóm cơ sở ô hợp về quản trị; giống như một đoàn ngựa mà có con gầy, con béo. Thực ra cũng khó lòng trách ai! Vì khi chúng ta mở cửa vào năm 1990, thì QTKH1 đã tiến lên các trình độ cao hơn. Nó đã giúp được doanh nghiệp sản xuất nhiều và rẻ; nên người ta chuyển sự quan tâm sang chất lượng sản phẩm; do đó quản trị được nâng lên thành quản trị chất lượng (ISO hay QTKH2) từ năm 1980; rồi lên quản trị tài lực của doanh nghiệp trên diện rộng từ năm 1990 (ERP hay QTKH3).

Sau 1995, sinh viên và chuyên gia của chúng ta mới ra nước ngoài nhiều. Trước khi đi, họ không có dịp để nhận ra là cách quản lý xí nghiệp ở ta còn mang tính thuận tiện, dựa trên cảm tính và hoàn toàn khác về tính chất với QTKH1. Ra đến ngoài họ được dạy QTKH 2, 3 và cao hơn; vì đó là những đề tài đang được dạy cho sinh viên ở đó. Họ tiếp thu tốt, đi về bèn đem cái hay, điều mới ra thi thố.

Không ít chủ doanh nghiệp khát khao đổi mới, nghe thấy quản trị chất lượng toàn diện (TQM) thì mừng lắm, thấy nó cần cho mình, hợp với khẩu hiệu “năng suất, chất lượng và hiệu quả”. Thế là họ mời “tư vấn” đến để “tái cấu trúc” doanh nghiệp và cả hai đều không biết mình “hổng chân”! Đã có phong trào ISO! Đẩy mạnh hơn nữa, có tư vấn khuyến khích các chủ doanh nghiệp cạnh tranh bằng... thương hiệu; vì ở bên kia người ta chú trọng cái đó, đòi hỏi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gay gắt. Thế là có phong trào thương hiệu! Trong khung cảnh “hổng chân” ấy, tập đoàn của chúng ta được lập thí điểm, được hình thành. Và nó chỉ có “xác” mà không có “hồn”! Các thông tin về quản trị ở Vinashin gần đây (về kinh doanh và tài chính) đã chứng tỏ điều này.

Thổi một cái hồn vào

Trong tình trạng hụt hẫng ấy, chúng ta đã bỏ nhiều thì giờ bàn về các vấn đề như: xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển các tập đoàn kinh tế; rà soát lại chiến lược phát triển của từng tập đoàn; thực hiện thường xuyên việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chủ chốt; đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại nguồn vốn, tiếp nhận doanh nghiệp thành viên... Đấy toàn là những vấn đề thuộc về “cái xác” của tập đoàn!

Không! Phải thổi một cái hồn vào. Lấy tập đoàn Dầu khí làm thí dụ. Nó đã là một tập đoàn hoàn chỉnh về mặt cơ sở vật chất. Thay vì thực hiện những việc được hô hào ở trên, mà từ một hội nghị khoa học, thì tập đoàn nên áp dụng càng sớm càng tốt QTKH1 để mỗi công ty tự kiểm soát được mình; rồi công ty mẹ biết các công ty con có hữu hiệu không. Khi quyết định chi tiền, mỗi doanh nghiệp biết tại sao chi, như thế họ đã có hướng đi. Mỗi cái có hướng phát triển thì tập đoàn có hướng! Ai định hướng đó? Thưa, đại diện của công ty mẹ ngồi tại mỗi công ty con theo bản điều lệ của công ty này. Được như thế nó sẽ là một tập đoàn hoạt động hữu hiệu.

Cứ bàn bạc mãi rồi đưa vào văn bản các vấn đề hô hào ở trên thì chúng sẽ trở thành “các vấn đề pháp lý”; nhưng đó chỉ là các biện pháp dành cho “cái xác”! Rất tiếc! “Cái hồn” của tập đoàn không thể giải quyết bằng các biện pháp đối với “cái xác” của nó!

Điều nên làm ngay là (i) tìm hiểu về QTKH1 và (ii) chuyển đổi cách quản lý hiện thời ở đa số các doanh nghiệp trong tập đoàn hiện nay sang QTKH1. Nó là công cụ kiểm soát từng doanh nghiệp chặt chẽ về tiền bạc, cơ chế và cơ cấu. Nó không phải là một cái gì bí mật mà có sẵn ở các công ty của các nước phát triển. Nó là một kỹ thuật, chứ không phải là một hoạt động văn hóa, để phải phân biệt “ta với tây”! Một khi đã kiểm soát chặt rồi thì việc quản lý của chủ sở hữu ở mỗi doanh nghiệp chỉ còn là ra quyết định kinh doanh cho đúng. Quản lý của chủ sở hữu đã hiệu nghiệm thì quản lý nhà nước đang giẫm chân sẽ... tiêu vong.

Làm như vậy được thì không cần luật cho cho tập đoàn nữa, cứ áp dụng nghiêm chỉnh các quy định với từng doanh nghiệp, bởi vì một tập đoàn là do, thí dụ 10 doanh nghiệp tập hợp với nhau về mặt vốn và quản lý. Làm gì có một cái nào nằm ngoài 10 doanh nghiệp kia để mà... điều chỉnh! Luật mà cần là cho giám đốc các công ty nằm trong tập đoàn. Luật cho người - hữu hình, chứ không phải cho tập đoàn - vô hình! Cái tựa bài nghe sờ sợ lúc đầu có kết luận như thế đấy ạ!

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Giám sát quyền lực công để phòng chống tham nhũng
  • Nên thay đổi cách nhìn về hiện tượng phá sản
  • Phát hiện lạ: Tăng trưởng kinh tế không phục vụ con người
  • Ngôi nhà quản trị
  • Mốc son chói lọi của thời đại mới
  • Tư duy phê phán
  • Sinh tồn trong suy thoái – bài học từ cháy rừng
  • Toàn cầu hoá gặp thách thức
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com