Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

30 năm cải cách TQ nhìn từ thay đổi về xe cộ

30 năm trước, người TQ chủ yếu đi lại bằng xe đạp, xe buýt... Xe hơi cá nhân là điều mà thậm chí không ai dám nghĩ tới. Sau 30 năm, ở các thành phố phát triển, những chiếc xe hơi sang trọng nối đuôi nhau trên phố. Nhìn cảnh tượng ấy, người ta cảm nhận rõ nét những thành quả ngọt ngào mà công cuộc cải cách kinh tế đã đem lại.
Ngày này 30 năm về trước (18/12/1978), Hội nghị TW 3 khóa XI của TQ quyết định tiến hành cải cách mở cửa. Từ đó đến nay, Trung Quố đã tiến rất nhanh. Người ta sẽ cảm nhận rõ điều này khi đi trên những con đường nhộn nhịp của Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến hay bất cứ thành phố phát triển nào ở TQ: Từ một nước mà xe đạp là phương tiện GT chủ yếu, tới khi thành nước tiêu thụ xe hơi lớn thứ hai thế giới, rõ ràng là một bước tiến quá dài.

Tự hào xe đạp

 Trung Quốc là nước sản xuất và sử dụng xe đạp nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Xe đạp có một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Trung Quốc. Không chỉ là phương tiện đi lại, kể từ khi xuất hiện cho đến nay, xe đạp được xem như người mai mối, là người bạn, là sự nghiệp và là tác phẩm nghệ thuật.
 

Những năm 70 của thế kỷ trước, xe đạp là sản phẩm công nghiệp khó kiếm và được xem là báu vật trong mỗi gia đình. Khi ấy, trên đường phố rất ít xe máy; xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu của một gia đình Trung Quốc. Để ngồi xe buýt, họ phải đi bộ rất xa ra các bến đợi. Còn để di chuyển một hành trình dài, thông thường hành khách sẽ phải đổi xe 2-3 lần. Máy bay thì là cái gì đó xa vời, không mảy may xuất hiện trong suy nghĩ của hầu hết dân thường.

Không ai biết chính xác chiếc xe đạp đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc là vào thời điểm nào. Nhưng vết tích của những chiếc lốp xe đạp đã có ở Tử Cấm Thành từ cuối triều Thanh.

Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của triều nhà Thanh, rất thích xe đạp. Ông thường ra lệnh cho binh lính phải mở các cánh cổng trong cung để có thể thoải mái đạp xe đi khắp cung thành mà không phải vướng bận gì.

Khi ấy, xe đạp rất hiếm và chỉ những người có thế lực và tiền bạc mới có thể sở hữu một chiếc xe đạp.





Thủ tục mua xe đạp khó khăn và giá bán của phương tiện này cũng rất đắt. Với nhiều gia đình bình thường, mua xe đạp là cả một quyết định trọng đại, mua xe đạp cần phải có phiếu. Mỗi đơn vị công tác nhiều nhất cũng chỉ có thể phân hơn 10 phiếu mua xe đạp trong một năm, và cũng vì lý do ấy nên số người có thể may mắn sở hữu được chiếc xe đạp là không nhiều.

Bất chấp giá cao và rất khó để có thể sở hữu một chiếc xe đạp, khi ấy người dân Trung Quốc vẫn yêu thích phương tiện giao thông này. Xe đạp nhanh chóng xuất hiện ở khắp mọi ngõ ngách, nẻo đường Trung Quốc.

Mặc dù xe đạp được phát minh tại châu Âu, nhưng nó lại hết sức phổ biến và phát triển rầm rộ tại Trung Quốc trong thế kỷ 20. Khi nhắc đến những thương hiệu xe đạp nổi tiếng ở quốc gia này, người dân sẽ không ngần ngừ nói ngay cho bạn ba cái tên mà không cần phải suy nghĩ gì. Đó là: Flying Pigeon, Phoenix (Phượng Hoàng) và Forever. Hai trong số ba nhà máy sản xuất là Phoenix và Forever có trụ sở tại Thượng Hải.
 

Sở hữu một chiếc Forever ngày trước chẳng khác nào Mercedes, còn đạp chiếc Phượng Hoàng ai cũng có thể tự hào như đang lái Toyota Crown hiện nay vậy.

Theo thống kê, năm 1980, Trung Quốc có khoảng 100 triệu xe đạp, đến năm 1990, con số này đã tăng gấp 3 lần và 10 năm sau đó, quốc gia này có khoảng 900 triệu xe đạp. Ngày nay, xe đạp không còn là một phương tiện ngoài tầm với của các gia đình có thu nhập thấp hay trung bình. Nó đã trở thành vật dụng quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của người Trung Quốc.

Xe máy thay đổi nhịp sống của người dân

Cho đến những năm 70, xe đạp vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người Trung Quốc. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, xe máy mới dần góp mặt trên đường phố và trở thành biểu tượng cho sự giàu có của một gia đình. 30 năm qua, Trung Quốc đã sản xuất hơn 227 triệu xe máy. Sự phát triển của ngành công nghiệp xe máy Trung Quốc cũng như công cuộc cải cách mở cửa của quốc gia này - không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
 

Người Trung Quốc vốn rất yêu thích xe đạp.
(Ảnh nguồn: anniebees.com)

Bất cứ ai điều khiển xe máy chạy qua các con phố, những ngõ nhỏ ngóc ngách sẽ thu hút được vô số ánh mắt nhìn theo. Kể từ khi xe máy xuất hiện, phương thức đi lại của người Trung Quốc có bước thay đổi lớn lao, tốc độ di chuyển nhanh hơn, đường phố tấp nập hơn và nhịp sống cũng gấp gáp hơn nhiều. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xe máy trở thành một đồ vật dễ tìm thấy trong các gia đình.
 

Thế nhưng, giống như một câu chuyện có khởi đầu và kết thúc, sau hơn 20 năm kể từ ngày người Trung Quốc có thêm một phương tiện đi lại mới, những chiếc xe máy đang dần vắng bóng.
 

Ngày nay, ở nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, lệnh cấm xe máy đã được thực thi. Không còn bóng dáng của những chiếc động cơ hai bánh chạy vèo vèo trên phố, chen chúc lẫn những xe đạp, xe buýt và xe hơi cá nhân. Sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng hiện đại và tiện lợi đã đủ sức đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân tại các thành phố phát triển.
 

Dòng người đi lại tấp nập trên các con phố đi bộ, những bến xe buýt đông người, những chuyến tàu điện ngầm kín chỗ và dòng xe hơi nườm nượp trên các con đường rộng thênh thang là hình ảnh không khó bắt gặp ở các thành phố đã và đang phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự tồn tại của chiếc xe máy từng một thời là biểu tưởng của sự giàu có, sung túc không còn mang nhiều ý nghĩa.

Hào nhoáng những chiếc xe hơi đắt tiền

Quá trình cải cách và mở cửa kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đã mang lại những biến đổi sâu sắc trong cuộc sống của người dân. Một trong những thay đổi cơ bản có thể nhận thấy rõ ràng là sự xuất hiện các phương tiện giao thông hiện đại hơn trong các hộ gia đình. Đối với tầng lớp trung lưu và thượng lựu tại Trung Quốc hiện nay, khi nghĩ đến việc lựa chọn phương tiện di chuyển, xe đạp không còn là lựa chọn số một.
 

Bắc Kinh ngày nay. (Ảnh nguồn: wikimedia.org)

Khi những chiếc xe máy trở nên thân thuộc với các gia đình vào cuối những năm 80, đó cũng là khúc dạo đầu cho trào lưu xe hơi ở Trung Quốc. Năm 1978, tính trung bình 1.000 người Trung Quốc chỉ sở hữu 0,5 chiếc xe hơi, đứng thứ 140 trên thế giới. Nhưng 30 năm sau đó, quốc gia này đã nhanh chóng trở thành nước tiêu thụ xe hơi lớn thứ hai trên thế giới và lớn thứ ba về sản xuất xe hơi.
 

Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy, khi cuộc sống của người dân Trung Quốc có nhiều chuyển biến đáng kế, những chiếc ôtô dần chiếm lĩnh vị trí trang trọng trong các gia đình. Chiếc xe thậm chí đã thay đổi cả lối sống của họ. Giờ đây, vào dịp cuối tuần, những gia đình khá giả đã có thể tự lái xe đến các vùng ngoại ô để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
 

Và nếu như trước kia, xe đạp được dùng để đón dâu trong đám cưới thì giờ đây, xe hơi đẹp và sang trọng, được kết hoa là sự lựa chọn số 1 và gần như là duy nhất.

30 năm trước, người Trung Quốc chủ yếu đi lại bằng những chiếc xe đạp có màu sắc đơn điệu, xe buýt công cộng chỉ có một số lượng ít ỏi. Xe hơi cá nhân là điều mà thậm chí không ai dám nghĩ tới. Sau 30 năm, các phương tiện giao thông của Trung Quốc đã phong phú hơn rất nhiều. Ở các thành phố phát triển, những chiếc xe hơi sang trọng nối đuôi nhau trên đường phố.


Nhìn cảnh tượng ấy, người Trung Quốc không thể nào quên được những khó khăn, vất vả của cuộc sống bần hàn một thời đã qua, và hơn lúc nào hết, họ cảm nhận được những thành quả ngọt ngào mà công cuộc cải cách kinh tế đã đem lại cho cuộc sống của mình.

 

(Theo báo VietNamNet)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • 30 năm cải cách Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
  • Cơ sở lý thuyết của việc đảm bảo chất lượng
  • Luận điệu của những kẻ hoài nghi
  • Doanh nghiệp phải biết định vị mình
  • Còn nhiều mâu thuẫn
  • Để người Việt dùng hàng Việt: Phải từ doanh nghiệp
  • Chờ nghiên cứu thông lệ quốc tế?
  • Tái cấu trúc : DN cần sớm vào cuộc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com