Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ 3: Trung tâm “chất xám” tương lai của Singapore

Singapore đang đầu tư khoảng 10 tỉ USD xây dựng siêu công trình kiến trúc One North, mái nhà chung của những công viên khoa học với nhiều “phòng thí nghiệm sống” phục vụ các lĩnh vực: công nghệ sinh học, truyền thông tương tác, vật liệu mới và dịch vụ y tế.

 Khu nghiên cứu Fusionopolis của One North. Ảnh: Flickr.com

Singapore đang tham vọng trở thành một thủ đô quốc tế của thế kỷ 21. Với dân số chỉ 4,6 triệu người, đảo quốc sư tử thừa hiểu cần thu hút thêm nhân tài nước ngoài. Vì lẽ đó, Singapore đang đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới phù hợp phong cách sống của cư dân ngoại quốc.

Tọa lạc gần Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Đại học quốc gia và Đại học Bách khoa Singapore, công viên nghiên cứu One North được xây dựng trên diện tích khoảng 200 hécta. One North ra đời không chỉ phục vụ nhu cầu sống, làm việc và giải trí của các nhà nghiên cứu, mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành “hình mẫu của thành phố châu Á tương lai”, như cách gọi của Yeoh Keat Chuan, giám đốc bộ phận y sinh học thuộc Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore.

Là một phần của One North, kể từ khi xây dựng năm 2001 trải qua 2 giai đoạn thi công, đến nay Biopolis - trung tâm nghiên cứu y sinh học lớn nhất Singapore - thu hút 1.000 nhà khoa học thuộc 7 viện nghiên cứu nhà nước và 20 công ty đến làm việc. Khu phức hợp này mang phong cách của Viện Y tế quốc gia Mỹ, nơi các nhà khoa học chính phủ làm việc bên cạnh đội ngũ chuyên gia của những hãng dược tư nhân. Biopolis tập trung những khu nghiên cứu hiện đại, giá rẻ với đầy đủ tiện nghi phục vụ nghiên cứu, từ kính hiển vi điện tử đến những thiết bị kiểm nghiệm trên động vật. “Chúng tôi muốn giảm bớt chi phí đầu tư cho các công ty mới thành lập”, Yeoh nói về lợi thế của Biopolis.

Nhiệm vụ chính của các nhà khoa học tại đây là nghiên cứu các bệnh: ung thư, rối loạn chuyển hóa, những bệnh nhiệt đới như sốt rét và sốt xuất huyết. Khi giai đoạn ba bắt đầu vào năm tới, Biopolis dự kiến thu hút khoảng 5.000 nhà khoa học. Cách Biopolis khoảng 5 phút lái xe là Trung tâm nghiên cứu Vật lý - Khoa học Kỹ thuật (Fusionopolis), cao ốc 24 tầng do kiến trúc sư Nhật Kisho Kurokawa thiết kế. Mục tiêu của Fusionopolis là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin. Ngoài khu văn phòng và phòng thí nghiệm, Fusionopolis còn có nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khu vui chơi giải trí nên chẳng khác nào cộng đồng dân cư thật sự.

Singapore không muốn các nhà sáng chế chỉ nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm mà muốn họ thử nghiệm sản phẩm trong thế giới thực. Chẳng hạn, những căn hộ trong Fusionopolis có thể được dùng làm “phòng thí nghiệm sống” để thử nghiệm các thiết bị truyền thông và liên lạc.

* Nguồn nhân lực cho tương lai

Không chỉ xây dựng công viên khoa học, Singapore còn đẩy mạnh đầu tư đào tạo nhân tài trong nước. Chính phủ đảo quốc này đang cấp học bổng toàn phần trị giá 1 triệu SGD (khoảng 12,5 tỉ đồng) cho 1.000 nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Đổi lại, những Tiến sĩ tương lai này phải cam kết làm việc tại Singapore khoảng 10 năm. Theo ông Yeoh, họ sẽ là lực lượng nghiên cứu nòng cốt của Sigapore trong tương lai.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ, Sigapore vẫn đang thu hút “chất xám” từ nước ngoài. Yeoh cho biết 70 chuyên gia ở phòng thí nghiệm của tập đoàn dược Novartis ở Singapore được chiêu mộ từ 19 quốc gia.

(Theo THỤY TRÚC (Theo Businessweek // Cần Thơ Online)

Bài thuộc chuyên đề: Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com