Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cần nhất một chính sách rõ ràng

Để giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc thành công, rất cần những chính sách rõ ràng, minh bạch và kịp thời của nhà nước để giúp họ có được những quyết sách đúng đắn.

Ngay trong khi Quốc hội đang bàn thảo về việc nên hay không nên có gói hỗ trợ kích thích kinh tế tiếp theo sau khi gói kích thích kinh tế thứ nhất kết thúc vào 31/12/2009, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) đã có một buổi làm việc với Bộ Tài chính để chuyển đề xuất kéo dài chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với mặt hàng ô tô sản xuất trong nước. Lý do được VAMA nhắc tới là thị trường ô tô còn khá nhiều bất ổn và cần thêm sự trợ lực để nhanh chóng phục hồi.

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã có một bản kiến nghị 6 điểm, trong đó đặc biệt đề nghị tới việc cân nhắc về gói hỗ trợ tiếp theo dành để tái cơ cấu doanh nghiệp sau khi gói kích thích kinh tế thứ nhất mang ý nghĩa “cấp cứu” đã hoàn thành sứ mạng của mình.

Trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra vào hồi cuối tuần trước thì các kiến nghị tương tự liên quan đến gói giải pháp chính sách cho giai đoạn được cho là hồi phục kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục. Cho dù Quốc hội và Chính phủ có quyết định thế nào thì kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn là một cơ sở quan trọng để xem xét. Theo bình luận của ông Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các kiến nghị về việc triển khai gói kích thích kinh tế tiếp theo có thể xuất phát từ lợi ích cục bộ mà các doanh nghiệp đang được hưởng và khó có thể là căn cứ khách quan để ra quyết định chính sách. “Song, giá trị quan trọng của chúng là chính các doanh nghiệp là đối tượng thực thi và quyết định sự thành bại của các chính sách kinh tế vĩ mô” - ông Cung nói và cho rằng, việc doanh nghiệp muốn duy trì những lợi thế là tất yếu, và vai trò của Nhà nước trong những trường hợp này là định hướng và dẫn hướng bằng các cơ chế, chính sách hợp lý, nhất quán và được kiểm soát.

Rõ ràng, tái cơ cấu doanh nghiệp là đòi hỏi tự thân và sẽ là công cuộc tự sàng lọc của chính các doanh nghiệp bước đi của mình

Cũng phải nói rằng, một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp và cả các nhà hoạch định chính sách, ủng hộ gói kích thích kinh tế tiếp theo là kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp. Thay vì cách hỗ trợ khá tràn lan của gói kích thích kinh tế thứ nhất, nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi những khoản tín dụng lớn hơn, với thời gian dài hơn cho các kế hoạch cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới…

Ở đây lại cũng có ý kiến băn khoăn rằng, nếu gói kích thích kinh tế thứ hai được thực hiện với mục tiêu trên thì liệu kế hoạch tái cơ cấu của doanh nghiệp có thực sự khả thi? Cũng cần biết rằng, đây chính là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp sau khi kinh qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua. Áp lực tái cơ cấu nổi lên từ bên trong mỗi doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì sự tồn tại và phát triển. Ngay cả khi những hỗ trợ tài chính trên không có thì các doanh nghiệp sẽ vẫn phải cải cách để vươn lên, tuy quá trình này có thể dài hơn và tốn kém hơn.

Rõ ràng, tái cơ cấu doanh nghiệp là đòi hỏi tự thân và sẽ là công cuộc tự sàng lọc của chính các doanh nghiệp. Chỉ có điều, theo ông Vũ Tiến  Lộc - Chủ tịch VCCI, thì công cuộc này sẽ thuận lợi hơn nhiều khi có tác động cùng chiều của chính sách. “Khi các định hướng tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ được hoàn thành và công bố, các doanh nghiệp sẽ có được nền tảng cơ bản để quyết định các bước đi của mình” - ông Lộc nói. Đặt vấn đề này trong các nguyên tắc về đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ - đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải dựa trên lợi thế cạnh tranh ở cả bình diện quốc gia và địa phương, ngành, sản phẩm và từng doanh nghiệp - thì rõ ràng, theo nhận định của ông Lộc, chính doanh nghiệp sẽ là một trong những đối tượng tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đang bàn tới. Hơn thế, trong kinh tế thị trường, sự vận động, chuyển dịch của các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh… sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và các chính sách kinh tế vĩ mô. Vai trò của nhà nước ở đây là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng hệ thống các đòn bẩy kinh tế hợp lý.

Trở lại vấn đề thời sự liên quan đến gói kích thích kinh tế tiếp theo, nhiều doanh nghiệp cho biết đã xây dựng các phương án kinh doanh khác nhau cho các kịch bản chính sách khác nhau. Họ đã chủ động cho các bước đi trong tương lai, nhưng vẫn cần những chính sách rõ ràng, minh bạch và kịp thời của nhà nước để ra quyết định phù hợp.

(Theo Minh Ánh // Báo Doanh nhân)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Đo lường rủi ro của công ty trong suy thoái kinh tế
  • Tái cân bằng - Thách thức không nhỏ của nền kinh tế
  • Kiện ngược lại Mỹ ra WTO: Cân nhắc thiệt hơn
  • Giải pháp kinh doanh thời khủng hoảng
  • Chuyển hướng cạnh tranh vào châu Á
  • Bất cập quy chế quản trị doanh nghiệp
  • “Thế lực” tiêu dùng mới!
  • Quản trị DN : “Bó” từ thực tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com