Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hành trình dài với doanh nghiệp

Nếu biết áp dụng hệ thống quản lý bền vững doanh nghiệp toàn diện, thì doanh nghiệp (DN) sẽ không ngừng lớn mạnh.



Toàn cảnh Hội thảo “Quản lý phát triển bền vững DN toàn diện cho các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam” (Ảnh: Tùng Châu)

Đó là khẳng định của ông Aru David, Trưởng đại diện EEC International ở Việt Nam tại Hội thảo và công bố dự án tài trợ “Quản lý phát triển bền vững DN toàn diện cho các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam”, được tổ chức ngày 24/7/2009 tại TP.HCM, với sự tài trợ của Tập đoàn TUV Rheinland và DEG (thành viên Tập đoàn Ngân hàng KfW, CHLB Đức). 

Lâu nay, khái niệm phát triển bền vững đã không còn xa lạ đối với các DN Việt Nam. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu thì không phải DN nào cũng biết. Theo Aru David, một DN thực sự phát triển bền vững khi và chỉ khi cân bằng được các giá trị quyền lợi giữa kinh tế - môi trường - xã hội. Vì thế, phát triển bền vững là một hành trình, chứ không phải đơn thuần là một điểm đến.

Hệ thống quản lý phát triển bền vững của dự án trên sẽ tích hợp 3 hệ thống quản lý môi trường, quản lý an toàn và sức khỏe, quản lý xã hội thành một hệ thống hợp nhất, gắn kết và đơn giản. Đó là điều các DN hàng đầu thế giới vẫn thực hiện để đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Ngày nay, các đối tác lớn trên thế giới rất chú trọng các tiêu chí quản lý môi trường, quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và quản lý việc thực nhiệm trách nhiệm xã hội của chính nơi làm ra sản phẩm, để xem DN có tuân theo tiêu chí phát triển bền vững hay không. “Nếu DN làm tốt những yêu cầu trên, thì sẽ nhận được sự chấp nhận tốt hơn trên trường quốc tế, còn ngược lại, rất có thể DN bị tẩy chay sản phẩm”, ông Roãn Thái Trung, Giám đốc Khối An toàn chất lượng sản phẩm, chứng nhận hệ thống của TUV Rheinland Việt Nam nói. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội thảo, nhiều DN cho biết, lâu nay nhiều khách hàng yêu cầu họ phải có chứng nhận của BSCI, chứ không là SA 8.000, trong lúc cả hai chứng nhận này đều liên quan đến hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của DN. Tuy nhiên, theo Tập đoàn TUV Rheinland, việc tham gia chương trình này sẽ giúp các DN đáp ứng tốt các yêu cầu của chứng nhận BSCI, vì các tiêu chí đánh giá của BSCI bao gồm trách nhiệm xã hội DN, sức khỏe và an toàn lao động và bảo vệ môi trường đều sẽ được bao gồm trong các cam kết chuyển giao của dự án. 

Mục đích của TUV Rheinland là giúp các DN nhỏ và vừa Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày và sản phẩm hóa chất nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất thông qua việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý tích hợp dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 14001 – hệ thống quản lý môi trường, OHSAS 18001 – hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, SA 8000 – hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của DN.

(Theo Ngô Ngãi // Báo đầu tư )

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới diễn thuyết tại Việt Nam về "Xây dựng và phát triển bền vững"
  • Khi nào doanh nghiệp cần tư vấn ?
  • Bàn cách đón đầu cơ hội thời hậu khủng hoảng
  • M&A doanh nghiệp: Luật cần mở hơn!
  • Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN: Lại vướng... cơ chế
  • Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng
  • Có cần một đạo luật riêng về độc quyền nhà nước?
  • Xu thế kinh tế thế giới cuối năm 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com