Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cấu trúc : DN cần sớm vào cuộc

Càng trong thời kỳ khủng hoảng, DN lại càng phải tiếp cận, công khai thông tin với ngân hàng để cùng với ngân hàng tìm giải pháp khắc phục. Đó là những nhận xét của các chuyên gia tham dự hội thảo "Thách thức mới, thành công mới" do Ngân hàng Quốc Tế (VIB) tổ chức mới đây.

Đây là lần đầu tiên VIB mời một số chuyên gia tới cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, phân tích những kinh nghiệm và triển vọng kinh doanh cho các DN khách hàng của mình.

DN cần chủ động công khai thông tin

Càng khủng hoảng, DN càng phải tích cực tiếp cận, công khai thông tin với ngân hàng để cùng ngân hàng tìm giải pháp, kế hoạch khắc phục. Đây là thông điệp mà TS Lê Xuân Nghĩa gửi tới các DN tại hội thảo. Ông cho rằng, nhiều DN khi khó khăn, hoặc có nguy cơ phá sản đã "trốn" ngân hàng. Đây là một sai lầm, bởi DN đã tự mình bỏ đi cơ hội để khắc phục tình trạng, ngân hàng cũng không có thông tin để đưa ra giải pháp hỗ trợ.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cty Thuận Phát còn lo ngại thêm rằng, tuy nhiều đánh giá là khủng hoảng đang ở đáy, nhưng vấn đề là sẽ ở đáy trong bao lâu. Vì vậy DN rất cần một nền tài chính ổn định. Đối với DN, việc vay vốn ngân hàng đắt hay rẻ không quan trọng mà điều quan trọng là DN sẽ tiếp cận vốn như thế nào".

Ông Ân Thanh Sơn - Tổng giám đốc VIB cho biết: “Bên cạnh chính sách thiết thực hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh như cung ứng vốn, các dịch vụ tiện ích, VIB còn nỗ lực tạo điều kiện giúp DN tiếp cận với những thông tin mới nhất, hữu ích đối với hoạt động của DN. Sau Hội thảo “thách thức mới, thành công mới”, VIB sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo để DN có thể trao đổi, bàn luận, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ vướng mắc trực tiếp với các chuyên gia kinh tế hàng đầu của VN.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN thì phần lớn DN VN có quy mô nhỏ, được thành lập nhanh và nhiều kể từ sau Đổi mới. Nhanh và nhiều nhưng lại chưa được chuẩn bị kỹ về cơ chế chính sách, nhân sự, công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng. Với nền tảng chuẩn bị còn yếu, nhiều DN liêu xiêu sau kỳ lạm phát leo thang, lại nhận thêm cú bồi từ ảnh hưởng của khủng hoảng. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhiều DN vẫn chưa được tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất. Từ những phân tích trên ông Kiêm lo ngại: "Đến nay nhiều DN vẫn chưa vay được vốn hỗ trợ. Sắp tới, nguồn ưu đãi này giảm dần và cắt, DN phải trả theo lãi suất thị trường. Cái tôi lo là khả năng trả nợ, bởi vốn giá thấp chỉ một phần, phần quan trọng là những vấn đề cơ bản của nhiều DN chưa được giải quyết".

Tái cấu trúc để phát triển

Nền kinh tế VN được đánh giá là đang có dấu hiệu dần phục hồi, nhưng theo các chuyên gia thì nhiều DN vẫn chưa thực sự hết khó khăn do môi trường kinh doanh lẫn các yếu tố nội tại. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2009 tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo là -1,2%, năm 2010 là 3,2%. Nhu cầu nhập khẩu của thế giới cũng được dự báo còn nhiều khó khăn.

TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận những khó khăn của DN ở một khía cạnh khác, dù thời điểm này "đáy" của khủng hoảng đã được nói tới, nhưng cũng cần đặt giả thiết về một "đáy" mới. "Bởi kinh tế có những dấu hiệu vô cùng bất định, khó nói trước, lường đoán trước" - ông Nghĩa nói.

Để giải quyết những khó khăn trên, không phải chỉ cần sự nỗ lực của DN mà còn cả của Chính phủ. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, những điểm yếu của DN đặt ra yêu cầu các DN phải tái cấu trúc quan điểm, chiến lược và mô hình quản lý... "Đừng ngại tái cấu trúc. Chúng ta nói tái cấu trúc nhưng có người sợ nó, sợ phải gỡ ra dựng lại. Tôi cho rằng cần phải luôn luôn đổi mới, tái cấu trúc thường xuyên". Yêu cầu này, theo ông Tuyển, có thể cụ thể như việc rà soát lại quy trình sản xuất để giảm chi phí; hay yêu cầu đầu tiên là phải nhìn lại mình, chỗ đứng của mình để có những điều chỉnh, bước đi hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Tuyển cũng cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế cũng là một yêu cầu hiện nay đối với Chính phủ để góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm khó khăn cho cộng đồng DN. Ông gợi ý rằng cần tái cấu trúc một nền kinh tế xanh, môi trường trong sạch, minh bạch và công bằng. Tái cấu trúc theo hướng Nhà nước cần đề cao và tăng cường vai trò điều tiết của mình, chủ động nhưng không vượt quá đường ray của thị trường. Và Chính phủ cần xác định rõ tiền đề, nội dung và các chủ thể của quá trình tái cấu trúc.

Năm 2010, bên cạnh sự chờ đợi những bước đi và hiệu quả trong tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đang dự tính, hàng loạt chính sách thuế quan trong xuất khẩu chính thức có hiệu lực với nhiều ưu đãi trong quan hệ thương mại ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản... sẽ là những cơ hội thuận lợi cho DN. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, các DN đang rất trông chờ chính phủ tạo một môi trường và chính sách kinh doanh thuận lợi hơn nữa, để DN tự tin đón nhận thách thức mới và tạo ra thành công mới.

(Theo Băng Châu // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tập đoàn kinh tế tư nhân: Liệu có “chín ép”?
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cần nhất một chính sách rõ ràng
  • Đo lường rủi ro của công ty trong suy thoái kinh tế
  • Tái cân bằng - Thách thức không nhỏ của nền kinh tế
  • Kiện ngược lại Mỹ ra WTO: Cân nhắc thiệt hơn
  • Giải pháp kinh doanh thời khủng hoảng
  • Chuyển hướng cạnh tranh vào châu Á
  • Bất cập quy chế quản trị doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com