Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nên thay đổi cách nhìn về hiện tượng phá sản

(Minh họa: Khều)

Khi hiệu quả kinh tế của tập đoàn Vinashin được đưa ra mổ xẻ, nhiều người cho rằng thực chất doanh nghiệp này đã phá sản nhưng chủ sở hữu không tuyên bố phá sản. Có thể do chủ sở hữu e ngại từ “tuyên bố phá sản” nên không tiến hành các thủ tục phá sản mà ngầm hiểu đã “phá sản” để tiến hành các biện pháp tái cơ cấu.

Dù có tuyên bố hay không tuyên bố, một khi đã lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, công nợ dày đặc mà không thanh toán được, thì doanh nghiệp đó vẫn phá sản.

Vì sao e ngại phá sản trong doanh nghiệp nhà nước?

Khi một doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, chủ sở hữu có quyền tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản để mọi khoản nợ được ngừng trả, tạo cơ hội ổn định tình hình tài chính, giúp tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp.

Thậm chí, điều 15, điều 16 Luật Phá sản 2004 quy định rất rõ là, khi nhận thấy doanh nghiệp của mình lâm vào tình trạng phá sản thì chủ sở hữu có nghĩa vụ tiến hành thủ tục phá sản. Tuy nhiên, nghĩa vụ này thường không được chủ sở hữu thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Lý do mà cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương e ngại tuyên bố phá sản doanh nghiệp của mình thường vì lo ngại sự sụp đổ dây chuyền và thất nghiệp hàng loạt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội. Bên cạnh đó, do bệnh thành tích, các chủ sở hữu lo ngại nếu doanh nghiệp của mình bị coi là phá sản thì danh dự, uy tín bị ảnh hưởng, việc quản lý, điều hành yếu kém bị phơi bày.

Cách thức mà họ lựa chọn là không tuyên bố phá sản, tự mình tái cơ cấu bằng cách cấp vốn bổ sung, hoãn nợ hoặc xóa nợ, phân tách, sáp nhập, cho thuê, khoán… Hàng loạt hành động đó thực chất chính là sự can thiệp hành chính vào việc giải quyết tình trạng “phá sản” của doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Cần thay đổi cách nhìn

Phá sản là hiện tượng kinh tế bình thường, khách quan, phát sinh khi các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài và rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Phá sản hiện nay không chỉ là việc chấm dứt hoạt động, thu hồi toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và thanh toán cho các chủ nợ theo một thứ tự nhất định. Phá sản còn một khía cạnh đáng lưu ý là, tạo cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thỏa thuận với các chủ nợ, tái cấu trúc lại doanh nghiệp và lên kế hoạch trả nợ hợp lý để trở lại hoạt động bình thường.

Luật Phá sản hiện nay không chỉ đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ mà còn có mục tiêu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Khi Luật Phá sản 2004 được ban hành, đã xuất hiện các quy định ghi nhận tuyên bố phá sản là thủ tục nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tự tái tổ chức, phục hồi kinh doanh. Theo đó, từ biện pháp huy động vốn mới, thay đổi mặt hàng kinh doanh, đổi mới công nghệ sản xuất cho đến tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất đều được quy định rõ tại điều 68, Luật Phá sản 2004.

Tuyên bố phá sản chỉ là một trong vô số các biện pháp nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bởi thế, không nên hiểu sai lệch để rồi né tránh. Chỉ khi nhận thức như vậy, chúng ta mới sử dụng thủ tục tuyên bố phá sản được quy định tại Luật Phá sản 2004 như một công cụ để cứu vãn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Cần một hệ thống tư pháp đủ mạnh

Khi tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp làm ăn thua lỗ theo thủ tục được quy định tại Luật Phá sản 2004, các biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ được giám sát bởi tòa án và các chủ nợ. Tòa án sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ được phép chủ động xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Khi kế hoạch phục hồi kinh doanh được chủ nợ thông qua dưới sự giám sát của tòa án, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ được khôi phục lại vị trí pháp lý ban đầu, tiếp tục hoạt động bình thường.

Theo điều 78, Luật Phá sản 2004 thì tòa án chỉ ra quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khi đã áp dụng các biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn.

Các biện pháp phục hồi doanh nghiệp hiệu quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý tài sản của đội ngũ thẩm phán tại các tòa. Khi thủ tục phá sản được mở, thẩm phán sẽ là người trực tiếp giải quyết việc phá sản của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Từ việc triệu tập, chủ trì, điều hành các cuộc họp của chủ nợ, phê duyệt dự án tái cơ cấu, giám sát thực hiện, định giá tài sản cho đến xác định các tài sản nợ của doanh nghiệp, Luật Phá sản đều quy định đội ngũ thẩm phán phải thực hiện. Bởi thế, ngoài những yêu cầu về trình độ pháp lý, người thẩm phán còn phải có trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tài chính - kế toán.

Tái cơ cấu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng giống như một cuộc chữa bệnh của các bác sỹ đối với các bệnh nhân lâm bệnh nặng. Một khi hệ thống tư pháp chưa đủ mạnh để tiến hành chữa bệnh cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thì vẫn còn tình trạng can thiệp hành chính đối với căn bệnh mất khả năng thanh toán trong các doanh nghiệp nhà nước, và tình trạng doanh nghiệp “chết treo” khi mở thủ tục phá sản.

Do đó, bên cạnh việc thay đổi cách nhìn về hiện tượng phá sản để không e ngại với việc tuyên bố phá sản, cần nâng cao trình độ chuyên môn để có một đội ngũ thẩm phán chuyên xử lý các vụ việc phá sản. Khi có niềm tin vào năng lực của tòa án, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sẽ sử dụng trình tự phá sản như một cách thức để phục hồi kinh doanh. Chừng nào cơ hội phục hồi kinh doanh thông qua thủ tục phá sản còn thấp, thì người ta còn e ngại việc tuyên bố phá sản.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Phát hiện lạ: Tăng trưởng kinh tế không phục vụ con người
  • Ngôi nhà quản trị
  • Mốc son chói lọi của thời đại mới
  • Tư duy phê phán
  • Sinh tồn trong suy thoái – bài học từ cháy rừng
  • Toàn cầu hoá gặp thách thức
  • Giới làm chính sách Việt quên chiến lược, lo dự án
  • Think tanks và sự hưng vong của quốc gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com