Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiện ngược lại Mỹ ra WTO: Cân nhắc thiệt hơn

Tranh minh họa: Khều

Gần đây, có ý kiến đề xuất Chính phủ nên chủ động kiện ngược nước nguyên đơn, trong đó có Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như một biện pháp bảo vệ trước các vụ chống bán phá giá ở nước ngoài. Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng cần thận trọng với biện pháp này.

Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết kiện Mỹ hay một nước thành viên nào đó ra WTO có thể là chuyện bình thường trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, riêng với Việt Nam do có một số đặc điểm khác biệt với các nước nên việc kiện vừa rất không đơn giản, vừa thậm chí sẽ kéo theo nhiều bất lợi, kể cả trong trường hợp có thắng kiện đi chăng nữa.

Khác biệt cơ bản là nước ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế phi thị trường, tức hoạt động không theo quy luật cung cầu của thị trường và chịu sự can thiệp nhiều từ phía nhà nước. Nhưng với Việt Nam, không chỉ phi thị trường mà nền kinh tế còn mang tính chỉ huy, tập trung, nghĩa là sự khác biệt càng lớn.

Theo GS.TS. Nguyễn Vân Nam, việc xác định có bán phá giá hay không đối với các nước có nền kinh tế thị trường tương đối dễ, ngược lại với nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam thì quá trình này sẽ rất khó khăn khi buộc phải tham chiếu giá bán ở một nước thay thế có nền kinh tế thị trường.

“Các nước có nền kinh tế thị trường đã quá quen thuộc và rành rẽ những nguyên tắc, tiêu chuẩn của WTO. Bởi vậy, họ tiếp cận, lý giải vấn đề rất dễ dàng, ngược lại chúng ta vì luôn bị chi phối bởi lăng kính truyền thống nên khả năng kiến giải đúng theo tiêu chuẩn của WTO tôi e sẽ không đơn giản. Ngay cả nếu có thuê luật sư nước ngoài đi nữa thì chuyển tải để họ hiểu đã là khó, làm cho họ hiểu sâu sắc để bảo vệ thành công lại càng khó hơn. Đó là chưa nói đến chi phí thuê cực cao” - ông Nam nói.

Do đó, không thể cho rằng một số quốc gia có nền kinh tế thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản, EU, Thái Lan… đã từng kiện ngược Mỹ và thắng kiện thì Việt Nam nếu bắt chước đi kiện chắc chắn rồi cũng sẽ thắng. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng quá trình “đáo tụng đình” không chỉ khó khăn, tốn kém mà còn có thể dẫn đến hiệu ứng ngược là… vạch áo cho thiên hạ xem lưng.

“Chưa đụng đến thì thôi nhưng hễ đụng đến thì người ta (bị đơn) sẽ cố công điều tra, cố công vạch lá tìm sâu để chứng minh rằng họ đúng và Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ ở đâu cũng vi phạm. Kết quả điều tra ấy sẽ khuyến khích những nước chưa quan tâm hoặc chưa áp dụng biện pháp chống phá giá với Việt Nam sẽ áp dụng, làm theo Mỹ” - ông Nam bày tỏ quan ngại.

Xét về mặt kinh tế, theo luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc Công ty NT Trade Law, một công ty chuyên tư vấn về chống bán phá giá, ngay cả khi nếu Việt Nam được quyền áp dụng biện pháp trả đũa trong trường hợp thắng kiện thì lợi ích mang lại cũng chưa hẳn thỏa đáng. Bởi phải nhìn nhận rằng, thị trường nước ta không phải là một thị trường lớn, nhập khẩu của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn ở mức độ khiêm tốn.

Trong khi đó, GS.TS. Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế TPHCM, người ủng hộ biện pháp kiện ngược nước nguyên đơn ra WTO trong các vụ kiện chống bán phá giá, cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ hiện lớn gấp 8 lần so với chiều ngược lại. Chính vì vậy, phát biểu trong một cuộc hội thảo gần đây bà Thu cũng thừa nhận: “Nước nhập siêu không sợ nếu áp dụng biện pháp trả đũa”.

GS.TS. Nguyễn Vân Nam cho hay theo thống kê của WTO số lượng các nước đang phát triển bị kiện trong khuôn khổ WTO đang có chiều hướng gia tăng (trước 1995, trong khuôn khổ GATT là 8%, hiện là 37%) nhưng ngược lại số nguyên đơn là các nước đang phát triển đi kiện thì giảm đáng kể (tỷ lệ hiện nay khoảng 2,5%).

“Nguyên nhân của xu hướng giảm này là do họ không thấy ích lợi gì nhiều trong việc trở thành nguyên đơn” - ông Nam giải thích.

Biện pháp chủ động kiện ngược nước nguyên đơn ra WTO được đề xuất bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep). Cụ thể, các tổ chức này đã đề nghị Chính phủ Việt Nam kiện Chính phủ Mỹ ra WTO về việc điều tra, rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Theo đó, hai nhóm vấn đề được lựa chọn để đề xuất khởi kiện gồm: phương pháp zeroing (quy biên độ phá giá âm về 0, làm thiệt cho các nhà xuất khẩu) và phương pháp xác định biên độ phá giá cho các đơn vị tự nguyện, quy tắc “thuế suất toàn quốc” mà Mỹ đã sử dụng trong quá trình rà soát lại thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.

Theo các bên đề xuất, khả năng Việt Nam thắng kiện là rất lớn.

(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Giải pháp kinh doanh thời khủng hoảng
  • Chuyển hướng cạnh tranh vào châu Á
  • Bất cập quy chế quản trị doanh nghiệp
  • “Thế lực” tiêu dùng mới!
  • Quản trị DN : “Bó” từ thực tế
  • Tập đoàn và con đường phía trước (3)
  • Tập đoàn và con đường phía trước ( 2)
  • Tập đoàn và con đường phía trước (1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com