Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ 1: “Những thành phố Thế kỷ mới”

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tri thức, trong đó ưu tiên xây dựng các công viên khoa học tiện nghi và rộng lớn. Từ châu Á, châu Âu đến Mỹ La-tinh, các “thánh địa công nghệ cao” đang mọc lên khắp nơi với qui mô lớn như thể không bị ảnh hưởng bởi cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mở cửa cách đây 50 năm, Công viên Tam giác Nghiên cứu rộng 28,5 km2 ở bang Carolina Bắc (Mỹ) được xem là hình mẫu của các công viên khoa học. Tuy nhiên, nhiều công viên khoa học mới hiện nay không tọa lạc trong rừng như Công viên Tam giác Nghiên cứu mà nằm ngay trong các thành phố và bao gồm cả cơ sở hạ tầng đô thị cùng nhà ở với mục tiêu hình thành các cộng đồng dân cư mới.

“Những thành phố Thế kỷ mới” là cụm từ chuyên gia quy hoạch đô thị Michael Joroff ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) dùng để gọi các công viên nghiên cứu mới nổi như Dự án 22@Barcelona của Tây Ban Nha, Thành phố Truyền thông Kỹ thuật số (DMC) của Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển One North của Singapore, Công viên Nghiên cứu và Công nghệ Tiên tiến của Mexico...

Theo Joroff, cố vấn của DMC và các dự án tương tự ở Anh, Thụy Điển và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, nhiều nước đang hướng tới mục tiêu tạo ra không gian phát triển mới cho các ngành ưu tiên hàng đầu, nơi các công ty và trường đại học có thể hợp tác cùng nhau và phát triển thế hệ nhân công mới. Ví dụ, công viên công nghệ quốc tế Snowpolis ở Vuokatti (Phần Lan) là sản phẩm hợp tác giữa các công ty, trường đại học và viện nghiên cứu các công nghệ phục vụ sức khỏe, thể thao và kháng thời tiết lạnh. Trong khi đó, phần lớn diện tích của thành phố Winston-Salem ở Carolina Bắc (Mỹ), từng khốn đốn vì sự suy sụp của ngành dệt may, gỗ nội thất và ngành công nghiệp thuốc lá, đang được cải tạo thành trung tâm công nghệ sinh học với tên gọi Công viên Nghiên cứu Piedmont Triad.

Xây dựng cộng đồng

Cho dù trọng tâm là gì đi nữa thì các công viên khoa học mới đều hướng tới mục tiêu tạo lập các cộng đồng dân sinh chứ không phải những khu nghiên cứu vô trùng nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh. Các nhà quy hoạch không muốn bắt chước thiết kế của Công viên Tam giác Nghiên cứu ở Mỹ hay Thành phố Khoa học Tsukuba ở Nhật - nơi 13.000 chuyên gia vùi đầu trong 300 khu Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở một nơi biệt lập cách Tokyo 1 giờ xe lửa. Thay vào đó, lấy cảm hứng từ hệ sinh thái sống động hình thành gần Viện Công nghệ Massachusetts, họ hy vọng sẽ cho ra đời những công viên khoa học đáp ứng được yêu cầu mới của thế kỷ 21.

Hầu hết công viên nghiên cứu đang được xây dựng đều mang diện mạo của “chủ nghĩa đô thị mới” - mô hình qui hoạch nhắm tới mục tiêu tạo môi trường sống, làm việc và thư giãn lý tưởng cho các bộ óc sáng tạo trẻ. Đó là những khu nhà ở tương đối rẻ chỉ cách phòng làm việc vài phút đi bộ hoặc xe đạp. Hay là những quán cà phê, công viên, tụ điểm giải trí và trung tâm sinh hoạt cộng đồng nơi các doanh nhân, kỹ sư và nhà thiết kế có thể họp mặt. Đó còn là hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại cho phép cư dân trong công viên dễ dàng “nối mạng” với bạn bè toàn cầu.

Một số khu công nghệ cao tên tuổi lâu năm ở Mỹ cũng đang thay đổi để thích nghi với xu thế mới. Các khu công nghiệp ra đời thập niên 1960 ở ngoại ô San Jose, bang California nhằm phục vụ ngành điện tử lừng lẫy một thời của Mỹ, đang được nâng cấp để mang dáng dấp của cộng đồng dân cư thực thụ. Ngay cả Công viên Tam giác Nghiên cứu cũng được tăng cường thêm hàng nghìn ngôi nhà mới, một trung tâm mua sắm cùng nhiều lối đi bộ và đường dành cho xe đạp với tổng chiều dài hơn 22 km. “Chúng tôi muốn nơi này trở nên hấp dẫn với các bộ não xuất chúng” - Rick L. Weddle, Tổng giám đốc Công viên Tam giác Nghiên cứu, nói.

Bên cạnh đó, nhiều công viên khoa học mới cũng đang mọc lên khắp nước Mỹ, chẳng hạn Công viên Thiên niên kỷ cạnh MIT ở Cambridge và một công viên khác đang xây dựng gần Đại học Johns Hopkins ở Baltimore. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia Vùng Vịnh đua nhau xây dựng “siêu công viên khoa học” dựa trên những mô hình cũ, giống như Công viên Tam giác Nghiên cứu.

(Theo THANH TRÚC (Theo Business Week) // Cần Thơ Online)

Bài thuộc chuyên đề: Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com