Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ cuối: Thung lũng Genome ở Ấn Độ

Nếu Bangalore là “Thung lũng Silicon” của Ấn Độ thì Hyderabad là Thung lũng Genome (Thung lũng Bản đồ gien). Tương lai của Ấn Độ nằm ở lĩnh vực công nghệ sinh học. Nói cách khác, Thung lũng Genome chính là nền tảng mai sau của quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới.

Cách đây 5 năm, Thủ hiến bang Andhra Pradesh, Y S Rajasekhara Reddy, đã khẳng định như vậy khi nói về sự bùng nổ của ngành công nghệ sinh học (CNSH) đang diễn ra mạnh mẽ ở thành phố thủ phủ Hyderabad. Nhận định của lãnh đạo bang Andhra Pradesh dựa trên những bằng chứng xác thực. Đó là Ấn Độ có nguồn nhân lực khoa học công nghệ dồi dào với hơn 3 triệu người, chưa kể hơn 600.000 chuyên gia khoa học công nghệ trình độ sau đại học, khoảng 700.000 kỹ sư đại học. Mỗi năm quốc gia Nam Á này có thêm 3.500 tiến sĩ khoa học. Ấn Độ thu hút nhân lực khoa học nói tiếng Anh đông thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Gần 40% công ty mới thành lập ở Thung lũng Silicon của Mỹ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cứ 10 nhà khoa học ở Mỹ thì có 1 người gốc Ấn Độ.

Biểu tượng của Công viên Genome. Ảnh: picasaweb

Nhưng chính quyền Andhra Pradesh đã làm gì để thúc đẩy CNSH trở thành đầu tàu phát triển của toàn bang? Vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, tiểu bang có 82 triệu dân này thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm về CNSH đầu tiên của Ấn Độ với số vốn 30 triệu USD. Liên doanh giữa Tập đoàn phát triển đầu tư Andhra Pradesh và Dynam Venture East của Mỹ bắt đầu tài trợ cho các công ty CNSH mới thành lập. Chẳng lâu sau, các công ty Ấn Độ và nước ngoài ồ ạt kéo đến Hyderabad và biến thành phố có từ thế kỷ 16 này trở thành Thung lũng Genome.

Tọa lạc trên diện tích rộng 600 km2, Thung lũng Genome là cụm CNSH hiện đại đầu tiên của Ấn Độ, cung cấp hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn thế giới phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất cho hơn 100 công ty CNSH trong và ngoài nước. Nổi bật nhất là Công viên Kiến thức ICICI được ví như “bộ não” của Thung lũng Genome. Đây là trung tâm nghiên cứu kinh doanh đẳng cấp thế giới đồng thời là mạng hợp tác kiến thức trong nghiên cứu đầu tiên của Ấn Độ. Với hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị hỗ trợ đạt chuẩn quốc tế, công viên nhắm tới các lĩnh vực CNSH, công nghệ dược phẩm, hóa chất chuyên dụng, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông. Kế đến là Công viên CNSH Shapoorji Pallonji, Công viên CNSH Bharat, Trung tâm Ươm tạo CNSH.

Ngoài các công viên chính, Thung lũng Genome còn là nơi qui tụ các viện nghiên cứu hàng đầu Ấn Độ như Viện Công nghệ hóa chất, Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Trung tâm Chẩn đoán và Nhận dạng ADN... cùng nhiều hãng dược tên tuổi. Hiện nay, khoảng 30% sản phẩm dược sinh học tiêu thụ ở Ấn Độ được bào chế tại Thung lũng Genome, đưa Hyderabad trở thành “Thủ đô Dược phẩm của Ấn Độ”.

Theo nhận định của giới chức ở Andhra Pradesh, Thung lũng Genome sẽ tiếp tục phát triển nhảy vọt trong thời gian tới. Nhiều dự án lớn đang được triển khai tại đây như Viện khoa học sự sống quốc tế, Trung tâm Nguồn động vật quốc gia dành cho nghiên cứu y sinh học (dự án hợp tác với Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ), Ngân hàng tế bào gốc dây rốn, Trung tâm nghiên cứu y sinh học...

Hiện nay trong bối cảnh thế giới lao đao vì cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thung lũng Genome tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây tập đoàn Alexandria của Mỹ, nhà cung cấp hạ tầng kỹ thuật phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới, đầu tư 200 triệu USD vào Thung lũng Genome. Trước đó không lâu, Lonza - tập đoàn dược sinh học toàn cầu của Thụy Sĩ - công bố dự án đầu tư 150 triệu USD vào “niềm tự hào của ngành CNSH Ấn Độ”.

(Theo VIỆT QUỐC // Cần Thơ Online)

Bài thuộc chuyên đề: Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Xu hướng và triển vọng M&A 2009-2010
  • Hành trình dài với doanh nghiệp
  • Nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới diễn thuyết tại Việt Nam về "Xây dựng và phát triển bền vững"
  • Khi nào doanh nghiệp cần tư vấn ?
  • Bàn cách đón đầu cơ hội thời hậu khủng hoảng
  • M&A doanh nghiệp: Luật cần mở hơn!
  • Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN: Lại vướng... cơ chế
  • Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com