Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Suy thoái nam giới" - Câu chuyện buồn thời đại

 
Khủng hoảng đã tạo ra hiện tượng lạ: nam giới dựa dẫm vào nữ giới. (Ảnh minh họa: Internet).

Tờ "Newsweek" đặt câu hỏi: “Có đúng là cuộc suy thoái kinh tế hiện nay mang gương mặt đàn ông?”. Và câu trả lời là đúng. Bắt đầu từ năm 2009, báo chí đã sử dụng thuật ngữ “mancession” (suy thoái nam giới) để chỉ hiện tượng này.


Sinh “nhầm thời”


Hiện nay tại Mỹ, tỷ lệ nam giới thất nghiệp cao hơn phụ nữ 2,5%. Đó là sự chênh lệch lớn nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Bắt đầu từ tháng 7 năm nay, một số phương tiện thông tin đại chúng đã sử dụng cụm từ “macho suy vong”. Macho trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là người đàn ông thô mộc, cộc cằn, hoặc nam tính theo kiểu cực đoan. 

Công luận có vẻ bất ngờ trước hiện tượng một tỷ lệ khá lớn nam giới ở mọi lứa tuổi và màu da lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn. Trước đây ở Mỹ, hiếm khi đàn ông da trắng bị sa thải với tỷ lệ lớn như bây giờ.

Các nhà kinh tế nhìn thấy nguyên cớ từ ngành công nghiệp và lĩnh vực xây dựng - vốn có khoảng 80% nhân công là đàn ông. Theo con số thống kê chính thức, tháng 7/2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 9,4%, tức có 14,5 triệu người bị mất việc. 

Marty Addison, 39 tuổi, là một ví dụ. Vốn là thợ lắp máy bị sa thải, nay anh theo học một nghề hoàn toàn khác - y sĩ cứu thương. Addison hy vọng công việc mới sẽ không bị rẻ rúng và anh chẳng bị “tái thất nghiệp”.

Còn ở châu Âu thì sao? Theo số liệu của Eurostat, trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp tại EU dừng ở mức 8,9% với 21, 5 triệu người bị mất việc. Các ngành kinh tế trọng điểm ở châu Âu, chẳng hạn như chế tạo ô tô và dịch vụ tài chính, do nam giới đảm nhiệm là chính nên sự suy thoái tác động đến họ mạnh hơn đối với phụ nữ. Tỷ lệ đàn ông bị mất việc làm ở Ireland, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Italy, Slovakia và các nước vùng Baltic đều cao hơn 2% so với phụ nữ.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng, sắp tới trên thế giới sẽ diễn ra xu thế ngược. Hiện tượng mancession kích thích người tuyển dụng lao động nâng lương cho chị em và tiếp nhận họ vào làm ở những ngành sinh lãi lớn như công nghệ cao và tài chính, còn cánh mày râu thì đảm đang hơn trong chuyện tề gia nội trợ.

Tựa bờ vai… mảnh


Nam giới chịu đựng tình trạng thất nghiệp rất kém. Không có bia uống hàng ngày là một chuyện. Không có việc làm hàng ngày nghiêm trọng hơn nhiều, nó khiến đàn ông... thoái hóa. Cuộc sống của họ và những người thân trở nên nặng nề, bế tắc.

Các nhà khoa học chứng minh rằng, phụ nữ có thể ngồi nhà khá lâu mà không bị tổn hại sức khỏe. Một số chị em chưa bao giờ có sổ lao động mà vẫn sống bình thường, không có nhu cầu “đập đầu vào tường”. Lý do là họ có vô số việc để làm mà các bà cụ, bà kỵ đã nghĩ ra trong hàng trăm năm bị “quản thúc tại gia”. 

Thêm nữa, hiện nay riêng việc xem phim truyền hình dài tập cũng ngốn của mỗi phụ nữ khoảng 2 tiếng đồng hồ/ngày. Rồi chương trình ca nhạc, tư vấn sức khỏe qua màn ảnh nhỏ... Đó là chưa kể tới chuyện “nấu cháo” trên điện thoại. 24 giờ có lẽ là không đủ để chị em làm hết những việc định ra cho một ngày.

Nam giới khi bị tách khỏi văn phòng, nhà máy và sự kiểm soát của sếp thì mất luôn định hướng về không gian, thời gian. Thức dậy, uống tách trà, đọc báo. Rồi làm gì tiếp đây? Khi quá bận rộn, người ta mong được nghỉ ngơi, nhưng khi có quá nhiều thời gian thì “nhàn cư” là cực hình. 

Nam giới từ hàng vạn năm trước vốn quen với việc ngày ngày săn đuổi đàn voi mammoth, hóa ra rất dễ bị tổn thương trong cuộc sống hiện đại. Tình trạng thất nghiệp khiến họ bị trầm cảm hoặc hoảng loạn. Nhiều người phải viện đến các loại thuốc an thần, hoặc bị bệnh tưởng, mắc chứng “siêu sạch”, trở nên cáu gắt, độc đoán với vợ con hoặc ngược lại, có nhu cầu “tựa vào bờ vai mảnh mai” của phái yếu.

Theo tờ Novaya Gazeta, tại Nga thời gian gần đây đã có một hiện tượng lạ. Đó là tỷ lệ nam giới tìm đến các văn phòng môi giới hôn nhân tăng vọt, trong đó khá nhiều người không có việc làm. Trước kia, chỉ phụ nữ thất nghiệp, tuyệt vọng lắm mới đến những nơi như vậy hòng tìm một tấm chồng để “phận cát đằng nương bóng tùng quân”.

Chị Tachiana Romanova, Giám đốc điều hành văn phòng môi giới hôn nhân Para, cho biết: “Quá nhiều đàn ông tỉnh lẻ bị đuổi việc tìm đến văn phòng chúng tôi. Họ có học và kỹ năng nghề nghiệp khá tốt nhưng bị sa cơ. Nguyện vọng của họ là cưới được người phụ nữ có thể giúp mình trụ lại Mátxcơva  đồng thời đảm nhận chức phận người vợ hiền”. 

Đàn ông nước khác (chủ yếu là người Mỹ, Italy và Đức) cũng tìm đến phụ nữ Nga. Nhưng không phải giới khá giả như trước mà là những người đàn ông độc thân có thu nhập thấp. Họ vẫn nghĩ rằng phụ nữ Nga dễ bảo, hiền lành mà không ngờ mọi việc giờ đây đã đổi khác. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến các “Natasha” mạnh mẽ và độc lập hơn nhiều.

Chị Romanova kết luận: “Đáng ngạc nhiên là phụ nữ chống chọi với sự bất ổn hiện nay nhẹ nhàng hơn (nam giới). Cuộc khủng hoảng đang diễn ra là cuộc khủng hoảng của đàn ông. Phụ nữ bây giờ mới là người nói lời sau chót”./.

(TT&VH Online/Vietnam+)

 

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com