Kỹ sư Lars Rasmussen, người vừa rời Google sang đầu quân cho Facebook. |
Cuối tháng Mười vừa qua, một trong những kỹ sư nổi bật của Google đã rời công ty 23.000 nhân viên này để đầu quân cho Facebook – một công ty chỉ có khoảng 2.000 nhân viên. Sự ra đi của Lars Rasmussen, nhà đồng phát triển các dịch vụ Google Maps và Google Wave, đã đặt ra những câu hỏi lý thú về vấn đề phát minh sáng tạo trong doanh nghiệp công nghệ, như liệu các công ty có thể vừa tăng trưởng vừa duy trì khả năng phát minh sáng tạo được hay không?
Câu chuyện của Google Wave
Với dự án đầy tham vọng Google Wave (một ứng dụng web dành cho sự cộng tác và giao tiếp theo thời gian thực), ông Rasmussen muốn chứng minh cho bản thân và Google rằng sự phát minh sáng tạo có thể tồn tại ở một công ty có quy mô lớn như Google.
Nhóm phát triển Google Wave hoạt động giống như một công ty độc lập bên trong Google. Họ lập một văn phòng riêng tại Sydney (Úc), cách xa trụ sở của Google ở bang California (Mỹ), làm việc chủ yếu trong bí mật (một điều khá hiếm tại một công ty nổi tiếng về sự cởi mở như Google). Tuy nhiên, dự án đã thất bại. Vào tháng Tám vừa qua, Google quyết định chấm dứt dự án Google Wave, dù Giám đốc điều hành Eric Schmidt cho biết công ty sẽ tích hợp một số phần của công nghệ này vào trong những sản phẩm khác.
Bất chấp thất bại nói trên, một số chuyên gia vẫn đánh giá cao việc những công ty lớn như Google muốn tìm kiếm ý tưởng mới và sẵn sàng xem đó là một ưu tiên. Ông Karim Lakhani, một trợ lý giáo sư tại trường kinh doanh Harvard, nói: “Tôi hoan nghênh việc Google quyết định sớm trình làng Google Wave rồi nhanh chóng đóng cửa dịch vụ khi thấy nó không đi đến đâu. Nó cho thấy Google quan tâm đến việc thử nghiệm ý tưởng mới và sẵn sàng nhìn nhận thất bại”. Theo ông Lakhani, chỉ có sản phẩm này thất bại trong lúc toàn bộ hệ thống vẫn hiệu quả.
Tương tự, người phát ngôn của Google, Aaron Zamost nói rằng, một thành công của Google Wave là nó cho thấy các công ty lớn sẵn sàng chấp nhận rủi ro và sẽ tiếp tục làm như thế. Ông nói: “Chúng tôi muốn chống lại hội chứng công ty lớn. Google là công ty lớn, nhưng cũng là nơi thích tranh luận”.
Lợi thế của công ty lớn
Trong danh sách 25 công ty phát minh sáng tạo nhất thế giới năm 2010 mà công ty tư vấn Boston Consulting Group và tạp chí Bloomberg BusinessWeek vừa công bố, đứng đầu là Apple, Google, Microsoft và IBM. Trong khi đó, những tên tuổi đang nổi như Facebook và Twitter lại không có tên trong danh sách này. Ông Jim Andrew, một chuyên gia cao cấp tại công ty Boston Consulting Group, nhận định: “Những công ty lớn có nhiều lợi thế để có thể trở nên sáng tạo hơn so với công ty nhỏ”.
Sức mạnh tài chính là một những lợi thế chính của công ty lớn. Theo ông Andrew, ngay cả khi một công ty nhỏ có một ý tưởng tuyệt vời nào đó, họ cũng khó có thể thực hiện được nó và mang nó ra thị trường vì không có đủ tiền. Ngược lại, với ngân sách dồi dào, các công ty lớn có thể làm điều này dễ dàng hơn nhiều.
Một lợi thế khác của các công ty lớn là họ có khả năng chấp nhận những rủi ro lớn. Các đại gia công nghệ cao có khuynh hướng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Theo ông Andrew, điều này có nghĩa là họ có thể đặt cược vào những ý tưởng mới mà không sợ gây rủi ro cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, các công ty mới thành lập có xu hướng đặt cược tương lai vào một sản phẩm hoặc khái niệm. Theo ông Lakhani, họ đặt cược lớn, nhưng hầu hết kết thúc trong thất bại.
Dù vậy, một vấn đề của các công ty lớn là họ có thể trở nên quá an phận đến nỗi không chấp nhận những rủi ro được xem là cần thiết cho sự đổi mới. Ông Lakhani nhận định: “Khi các công ty trở nên lớn mạnh hơn, vấn đề phát minh sáng tạo thường bị lấn át bởi cơ cấu quản lý và những triết lý cứng nhắc hơn”. Đây có lẽ là bài học mà công ty Facebook đang tăng trưởng nhanh có thể học hỏi trong bối cảnh một số nhân viên kỳ cựu của công ty này quyết định rời Facebook để lập công ty riêng.
Về phần mình, các công ty nhỏ có xu hướng ban hành quy định ít hơn. Điều này có thể giúp nhân viên có nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp mới cũng có nhiều động lực hơn trong hoạt động phát minh sáng tạo. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các công ty lớn không biết thúc đẩy nhân viên phát minh sáng tạo. Chẳng hạn như Google có chính sách cho phép các kỹ sư dành 20% thời gian làm việc vào những dự án ưa thích.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn / CNN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com