Trước khi cuộc khủng hoảng xảy đến, toàn cầu hoá tưởng như là một xu thế khá bền vững. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu cũng đã hiện hữu một vài thách thức cụ thể.
Trong hơn một thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến toàn thế giới hội nhập ở mức độ sâu và rộng chưa từng có kể từ sau Thế chiến I (nếu không muốn nói là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay).
Từ suốt thập niên 1990 đến thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng hiện nay, GDP toàn cầu tăng bình quân ở mức chóng mặt: hơn 5% so với mức tăng trưởng GDP thực tế. Ấy thế mà, giá trị trao đổi mậu dịch còn lớn hơn gấp 1,5 lần còn lượng vốn lưu chuyển lớn gấp 2 lần. Sự ra đời của hệ thống cáp quang ngầm dưới biển vào những năm cuối thập niên 1990 đã làm đòn bẩy thúc đẩy sự bùng nổ của mạng lưới dữ liệu và giải phóng một lượng thông tin khổng lồ được trao đổi trên quy mô toàn cầu.
Trong hơn hai thập niên qua, các chính phủ đã ký kết hơn 200 hiệp định mậu dịch tự do, mức thuế đánh vào các mặt hàng giảm đến mức thấp chưa từng có. Cùng lúc, các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, sau nhiều năm dài duy trì chính sách biệt lập cũng đã mở cửa và gia nhập ở mức độ sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Tóm lại, trong suốt giai đoạn đó, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Thế nhưng, lúc này, một câu hỏi lớn đặt ra là: liệu mọi việc có khi nào bị đảo lộn hay không?
Ảnh: usm.edu |
Với đà suy thoái hiện giờ, ít nhất một vài trong số nhiều con tuấn mã của cỗ xe toàn cầu hoá đang bị thắng dây cương. Chẳng hạn, trong năm nay, giá trị mậu dịch toàn cầu theo ước tính sẽ sụt giảm hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Chính phủ một số nước sẽ tăng thuế quan và áp dụng quy định nhập cư ngặt nghèo hơn trước. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nước Mỹ đã và đang lan ra toàn cầu, giáng một đòn mạnh vào những lĩnh vực chủ chốt như sản xuất và khai khoáng.
Tuy vậy, các diễn biến lại không nghiêng hẳn theo một chiều hướng cụ thể nào. Tốc độ toàn cầu hoá trong lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ có thể bị đình đốn trong một thời gian bởi trao đổi mậu dịch quốc tế bị chững lại cùng với sự suy giảm về nhu cầu nhưng nó khó có khả năng bị sut giảm hoàn toàn.
Mặc dù, các chính trị gia chẳng còn mấy mặn mà với nỗ lực thúc đẩy tự do hoá mậu dịch (minh chứng là Vòng đàm phán Doha được khởi động từ năm 2001 đến nay vẫn bế tắc) nhưng nếu họ hoàn toàn quay lưng lại với mậu dịch tự do thì người dân ở nhiều nước, trong đó có người dân của chính họ, sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp, giá cả tiêu dùng tăng cao và đặc biệt, động thái sẽ dập tắt các triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Khi chúng ta không thể làm dịu hoàn toàn làn sóng phản đối toàn cầu hoá của những lực lượng theo chủ nghĩa dân tuý thì nên chăng chúng ta hãy cố gắng duy trì các biện pháp bảo hộ chỉ ở mức tối thiểu và khôi phục hệ thống thương mại toàn cầu để đón đầu khi tình hình sáng sủa trở lại.
Có thể ở nước Mỹ, chính phủ nước này đang ra sức hạn chế lượng pho-mát Pháp nhập khẩu (dẫn đến tình trạng người dân ở New York đổ xô đi mua cho bằng được loại pho-mát lừng danh Roquefort của Pháp) nhưng ở phía bên kia bán cầu, Hàn Quốc lại vừa ký kết hiệp định mậu dịch tự do mới với Liên minh châu Âu.
Luồng thông tin được trao đổi rộng rãi hơn bao giờ hết trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông được sử dụng ngày càng rộng rãi. Cuộc gặp gần đây của nhóm G20 thể hiện cam kết của các nhà lãnh đạo về việc mở rộng các thị trường và hướng đến mậu dịch tự do nhưng chính sách của từng quốc gia thành viên lại không nhất quán.
Những người bi quan nhất ví những gì đang xảy đến với toàn cầu hoá tại thời điểm trước khủng hoảng giống giai đoạn trước Thế chiến I ở chỗ ai nấy đều chắc mẩm “mình biết rõ mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ thế nào”. Mối đe doạ hàng đầu với nền kinh tế toàn cầu chính là sự thất bại của lực lượng bảo hộ chủ chốt và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không còn bất kỳ giải pháp nào dù là nhỏ nhất để chặn đứng bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Cũng phải thú nhận rằng, hai giai đoạn trước khủng hoảng và đầu thế kỷ XX có những điểm trùng hợp đến kỳ lạ: sự tăng trưởng ngoạn mục của mậu dịch tự do, sự nổi lên của chủ nghĩa trọng thương mới (chẳng han, hàng loạt quốc gia từ chỗ nhòm ngó rồi đi đến chiếm hữu đất đai nông nghiệp tại châu Phi trước mối lo ngại về an ninh lương thực) và đương nhiên còn có cả niềm tin thái quá vào đà tăng trưởng vô tận của nền kinh tế.
Thế nhưng, hai giai đoạn này cũng có những điểm khác biệt căn bản. Những khác biệt rõ rệt có thể nhận thấy ngay tức thì chính là việc giờ đây, nguồn sức mạnh vô tận được khai phá từ mạng lưới viễn thông toàn cầu đã mở đường cho dòng thông tin trao đổi không ngừng nghỉ. Công nghệ điện toán thì đã tiến nhưng bước vượt bậc so với giai đoạn trước. Đó là chưa kế đến sức sáng tạo của con người tại giai đoạn này đã đóng góp cho xã hội những thành tựu không thể ngờ tới.
Đối với sự toàn cầu hoá nguồn nhân lực, dòng nhập cư của lực lượng lao động có chất lượng sẽ bị chững lại nếu các chính phủ thắt chặt quy định nhập cư trong một động thái nhằm xoa dịu người dân nước mình trước nỗi lo bị mất việc làm vào tay lực lượng lao động ngoại quốc.
Thế nhưng, dân số châu Âu đang dần già cỗi khiến lục địa này dù muốn dù không cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khi, các thị trường mới nổi vẫn không ngừng sản sinh ra lớp cử nhân mới ngày càng chiếm số đông trên thế giới.
Thêm nữa, công nghệ thông tin và truyền thông vẫn đang từng ngày từng giờ tạo nên mạch nguồn cho việc chia sẻ kiến thức trên quy mô toàn cầu. Nhìn chung, chúng ta có thể tin tưởng rằng thị trường toàn cầu cho các nhân lực quản lý và kỹ thuật vẫn tiếp tục tăng.
Nếu xét vấn đề theo hướng tích cực, mối liên kết này nhìn chung đã thúc đẩy sự minh bạch trong hệ thống tài chính toàn cầu, tăng cường sự phối hợp về mặt quy định và trên cấp độ các ngân hàng trung ương cũng như củng cố các biện pháp quản lý rủi ro.
Lúc này, việc các nhà chiến lược cần bắt tay làm ngay là nghiêm túc thử nghiệm, đặt các mô hình kinh doanh của mình trong những tình huống giả định khác nhau chẳng hạn như: nếu hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn cùng nguồn nhân lực được tự do lưu chuyển và di chuyển công bằng giữa các quốc gia thì sao? điều gì xảy ra nếu việc lưu chuyển đó phải lệ thuộc vào một loạt các hệ thống quy định và thuế quan không đồng nhất giữa các quốc gia? và rồi, mọi chuyện sẽ thế nào nếu thế giới đứng trước tình trạng bảo hộ tràn lan?
Sở dĩ chúng ta cần đưa ra và phân tích các tình huống như vậy là để tìm ra: trong những tình huống nào thì một lĩnh vực sản xuất cụ thể nào đó có thể bị chao đảo do hàng rào thuế quan ngặt nghèo; trong tình huống nào, các cơ sở kinh doanh tại nước ngoài của doanh nghiệp có thể phải đóng cửa do họ không thể tiếp cận tới nguồn vốn hay do họ đã không thể tiến hành các hoạt động mang tính cốt lõi hoặc ở nước mình hoặc ở nước sở tại do sự hạn chế về việc di chuyển nguồn nhân lực.
Tất cả những điều này xảy đến đều do một nguyên nhân sâu xa chính là người ta không còn mặn mà gì với việc thúc đẩy sự hội nhập toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế, đẩy giá lên cao và gia tăng thất nghiệp.
Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh muốn thực hiện thành công toàn cầu hoá không phải quá khó. Nếu có quyết tâm, với sự khôn khéo của con người kết hợp với các nỗ lực chính trị, toàn cầu hoá hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất nằm ở chỗ: những người có nghĩa vụ thực hiện sẽ tự hỏi liệu mình có được lợi lộc gì khi cố gắng nhiều đến vậy hay không mà thôi ?
* Nhận định: Xu thế này đang giảm dần.
(Theo Như Nguyệt//Eric Beinhocker và Elizabeth Stephenson//TuanVietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com