Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển


TÁC GIẢ: GS. TRẦN VĂN THỌ ( TOKYO)

--------------------------------------------------------------

Alice Amsden, giáo sư kinh tế chính trị học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ, có viết trong cuốn sách Escape from the Empire (2007) như sau (trích lời của một ký giả Mỹ hoạt động tại Việt Nam trước đâ): "Cuối cùng tôi nhận ra rằng chúng ta không thể nào thắng cuộc chiến này khi tôi thấy mọi đường phố ở Saigon đều được đặt theo tên của những anh hùng Việt Nam từng chiến đấu chống ngoại xâm".

Đúng là trong suốt hơn 2000 năm giữ nước và dựng nước Việt Nam có rất nhiều anh hùng (bao gồm anh thư là nữ anh hùng). Chỉ kể những bậc tài trí xuất chúng và có năng lực lãnh đạo, đã làm nên những chiến công hiển hách, những sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở, số người được gọi là anh hùng có rất nhiều.

Nhưng vấn đề hiện nay là, trong thời đại phát triển, ta có cần anh hùng không và anh hùng có thể xuất hiện không? Theo tôi thì rất cần và rất mong sẽ xuất hiện những hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển nầy, đặc biệt là những anh hùng trong giới lãnh đạo và quan chức là những người có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh đất nước.

Anh hùng trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác. Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa trông rộng, có năng lực lãnh đạo,...), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), trọng dụng và thu phục đươc người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức), , v. v..

Dĩ nhiên bàn luận tổng quát và chung chung như vậy thì dễ và ai cũng thấy đương nhiên đất nước cần những người như vậy. Nhưng đặt tiếp câu hỏi là làm thế nào có những anh hùng đúng tầm như thế thì câu trả lời không dễ chút nào. Dưới đây tôi chỉ đưa ra vài tình huống khách quan và bàn về kinh nghiệm các nước.

Giả sử có hai nước A và B cùng đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Lãnh đạo và quan chức hai nước đứng trước một tình huống giống nhau như sau: Hàng tiêu dùng cao cấp như xe hơi, máy ảnh kỹ thuật số, v.v.. đang sản xuất nhiều tại các nước đi trước và các nước đi sau cũng có thể nhập khẩu để dùng.

Trong trường hợp nước A, lãnh đạo và quan chức có dịp ra nước ngoài hoặc qua thông tin đại chúng thấy các thứ này sang trọng, tiện nghi và muốn mình và người thân của mình được hưởng sự sang trọng, tiện nghi này. Do đó họ tìm cách tăng thu nhập, kể cả những biện pháp như tham ô, nhận hối lộ, chia xẻ quyền lợi với các nhóm lợi ích,.. Cũng có thể họ lấy ngân sách nhà nước để nhập xe đắt tiền và giải thích rằng lãnh đạo bộ, thành phố hay tỉnh phải đi xe sang mới tương thích với vị thế, chức vụ của họ, có người còn cho rằng phải như vậy để giao thiệp với các đối tác nước ngoài.

Trường hợp nước B thì khác. Lãnh đạo và quan chức luôn bận tâm về việc tiết kiệm từng đồng ngân sách và ngoại tệ để đầu tư cho giáo dục, cho những dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và những chương trình phát triển tạo công ăn việc làm cho dân, đẩy mạnh xuất khẩu. Xe hơi và những tiện nghi chỉ cần đủ đề làm việc, chỉ nhập số ít và những loại giá rẻ, tương ứng với trình độ phát triển chung của đất nước.

Trường hợp tích cực hơn nữa là lãnh đạo và các quan chức tham khảo ý kiến của các chuyên gia đưa ra tầm nhìn và kế hoạch dài hạn kèm theo các biện pháp, chính sách để trong tương lai sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cao cấp mà nhiều người dân mong ước được hưởng. Hình tượng mẫu mực như vậy của lãnh đạo và quan chức sẽ tạo niềm tin trong dân, xã hội tràn ngập giấc mơ phát triển, trở thành động lực hiện thực hóa kế hoạch phát triển.

Hai trường hợp vừa nói là giả thuyết nhưng một người có hiểu biết nhất định về tình hình thế giới hiện nay thì thấy không khó khăn lắm khi tìm những quốc gia cụ thể tương ứng với trường hợp A. Cần nói thêm là lãnh đạo và quan chức trong trường hợp A ngoài mấy tố chất đã nói, họ thường là những người có tầm nhìn hạn hẹp, không chịu học hỏi, giáo điều, bảo thủ không chịu dùng người tài nên thường sai lầm về đường lối, chính sách.

Trường hợp B thì khó tìm hơn nhưng cũng không phải là không có. Đọc lịch sử Nhật Bản tôi thấy rất nhiều hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển. Chỉ đơn cử vài ví dụ trong lịch sử đương đại:

Trí tuệ, hành động và tác phong của các quan chức Bộ Công Thương Nhật Bản vào giữa thập niên 1950 có thể gọi là rất "anh hùng" mặc dù tên tuổi của họ không nổi tiếng bằng những nhà lãnh đạo chính trị. Lúc đó một chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào giá rất đắt, tương đương với 5 năm tiền lương của một quan chức trung cấp. Các quan chức ở Bộ Công Thương lúc đó mơ ước có ngày người dân bình thường cũng sẽ có xe hơi và cho rằng phải phát triển ngành xe hơi mới làm cho Nhật giàu mạnh.

Trong lúc có nhiều ý kiến khác nhau về điểm này, kể cả một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền sợ kế hoạch sản xuất xe hơi sẽ gây va chạm trong quan hệ Nhật Mỹ vì ngành này đang là lợi thế của Mỹ. Nhưng các quan chức Bộ Công Thương đã tích cực vận động lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để thực hiện cho được kế hoạch nầy vì tin sự quan trọng của ngành xe hơi đối với Nhật trong tương lai. Nhưng ý chí là một chuyện còn khả năng có thực hiện được không và làm sao để thực hiện là một chuyện khác.

Lợi thế so sánh của Nhật lúc đó là các hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc, giày dép,... Đang phân vân về khả năng sản xuất của nước mình, các quan chức đọc được bài viết của giáo sư Shinohara Miyohei (1919-) bàn về lợi thế so sánh động (lợi thế so sánh trong tương lai) và các điều kiện để biến lợi thế so sánh động thành hiện thực. Họ vui mừng và liên lạc ngay với giáo sư Shinohara xin gặp để hỏi chi tiết hơn.

Trong hồi ký mới viết hồi tháng 6/2009, Shinohara kể như sau: "Hồi đó 4-5 quan chức Bộ Công Thương đến nhà tôi vào buổi tối. Chúng tôi trò chuyện mãi dến khuya vẫn còn muốn tiếp tục, cuối cùng gần 5 giờ sáng họ mới ra về". Còn rất nhiều câu chuyện tương tự về sự cầu thị, nhiệt tình lo việc nước của quan chức Nhật thời đó.

Sau đó, Bộ Công Thương tự tin là Nhật có thể sản xuất xe hơi được và đã đặt ra các chính sách yểm trợ doanh nghiệp xúc tiến sản xuất. Những chiếc xe đầu tiên ra đời còn xấu về hình dáng nên một số người Mỹ trong ngành xe hơi có vẻ chế nhạo. Nhưng quan chức Bộ Công Thương kiên quyết với phương châm "Mỹ làm được thì Nhật cũng làm được". Như ta đã biết, ngành xe hơi Nhật phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1960.

Ví dụ thứ hai. Tôi muốn đề cập đến một nhân vật nổi tiếng. Ikeda Hayato (1899-1965), sau khi tốt nghiệp đại học trở thành quan chức Bộ Tài chánh và sau đó đăc cử dân biểu quốc hội. Lúc đang làm Bộ trưởng Tài chánh ông cầm đầu phái đoàn công du sang Washington vào năm 1955. Lúc đó kinh tế Nhật Bản vừa hồi phục sau chiến tranh nhưng còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại nhập siêu lớn, ngoại tệ thiếu nhiều. Ikeda luôn lo lắng về tình hình nầy nên về chỗ nghỉ tại Mỹ ông đã cho nhân viên thuê khách sạn 3 sao (lúc đó giá 7 USD một ngày) và để tiết kiệm hơn nữa, hai, ba người ở chung môt phòng, kể cả bộ trưởng cũng chung phòng với một vụ trưởng (theo hồi ký của nguyên thủ tướng Miyazawa Kiichi, lúc ấy là thành viên trong đoàn Ikeda). Mấy năm sau đó Ikeda quyết định ra tranh cử chức đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ (LDP) là đảng đương cầm quyền.

Đang suy nghĩ về chiến lược phát triển đất nước, ông đọc được bài viết của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về sự cần thiết cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực chất, cải thiện hẵn mức sống của dân chúng. Đang lúc thai nghén một chiến lược phát triển với mục tiêu như gợi ý của Nakayama, ông được nhóm trợ lý tiến cử Shimomura Osamu, nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và nhất là có năng lực hình thành các chính sách cụ thể, ông mời làm cố vấn phụ trách soạn thảo Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân (trong vòng 10 năm). Ikeda đắc cử đảng trưởng LDP và trở thành thủ tướng từ năm 1960 đến lúc mất (1965).

Nhiều chính sách, nhiều cơ chế mới được ban hành để thực hiện chiến lược. Chiến lược nầy cùng với phong cách của một lãnh đạo như Ikeda và với một tập thể quan chức có năng lực và hết lòng vì sự nghiệp phát triển đất nước như đã thấy ở trên, đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Trong bối cảnh đó, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu.

Trên thế giới, trong lịch sử cũng như trong tình hình hiện nay, những nước ở trường hợp A rất nhiều, những nước ở trường hợp B như Nhật thì ít. Bản đồ phát triển của thế giới phản ảnh điều đó. Không kể những nước quá nhỏ về quy mô dân số, hiện nay trên thế giới có độ 60 nước với dân số tổng cộng độ 1 tỉ người còn nghèo đói, đang lẫn quẩn trong cái bẫy nghèo, và độ năm sáu chục nước đã thoát nghèo nhưng vẫn lẩn quẩn ở mức thu nhập trung bình.

Nếu chỉ kể những nước có quy mô dân số tương đối lớn (trên 20 triệu vào cuối năm 2007) thì hiện nay chỉ có 12 nước (và lãnh thổ) có thu nhập cao (bình quân đầu người 10.000 USD theo giá cố định năm 2000), trong đó tại Á châu chỉ có Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Tóm lại, muốn dân giàu, nước mạnh thì lãnh đạo và quan chức phải giống trường hợp nước B.

Các nhà kinh tế chưa thống nhất ý kiến về nguyên nhân phát triển hoặc không thể phát triển của một nước. Nhiều người đồng ý là có nhiều nguyên nhân nhưng tìm một nguyên nhân duy nhất thì không dễ.

Theo tôi nhiều nước không phát triển được hoặc chỉ phát triển tới mức trung bình chủ yếu vì rơi vào trường hợp nước A ở trên. Có nước nhờ tài nguyên hoặc vị trí địa lý và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi đã phát triển lên mức thu nhập trung bình nhưng vì lãnh đạo và quan chức giống như trường hợp nước A nên đất nước vẫn dẫm chân một chỗ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp (gần đây các nhà phân tích kinh tế gọi họ là những nước mắc vào "cái bẫy của nước thu nhập trung bình"). Nước Nhật vào thập niên 1950 nếu không có cơ chế để xuất hiện những "anh hùng" như đã thấy thì có lẽ hiện nay Nhật vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình.

Các anh hùng dân tộc thời nhà Trần đã lập nên những chiến công hiển hách, đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi làm nức lòng người. Hai câu thơ của Trần Nhân Tông đã phản ảnh không khí hồ hỡi kéo dài nhiều năm tháng đó:

Người lính già đầu bạc

Kể mãi chuyện Nguyên phong


Mong rằng hai ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc ngồi ở quán cà phê bên Hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày mà thời trung niên của họ đã hết lòng vì nước vì dân nên Việt Nam đã vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình, chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới.

( Tinkinhte.com//Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn số xuân Canh Dần)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Chất lượng thực của doanh nghiệp tư nhân?
  • Căn bản về sở hữu công nghiệp
  • Tồn kho và tăng trưởng
  • Biến "nguy" thành "cơ"
  • Cái kẹo và 30 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc
  • Giáo dục ở Trung Quốc trong cải cách mở cửa
  • Những trở ngại đối với giấc mơ Trung Hoa
  • 30 năm cải cách Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com