Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Biến "nguy" thành "cơ"

Bản thân từ “nguy cơ" ẩn chứa triết lý: trong cái nguy còn chứa một thời cơ, bắt nguồn từ tư tưởng của Dịch học là “cùng tất biến, biến tất thông. Trong khó khăn hiện nay, Việt Nam cũng có thể biến nguy thành cơ, tìm cơ hội phát triển trong khủng hoảng kinh tế - Bài viết của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng.

Bài 1: Trong khủng hoảng, tìm ra cơ hội phát triển kinh tế

Trong nguy có cơ. Cả thế giới đang tìm cơ trong nguy.

Trong nguy có cơ

“Nguy cơ là một từ chỉ trạng thái nguy ngập có thể đưa đến diệt vong hay chấm dứt một trạng thái đã tồn tại ổn định, để chuyển qua một trạng thái mới, một tiến trình mới của một sự vật". Đối với ngôn ngữ Hán-Việt, từ “nguy cơ” còn ẩn chứa một triết lý là trong cái nguy còn chứa một thời cơ, bắt nguồn từ tư tưởng của Dịch học là “cùng tất biến, biến tất thông”.
 

Nếu ta biết biến nguy cơ trở thành thời cơ thì tận cùng của khó khăn sẽ mở ra cho ta một con đường mới bằng một trong hai hình thức. Đó là mạnh dạn vượt qua rào cản làm một cuộc cải tổ cơ bản, lột xác vươn lên như cuộc đổi mới 1986 của nước ta vừa qua. Hoặc là cứ để nguy cơ tiếp tục diễn tiến cuối cùng thì hủy thể để sinh ra thể mới.

Đương nhiên ai trong chúng ta đều muốn chọn thái độ tích cực của tình huống thứ nhất. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng cải cách nửa vời, không đúng hay không đủ tầm thì nó sẽ lọt vào tình huống hai là sẽ đưa đến hủy thể nhanh hơn. Do đó muốn biến nguy cơ thành thời cơ đòi hỏi một trí tuệ và quyết tâm rất cao.

Thế giới tìm cơ trong nguy

Về tình hình kinh tế chung của thế giới hết sức khó khăn, trong hai năm qua các nước phải gánh chịu tình trạng giá dầu gia tăng làm cho các loại giá nguyên liệu đều tăng theo làm đảo lộn giá cả sản phẩm trên thị trường thế giới. Tiếp theo đó thì nước trụ cột của nền kinh tế thị trường thế giới là nước Mỹ lại nổ ra sự kiện phá sản của tập đoàn ngân hàng tín dụng nhà Fannie Mae, Freddie Mac kéo theo hàng loạt công ty tài chính, ngân hàng liên quan như AIG, Lehman Brothers, Merrill Lynch… Một lỗ hổng lớn trong chính sách và thị trường tài chính Mỹ bị phanh phui.

Những tập đoàn công ty đầy uy tín trước đây bị gẫy đổ, bởi nguyên nhân những sản phẩm tài chính do họ chế biến ra đã tung lên thị trường thế giới, phẩn lớn là sản phẩm kém phẩm chất hay ảo, nay đã nhanh chóng mất giá làm cho các công ty tài chính hay ngân hàng của các nước nào đã mua những sản phẩm đó điều bị vạ lây. Từ đó gây nên sự khủng hoảng trên qui mô toàn cầu (như Bradford & Bingley, Fortis, Hypo Real Estate của Châu Âu, Yamato Life Insurance của Nhật…)
 

Biết biến nguy cơ trở thành thời cơ thì tận cùng của
khó khăn sẽ mở ra cho ta một con đường mới.

Để giải quyết tình trạng này, Mỹ đã đưa ra hàng loạt biện pháp tài chính tín dụng để cứu nguy, trong đó nổi cộm là Chính phủ đưa ra 700 tỷ đôla Mỹ để cứu thị trường. chính phủ mua lại các tổ chức tín dụng, các khoảng nợ khó đòi… của các ngân hàng quan trọng liên quan có thể đưa đến sự khủng hoảng dây chuyền tiếp theo, nhằm ngăn chận sự sụp đổ lây lan nguy hiểm hơn.
 

Trong khi đó, các nước khối EU, Nhật Bản… đều đồng loạt hạ lãi suất tín dụng để chống đỡ cuộc khủng hoảng.

Riêng Trung Quốc, một nước chưa mở cửa thị trường tài chính như các nước đã phát triển, đồng nhân tệ chưa tự do hoán đổi, hơn nữa Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (gần 2000 tỷ) nên ít bị cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp.

Tuy nhiên do nền kinh tế Trung Quốc với một tỷ trọng lệ thuộc xuất khẩu khá lớn, nên hàng chục ngàn xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu ở khắp nơi đang mất thị trường, tình trạng phá sản đang diễn ra, công nhân mất việc đổ về nông thôn, tăng trưởng của nền kinh tế có thể bị chậm lại. Tình cảnh cũng vô cùng khó khăn.
 

Để chống đỡ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên Trung Quốc đưa ra một loại chính sách mới để kích thích nội tiêu, mở rộng thị trường trong nước để thay thế sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu bằng cách:

- Ban hành luật đất đai mới cho phép nông dân được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trước đây chỉ được thuê sử dụng tối đa 70 năm). Như vậy trên 65% dân số Trung quốc (nông dân) có được một tài sản riêng bằng giá trị của thửa đất họ đang sử dụng. Điều này làm cho sức mua của nông dân tăng lên, một nguồn vốn khổng lồ được đưa vào nền kinh tế.

- Nhà nước chi ra 40 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương 585 tỷ đôla) để đầu tư vào 10 lãnh vực kinh tế xã hội trong đó gồm xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sắt, đường xa lộ cao tốc, sân bay, bến cảng, thực hiện các chương trình cải thiện môi trường, đẩy nhanh công việc tái thiết các nơi bị thiên tai, động đất, thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội nhằm tăng thu nhập và tăng phúc lợi cho nông dân, nông thôn...
 

Ngoài ra, trên bình diện toàn cầu, các nước đã và đang phát triển có vị thế kinh tế quan trọng trong top 20 đang hưởng ứng nước Mỹ cùng ngồi lại với nhau bàn bạc để cùng nhau liên kết giải quyết bài toán khủng hoảng trên.

Cuộc họp diễn ra, trong đó đa số các nước đều muốn biến nguy cơ trên thành thời cơ của mình. Rõ ràng đây là cuộc hợp định lại luật chơi cho thế kỷ 21. Nhiều nước cho rằng khủng hoảng trên là do luật chơi của thế kỷ 20 không còn phù hợp cho nền kinh tế thế kỷ 21.

Cơ của Việt Nam nằm ở đâu?

Trước sự diễn biến của thế giới và những đối sách của các nước như đã lược nêu ở trên chúng ta cũng nên xem lại tình hình kinh tế của nước ta ra sao, chúng ta thử tìm đâu là cơ hội cho ta trong trạng thái nguy cơ hiện nay.
 

Tình hình phát triển kinh tế của nước ta trong hơn hai mươi năm qua, nếu so với thời kỳ bao cấp thì quả là một bước phát triển dài. Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm đứng đầu thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu các nước Đông Nam Á. Doanh số xuất nhập khẩu hàng năm chiếm khoảng 60% GDP, điều này nói lên sự hội nhập của nền kinh tế nước ta đối với nền kinh tế thế giới vô cùng cao (nghĩa là tính lệ thuộc vô cùng cao).
 

Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa chưa vững chắc. Lao động trong khu vực nông nghiệp còn trên 60%, lao động trong khu vực công nghiệp phần lớn là lao động giản đơn hay kỹ thuật thấp, và chủ yếu năm trong các ngành nghề gia công may mặc, giày da, gia công đồ mộc, thủy hải sản sơ chế… Những ngành công nghệ cao như điện tử, sản phẩm phẩn mềm vi tính… chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu xuất khẩu. Khi có một vài tập đoàn lớn đầu tư với qui mô lớn cần nhiều lao động có kỹ thuật thì chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu.

(Ảnh: VnEconomy)

Điều tệ hại nhất là sản phẩm sản xuất ra thường có giá thành cao, không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong đó nguyên nhân nặng nề nhất là yếu tố chi phí phi kinh tế trong cơ cấu giá sản phẩm quá cao, điều này nói lên cơ chế quản lý kinh tế cũng như quản lý hành chính trở thành lực cản tạo nên gánh nặng cho giá thành sản phẩm của nền sản xuất nước ta. Từ đó nền tảng của khu vực công nghiệp nói chung hay công nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu trong nước nói riêng chưa có vững chắc.
 

Chúng ta chưa hình thành được chuỗi sản xuất giá trị gia tăng từ khâu nguyên liệu ban đầu đến khâu sản phẩm hàng hóa tiêu dung cuối cùng. Do đó doanh số thì tăng nhưng hiệu quả kinh tế thì kém. Hệ quả là trong suốt mấy chục năm qua ta thường nhập siêu, nên dự trữ ngoại tế thấp không đủ sức chống đỡ những cuộc khủng hoảng tài chính gây ra từ bên trong lẫn bên ngoài.
 

Ngoài ra, từ đầu năm ta bị tác động bởi giá dầu thế giới, nhiều công trình đầu tư lớn trong nước chậm đưa vào sử dụng, lạm phát phát sinh, thị trường bất động sản bị đầu cơ và sau đó bị đóng băng, tín dụng bị cắt, sản phẩm bất động sản phẩn lớn là bán thành phẩm nên không tiêu thụ được.

Còn thị trường chứng khoán sau cơn sốt từ đỉnh tuộc xuống đáy làm cho các đại gia kinh doanh “thời cuộc” đi tắt đón đầu, phần lớn đều bị nạn làm cho cái bình liên thông giữa thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng đều trong tình trạng bất động chờ… sự cứu rỗi. Trong khi đó sức mua của xã hội xuống thấp, nhất là khu vực nông dân.

Đối với cuộc khủng hoảng thế giới, chúng ta ít bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng ảnh hưởng gián tiếp thì khá nặng nề. Do đó ta cẩn phải có một phương án đối phó trước mắt và kèm theo một kế hoạch cải cách cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện một chiến lược phát triển kinh tế bền vững lâu dài. Nếu làm được thì đó là ta biến nguy cơ thành thời cơ! Điều này thiết nghĩ các nhà lãnh đạo, các nhà kinh tế quan tâm đến đất nước đều phải suy nghĩ đến.
 

Đương nhiên mọi kế hoạch đều phải bắt đầu bằng tiền, bắt đầu bằng một nơi khả thi nhất (một vùng kinh tế có tiềm năng) và kèm theo một chính sách đủ mạnh để thực thi kế hoạch đề ra. Nếu bước đầu có kết quả tốt, ta có thể triển khai trên toàn quốc.

Bài viết tiếp theo sẽ đưa ra ba đề xuất: Chương trình ngắn hạn trong hai năm; Kích cầu thông qua tái cấu trúc kinh tế; Chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.

 

(Theo báo VietNamNet)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Cái kẹo và 30 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc
  • Giáo dục ở Trung Quốc trong cải cách mở cửa
  • Những trở ngại đối với giấc mơ Trung Hoa
  • 30 năm cải cách Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
  • 30 năm cải cách TQ nhìn từ thay đổi về xe cộ
  • Cơ sở lý thuyết của việc đảm bảo chất lượng
  • Luận điệu của những kẻ hoài nghi
  • Doanh nghiệp phải biết định vị mình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com