Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ 7: Kinh đô khoa học Tsukuba ở Nhật



Thành phố Khoa học Tsukuba nhìn từ trên cao.

Ảnh: web-japan

Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất nhì thế giới. Khi nói đến nền khoa học xứ sở núi Phú Sĩ, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến Thành phố Khoa học Tsukuba, “kinh đô chất xám” của Nhật Bản.

Thành phố Khoa học Tsukuba vốn là trung tâm nghiên cứu & giáo dục của thành phố Tsukuba thuộc tỉnh Ibaraki cách Thủ đô Tokyo khoảng 60 km về hướng Đông Bắc. Vào đầu thập niên 1960, Chính phủ Nhật Bản quyết định di dời các viện nghiên cứu và trường đại học quốc gia ở Tokyo về đây nhằm giảm bớt áp lực “đất chật người đông” ở thủ đô đồng thời thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và giáo dục của cả nước. Đến năm 1980, hơn 40 viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và trường đại học quốc gia đã dời trụ sở về khu đất rộng 27 km2 ở Tsukuba - nền tảng của Thành phố Khoa học Tsukuba ngày nay.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, Thành phố Khoa học Tsukuba hiện đi đầu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ ở đất nước Mặt trời mọc. Trong những thập niên qua, gần 50% ngân sách dành cho nghiên cứu & phát triển khoa học của Nhật được rót cho Tsukuba. Đô thị nghiên cứu và đại học này được chia làm 5 khu: giáo dục bậc cao và đào tạo, nghiên cứu xây dựng, khoa học công nghệ và vật lý, nghiên cứu sinh học và nông nghiệp, và phương tiện công cộng. Năm đơn vị này thu hút hơn 300 viện/tổ chức nghiên cứu, trường đại học và công ty cùng khoảng 13.000 chuyên gia nghiên cứu đến đóng đô. Hầu hết các viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản như Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ, Viện Khảo sát Địa lý, Viện nghiên cứu thực phẩm quốc gia, Viện Khoa học - Công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia, Viện Khoa học Vật liệu... đều tọa lạc ở đây.

Không khô khan như tên gọi, Thành phố Khoa học Tsukuba có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch. Đó là Nhà mô hình vũ trụ lớn nhất thế giới nằm ở Trung tâm triển lãm Tsukuba, Bảo tàng Bản đồ và Khảo sát khoa học, Trung tâm không gian Tsukuba, Quảng trường Khoa học Tsukuba, Vườn Bách thảo Tsukuba...

Với vị trí nằm giữa trung tâm thành phố, Đại học quốc gia Tsukuba đóng vai trò như “trái tim” của Kinh đô Khoa học Tsukuba. Được thành lập trên nền tảng của Đại học Giáo dục Tokyo - một trong những viện đại học lâu đời nhất Nhật Bản, Đại học Tsukuba hiện là một trong những trường đại học hàng đầu châu Á (theo bảng xếp hạng các trường học trên thế giới). Nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, vật lý và khoa học tự nhiên, Đại học Tsukuba là chiếc nôi khai sinh nhiều chủ nhân giải thưởng Nobel như Leo Esaki (Giải Nobel Vật lý năm 1973), Hideki Shirakawa (Giải Nobel Hóa học năm 2000)... Với nhiều phòng thí nghiệm đa ngành đạt chuẩn quốc tế, ngôi trường đang đào tạo 15.000 sinh viên này là điểm hẹn của các nhà nghiên cứu ở khắp Nhật Bản.

Hiện tại, ước tính khoảng 200.000 người, bao gồm đội ngũ khoa học gia và sinh viên nước ngoài, đang thường trú tại Thành phố Khoa học Tsukuba. Không chỉ là môi trường làm việc trong mơ cho dân lao động trí óc, Thành phố Khoa học Tsukuba còn nổi tiếng với không gian sống chan hòa cùng thiên nhiên với hơn 100 công viên cây xanh và rất nhiều con đường dành riêng cho khách bộ hành và xe đạp với tổng chiều dài 48 km. Từ năm 2005 sau khi tuyến đường cao tốc Tsukuba Express đi vào hoạt động rút ngắn thời gian đi lại giữa Tsukuba và Tokyo chỉ còn 45 phút, Thành phố Khoa học Tsukuba đã tăng tốc phát triển hướng tới trở thành một trung tâm nghiên cứu & phát triển tầm cỡ quốc tế.

(Theo SONG NGỌC // Cần Thơ Online)

Bài thuộc chuyên đề: Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ 8: Công viên công nghệ mùa đông của Phần Lan
  • Chạy đua phát triển nền kinh tế tri thức - Kỳ cuối: Thung lũng Genome ở Ấn Độ
  • Xu hướng và triển vọng M&A 2009-2010
  • Hành trình dài với doanh nghiệp
  • Nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới diễn thuyết tại Việt Nam về "Xây dựng và phát triển bền vững"
  • Khi nào doanh nghiệp cần tư vấn ?
  • Bàn cách đón đầu cơ hội thời hậu khủng hoảng
  • M&A doanh nghiệp: Luật cần mở hơn!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com