Bài viết của đặc phái viên nhật báo Italia La Repubblica tại Bắc Kinh Federico Rampini nhân kỉ niệm 30 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành những cải cách lớn sau cuộc Đại cách mạng văn hóa. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc như một tư liệu để tham chiếu.
Họ đã cưới nhau vào một ngày lịch sử
Không có ai chụp ảnh, cũng không có bộ trang phục cưới nào. Wang nói: “Với mức lương 30 NDT một tháng, lễ cưới của chúng tôi hầu như chẳng có gì. Tiệc cưới chỉ là những cái kẹo ngọt phát cho người đến chia vui. Để có một chiếc giường cho đêm tân hôn, chúng tôi thậm chí còn phải mượn một chiếc băng ca của bệnh viện”.
Thế còn giấc mơ của đôi vợ chồng trẻ? Yang trả lời: “Đấy chỉ là một giấc mơ hết sức giản dị: mua được chiếc xe đạp, một nồi nấu cơm, một cái đồng hồ trông sang sang một tí và một đài bán dẫn”. Đấy là những giấc mơ một ngày cuối năm của 30 năm trước.
Cả Wang lẫn Yang đều không thể biết được rằng vào ngày cưới của họ, trong một căn phòng rộng lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc, một quyết định lịch sử sẽ thay đổi cuộc đời của họ, tương lai cũng như giấc mơ của họ, cho phép con cái và cháu chắt của họ một nước Trung Quốc mà lúc ấy không ai có thể nhận ra.
Ngày ấy là 18/12/1978, trong một phiên họp của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một nghị quyết mà không ai lúc đó tin ông sẽ làm được. Đấy là một cải cách mà bề ngoài xem ra có vẻ mang tính khiêm tốn, như cách nói của Đặng Tiểu Bình, nhưng nó đã làm thay đổi hoàn toàn Trung Quốc: cải cách ấy áp dụng một chế độ “trách nhiệm” khi cho phép nông dân được hưởng theo năng suất lao động của cá nhân họ.
Đấy là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng phản lại Đại cách mạng văn hóa, xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa bình quân của Mao Trạch Đông, gieo những mầm mống đầu tiên của nền kinh tế thị trường, thổi một luồng gió mới đầy phấn khích vào nông thôn Trung Quốc, người khổng lồ đang ngủ say của Thế giới thứ ba.
Virus lợi tức đã nhanh chóng lây lan giữa hàng trăm triệu nông dân và chỉ trong vòng vài năm, đã tạo ra một sản lượng nông nghiệp trước nay chưa từng thấy. Từ đó, Đặng Tiểu Bình áp dụng thêm những thử nghiệm mới mang ý nghĩa quan trọng hơn, tạo ra những “đặc khu kinh tế” trong tỉnh Quảng Đông - cánh cửa mở ra cho đầu tư nước ngoài. Bắc Kinh cũng không hề ngăn cản những nhà tư bản gốc Hoa từ Đài Loan hay Hồng Kông xuất hiện trong những đặc khu kinh tế mở.
Từ Hội nghị đảng cộng sản 30 năm trước ấy, hàng loạt những sự kiện xảy ra đã làm thay đổi số phận của hơn một tỉ con người, đồng thời cũng tác động sâu sắc vào tiến trình lịch sử thế giới, gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Nhưng cuộc chơi lớn của Trung Quốc ấy nay đang có nguy cơ trở thành một trò đùa trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày quyết định mang tính cách mạng được thông qua.
Hoà nhập vào nền tư bản toàn cầu: Phải trả giá đắt?
Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 diễn ra hoành tráng |
Trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh đang đau đầu đối phó với sự kiện lớn thứ 2 đang tác động nghiêm trọng lên đất nước của họ sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008 mà họ đã đăng cai thành công hồi tháng 8: cuộc đại khủng hoảng kinh tế và tài chính trên toàn cầu. Lễ kỷ niệm 30 năm trùng vào hoàn cảnh ấy không khỏi gợi lên những lo âu và suy nghĩ của cả một dân tộc: hội nhập vào nền tư bản toàn cầu phải trả một giá đắt như thế nào?
Đối với một quốc gia lớn không hề có trong suy nghĩ cũng như trải nghiệm của mình những tác động kinh khủng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 do hồi đó nền kinh tế Trung Quốc còn hết sức lạc hậu, sau đó lại còn áp dụng chế độ tự cô lập dưới thời Mao, cú sốc suy thoái 2008 là một đòn nặng nề giáng vào chu kì phát triển kinh tế thịnh vượng của họ.
Những suy nghĩ về cuộc cách mạng 30 năm trước giờ đây được hướng theo một hướng hoàn toàn khác, bởi nỗi lo ngại về sự sụp đổ của nền kinh tế phát triển quá nóng này. Đang tồn tại những quan điểm trong thanh niên về việc hỏi lại những kinh nghiệm quá khứ của cha mẹ họ cách đây 30 năm.
Y Manxiang năm nay 58 tuổi, là một y tá của bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải. Con gái của Yu tròn 2 tuổi trước khi những cải cách của Đặng Tiểu Bình được đưa ra. Y nói: “Vào năm 1978, chúng tôi vẫn còn áp dụng chế độ phân phối về lương thực. Mỗi tháng tôi được một cân trứng, nhưng không hề có trứng cho con gái tôi. Việc mỗi ngày có một chai sữa cho nó cũng chấm dứt khi nó tròn một tuổi.
Chúng tôi phải sống trong một khu tập thể cùng với rất nhiều gia đình và phải chung đủ thứ, từ nhà tắm đến nhà vệ sinh. Mỗi sáng dậy, chúng tôi cùng phải tổng vệ sinh. Ngay cả việc lấy nước cũng phải xếp hàng”. Con Zhou Zhuxin của bà đã lấy chồng vào đúng vào ngày kỉ niệm 28 năm ngày cưới của cha mẹ.
Tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông. Ảnh: đám cưới |
Tiệc cưới được tổ chức hết sức hoành tráng, xe cưới là xe hạng sang nhất trong thành phố, phòng tân hôn được thuê trong một khách sạn 5 sao, với dàn nhạc chơi những bài mùi mẫn nhất, và có một người quay phim chuyên nghiệp quay lại lễ cưới để in đĩa DVD phát cho những ai đến dự.
Đôi vợ chồng trẻ là những người có học vấn cao, đang làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, đã mua được một căn hộ sang trọng rộng 150m2 mà thời cha mẹ họ phải chứa được 5 gia đình. Bà mẹ của cô dâu nói một cách xúc động: “Thời trẻ, chúng tôi chẳng bao giờ tưởng tượng được điều này. Ngay cả những cải cách mà Đặng Tiểu Bình đưa ra 30 năm trước cũng nằm trong giấc mơ của chúng tôi. Có phải những cải cách ấy là dành cho lũ trẻ ngày hôm nay?”
Xue Dyeu năm nay 64 tuổi. Vào năm 1978, bà làm việc trong một nhà máy dược phẩm của Thượng Hải, với mức lương 40 NDT một tháng (tương đương 4 Euro bây giờ. Bà nhớ lại về mùa đông ấy: “Khi Tết Nguyên đán đến gần, chúng tôi phải chuẩn bị mua lương thực tích trữ vài tuần trước đó.
Những ai đi chợ muộn chỉ có thể ra về tay không. Thế nên xuất hiện những hàng người xếp hàng rất dài trước các chợ quốc doanh, từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt. Họ xô đẩy, tranh cãi, đánh nhau. Cái lạnh của mùa đông càng làm cho tình hình trở nên thê thảm”.
Từ đó cho đến về sau, cuộc đời ông là một ví dụ tiêu biểu về việc người dân Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng đến thế nào. Năm 1984, Xue lập gia đình và chồng bà được thăng chức quản lý do những thành công của ông trong quá trình nghiên cứu (trong những năm Cách mạng văn hóa, những trí thức như ông bị đưa ra đấu tố). Năm ấy, họ mua chiếc tivi đen trắng đầu tiên. Năm 1992, họ lắp điện thoại và ông chồng mua xe máy.
Đó là một câu chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai trên đất Trung Quốc. Nó có thể được nhân lên hàng trăm triệu lần trong 30 năm qua. Cái thời mà Trung Quốc được ví như một “thế giới xe đạp” đã được thay thế bởi những đại đô thị như Thượng Hải, thủ đô của một thị trường tiêu thụ xe ô tô lên tới 15 triệu chiếc.
Cú sốc đầu tiên: Bóng đen suy thoái ập xuống
Từ Đại hội đảng năm 1978 ấy, trong ba thập kỉ, quốc gia đông dân nhất trên thế giới đã đi những bước thần kỳ, với tốc độ phát triển kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử loài người, 9%/ năm. Thu nhập đầu người được tăng lên nhanh chóng. 300 triệu người thoát khỏi diện đói nghèo và có cơ hội tiếp cận với cuộc sống hiện đại.
Trung Quốc đã sản sinh ra tầng lớp trung lưu đông đảo nhất thế giới, đông hơn cả dân số Mỹ, đẻ ra cái gọi là “chủ nghĩa tư bản tự kiểm soát” hay “tư bản đỏ”, một định nghĩa nói lên quá hợp lí về những gì xảy ra ở đất nước của Vạn Lý Trường Thành. Bây giờ, không ai khi cưới phải trình thẻ đảng viên và không ai lại không có hộ chiếu để đi du lịch nước ngoài. Sự năng động, tốc độ thay đổi, niềm tin tưởng vào tương lai là những điều khiến người Trung Quốc nằm trong số những người lạc quan nhất thế giới. Điều đó được thể hiện hết sức rõ ràng trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trong những năm vừa qua.
Sự thăng tiến chóng mặt của Trung Quốc đã nâng họ, từ chỗ chỉ chiếm 1% GDP trên toàn thế giới (một người lùn trên thế giới trong thời của Đặng Tiểu Bình), thành một nước có thể thách thức ngôi vị GDP cao nhất thế giới của Mỹ. Nhưng nay, quá trình phát triển ấy đã đụng phải những sự cố lớn đầu tiên. Bóng đen suy thoái có thể được nhìn thấy trên khắp đất nước Trung Hoa, trên khuôn mặt của 1,3 tỷ dân nước này.
Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông, chính là nơi Đặng Tiểu Bình đã khai trương những “đặc khu kinh tế đầu tiên” 30 năm trước, một nhà máy sản xuất đồ chơi thuộc loại lớn nhất thế giới với 76 nghìn công nhân đã bị đóng cửa và phá sản. Vụ đóng cửa ấy đã gây xôn xao dư luận, vì nó nằm ở ngay cửa ngõ đâm ra Thâm Quyến và Hồng Kông, những vùng giàu có khác của Trung Quốc, khiến tất cả lo ngại về một làn song sụp đổ dây chuyền đối với những cơ sở chuyên xuất khẩu sang Phương Tây ở khu vực này.
Tốc độ lan truyền của khủng hoảng khiến tất cả ngạc nhiên. Vào đầu năm nay, Trung Quốc vẫn còn là vương quốc của Airbus và Boeing, với làn sóng du lịch đổ vào quốc gia và từ đây ra nước ngoài làm bùng nổ lượng vận chuyển.
Thế mà mới đây, chính phủ vừa ra lệnh buộc tất cả các công ty hàng không hủy bỏ ngay đơn đặt hàng mua máy bay mới. Từ ngành công nghiệp sản xuất ô tô cho đến điện tử, từ xi măng cho đến sắt thép, tất cả đều bị sốc. Số lượng đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ giảm sút đã tác động trực tiếp lên người tiêu dùng Trung Quốc, khi họ sợ rằng chính họ cũng đang mất sức mua nghiêm trọng.
Một ví dụ tiêu biểu có thể được nhìn thấy trên những con tàu chở khách của ngành đường sắt. Trưởng ga Hồ Nam nói: “Mỗi ngày có hàng đoàn tàu chở những người công nhân vừa bị sa thải ở các nhà máy và họ lại lên những con tàu để trở về quê, nơi họ đã bỏ đó để lên thành thị”.
Đấy là sự bắt đầu của một cuộc “hồi hương” lớn trong lịch sử Trung Quốc? Một quan chức giấu tên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bình luận: “Quỹ phúc lợi xã hội lớn nhất của chúng tôi là nông nghiệp. Ai mất việc thì sẽ quay lại đó để làm việc trên những mảnh đất mà họ đã từ bỏ trước kia”.
Giấc mơ Trung Hoa đã kết thúc với nạn nhân của suy thoái?
Đối với những người công nhân phải trở về quê quán cũ, giấc mơ |
Đối với những người trở về quê quán cũ, giấc mơ Trung Hoa của họ như thế là đã kết thúc. Họ là nạn nhân của một cuộc suy giảm phát triển đầu tiên sau nhiều năm. Chính quyền Bắc Kinh thừa nhận điều này: từ mức tăng trưởng kỷ lục 11,7% năm 2007 xuống chưa đầy 6% trong năm 2009, sẽ có không dưới 20 triệu người lao động mất việc, dẫn đến những biến động xã hội không thể lường trước được về mức độ tiêu cực.
Cũng như năm 1929, khi những hậu quả kinh khủng đã xảy ra với các nước phương Tây, sự suy thoái kinh tế đã kèm theo những bê bối lớn gây chấn động xã hội trong thời điểm đại họa. Huang Guangyu, người sáng lập ra đế chế điện tử Gome, một trong số 10 tỉ phú Trung Quốc, đã bị bắt sau những cáo buộc về việc “làm xiếc” với tài chính của ông.
Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nghề duy nhất đang gặt hái những thành công mà không ai ngờ tới chính là tư vấn tâm lý. Việc thổ lộ cho ai đó những mắc mớ của bản thân là điều không giống với truyền thống Trung Quốc.
Nhưng nỗi lo sợ về một cuộc đại khủng hoảng đã tác động nghiêm trọng lên tất cả, không trừ một ai. Tại Bắc Kinh, nhiều người tin rằng cuộc cách mạng vĩ đại của Đặng Tiểu Bình, vĩ đại không kém cuộc cách mạng của Mao, dường như đã đóng lại quá trình vinh quang của mình vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày cải cách bắt đầu.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng này “chính là một thử thách lớn lao đối với Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc”. Đấy là một lời lẽ khác thường, khẳng định sự thiếu chắc chắn của một chế độ đã mạnh dạn áp dụng những thử nghiệm tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ 20.
Hiện tại, Hồ Cẩm Đào không xét lại quyết định lịch sử của Đặng Tiểu Bình năm 1978, nhưng trong một bộ phận những người có tư tưởng bảo thủ của đảng cũng như một phần quần chúng, người ta đang tìm cách lập nên một Vạn Lí Trường Thành mới của tư tưởng Trung Hoa cũ, đổ lỗi cho Mỹ là người đã âm mưu gây ra cuộc khủng hoảng ấy, đòi áp đặt lại chế độ bảo hộ và đóng cửa để chống lại những “điều tệ hại” của phương Tây. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng đang làm tan vỡ giấc mơ đổi mới vốn đã đoàn kết cả một dân tộc và bắt đầu tạo ra những làn sóng ngầm nguy hiểm trong xã hội, không ai biết điều gì có thể xảy ra sau này”.
(Theo báo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com