Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản trị DN : “Bó” từ thực tế

Hợp đồng lao động hiện đang là vấn đề mà các chủ DN "phớt lờ".
Hợp đồng lao động hiện đang là vấn đề mà các chủ DN "phớt lờ".

Các giám đốc chính là người “bị” đặt trước yêu cầu phải biết tất cả mọi kiến thức để quản lý và phát triển DN của họ. Vậy thì các giám đốc của ta đã “học” và “quản” DN như thế nào ?

Học... mánh !

Hiện, Hải Phòng có trên 13.000 DN đăng ký hoạt động và trên 1 triệu lao động, đó là số liệu thống kê ước tính được công bố chính thức. Nhưng đến nay Hải Phòng có bao nhiêu lao động làm việc tại các DN mà không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì không thể có số liệu thống kê nào, dù chỉ ước tính.

Chắc chắn các chủ DN này đều biết mình làm sai khi không ký HĐLĐ. Nhưng một chủ DN giải thích: ông sẵn sàng ký HĐLĐ với người làm khi các quy định liên quan tới lao động bớt rối rắm, phức tạp hơn, và khi chất lượng, trình độ lao động mà ông tiếp nhận vào DN cao hơn. Như vậy, khi thực lực của cơ chế và cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm chưa đủ để giám sát việc sử dụng lao động của các DN, thì việc DN “trốn” các quyền lợi của mình, của người lao động mặc nhiên được coi như “giải pháp hiệu quả” để đảm bảo khả năng vận hành trơn tru, ít rắc rối, liên lụy tới luật pháp của DN ấy.

Sẽ là phản cảm nếu coi thực tế nêu trên là “bài học” cho những chủ DN tại VN. Nhưng phải thừa nhận rằng, nếu DN không biết cách vượt qua những “hạn chế mang tính thời điểm” trong hoạt động, thì không thể nói DN sẽ lớn mạnh trong tương lai. Hiện đa số chủ DN có trình độ quản trị DN chưa cao, thì các biện pháp có tính tình thế có tầm quan trọng với DN không kém các chiến lược dài hơi. Nhưng từ góc độ quản lý nhà nước, thì lại không thể hình dung hay công nhận kinh nghiệm, mánh lới hoạt động thực tế là “bài học” với mỗi DN. Trong khi đó, kiến thức thành văn bản để bồi dưỡng trình độ chủ DN cũng “tránh” chủ đề này. Và đó là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao giới chủ DN vẫn thời ơ với việc học, áp dụng các kiến thức quản trị DN...

Đào tạo thế nào ?

Hội đồng Phát triển bền vững Hải Phòng vừa có một cách làm hay để bắt đầu công cuộc nâng “chất” lực lượng chủ DN của thành phố. Đó là phối hợp với Hội DN Trẻ Hải Phòng và Cty CP Truyền thông Thương Hiệu Vàng để tổ chức Hội thảo “Doanh nhân học và nhu cầu đào tạo giám đốc DN phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế”.

Ở góc độ thông tin tuyên truyền, thì đây là hội thảo đầu tiên của Hải Phòng đặt vấn đề và trực tiếp bàn về sự học của doanh nhân. Vì thế không quá khó để hình dung nội dung của hội thảo sẽ phải bao gồm đánh giá về tầm quan trọng của việc học, kinh nghiệm học cũng như các giải pháp đáp ứng, kích thích nhu cầu học cho doanh nhân thành phố. Và cũng sẽ có giải pháp, ý tưởng được đưa ra. Chẳng hạn như giới thiệu về Đề án đào tạo 1.000 giám đốc, hay ý tưởng thành lập Trung tâm đào tạo doanh nhân của thành phố, của CP Truyền thông Thương Hiệu Vàng...

Điều mà cả nhà quản lý, nhà giáo dục và chính DN đều hiểu, cần nhanh chóng tìm cách nâng cao trình độ các chủ DN. Nhưng nâng bằng cách nào và nâng bằng nội dung gì thì lại là điều chưa được làm rõ. Nhưng hiện không có chương trình nào trả lời được câu hỏi: cần đào tạo những gì, và giám đốc DN cần phải có trình độ như thế nào.

Về lý thuyết, các chương trình đào tạo giám đốc hiện nay đều được chia thành những “khối” kiến thức có nội dung liên quan trực tiếp tới các mảng quản lý, hoạt động chính tại DN. Cơ bản, nội dung kiến thức các chương trình này đều là sự rút gọn của các kiến thức chuyên ngành hẹp như lao động, tài chính, nhân sự... Mà những kiến thức ấy, các chủ DN đều có thể “tìm” được từ chính nhân viên của họ. Với nhiều chủ DN, điều họ thiếu nhất là kinh nghiệm phối hợp những cá tính nhân viên, những kiến thức chuyên ngành mà nhân viên hiểu rõ, để trở thành khối chung phục vụ nhu cầu phát triển DN. Cái thiếu nữa là chương trình đào tạo cần phù hợp với quy mô, với thực tế hiện tại của DN họ đang quản lý. Thực tế quản lý một DN 200 công nhân khác với quản lý DN chỉ 20 công nhân, hay DN có vốn 200 tỷ VND cũng khác với DN chỉ có 20 tỷ VND vốn... đương nhiên, kèm theo đó là cách quản lý DN của chủ DN cũng phải khác nhau, có nghĩa là chủ DN sẽ có yêu cầu khác nhau trong tìm tòi kiến thức phục vụ DN mình...

Vậy nên, điều cần trước tiên là phải “câu” được sự chú ý của chính chủ DN với nhu cầu học nâng cao trình độ. Nhưng ngay từ bây giờ, đặt vấn đề đào tạo thế nào và bằng kiến thức gì để nâng tầm giám đốc DN của Hải Phòng đã cần phải được đặt ra nghiêm túc, chứ không thể nói xong rồi... để đó. Cần hiểu rằng, có chương trình đào tạo hay không thì các DN vẫn được khai sinh và hoạt động, nhưng chất lượng hoạt động của DN mới là điều quyết định tới chất lượng phát triển kinh tế của một địa phương, rộng hơn là một nền kinh tế.

 

(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tập đoàn và con đường phía trước (3)
  • Tập đoàn và con đường phía trước ( 2)
  • Tập đoàn và con đường phía trước (1)
  • TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Phân định kẻ thắng người thua
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com