Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những thảm bại và “trò lố” công nghệ năm 2010

Năm 2010 có nhiều điều đáng nhớ về công nghệ, có không ít những thay đổi mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, ngược lại, đây cũng là năm có không nhiều thất bại đắng cay và cả những phát biểu quá lố.

Dưới đây là 10 thất bại và những trò lố trong thế giới công nghệ năm 2010 do tạp chí PC World điểm mặt:

“Yểu mệnh” như điện thoại Microsoft Kin

Mất hai năm phát triển và chi ra một số tiền quảng cáo không nhỏ cho dòng điện thoại Kin, nhưng Microsoft đã sớm phải gánh lấy thất bại. Chỉ 48 ngày sau khi tung ra mẫu dế thông minh này, Microsoft đã phải ngậm ngùi ngừng bán vì doanh số đáng thất vọng của nó.


“Đây là một thất bại tuyệt đối”, Charles S. Golvin, một chuyên gia phân tích tại Forrester Research khẳng định.Ông Golvin cho biết đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến Microsoft “khai tử” một sản phẩm quá nhanh, bởi người hùng phần mềm này vốn có truyền thống gắn bó lâu bền với các sản phẩm mới và không ngừng cải tiến chúng theo thời gian.

Dòng smartphone Kin gồm hai mẫu điện thoại mang tên Kin và Kin Two nhằm vào những khách hàng trẻ tuổi và nổi bật với tính năng hỗ trợ truy cập vào những mạng xã hội như Facebook và Twitter.

Hiện cả Microsoft và Verizon Wireless - nhà phân phối độc quyền điện thoại Kin đều không công bố những con số bán hàng cụ thể của dòng smartphone này, nhưng nguồn tin thân cận với cả hai công ty khẳng định doanh số rất đáng thất vọng.

Dài cổ chờ iPhone 4 màu trắng

Phiên bản màu trắng của mẫu điện thoại đình đám iPhone 4 vẫn là tâm điểm được giới công nghệ bàn tán tới tận giờ này, không phải vì tính năng vượt trội mà bởi nó bị trì hoãn ra mắt quá lâu, kể từ tháng 6 tới giờ.


Hết lần này tới lần khác, Apple trì hoãn ra mắt sản phẩm, mặc cho sự mong ngóng của người tiêu dùng. Đã gần nửa năm trôi qua, vẫn chưa ai rõ mẫu thiết kế này ra sao. Thông báo mới nhất cho biết, sản phẩm này có thể phải hoãn tới đầu năm tới, nhưng điều này cũng chưa chắc chắn.

Nghịch lý trên Facebook

Facebook đang đối mặt với nghịch lý là mạng xã hội được hình thành với mục đích kết nối và chia sẻ, nhưng thành viên lại đòi hỏi bảo vệ thông tin cá nhân. Marc Rotenberg, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin bảo mật điện tử (EPIC) nói: “Facebook là ví dụ điển hình cho thấy sự cần thiết phải cập nhật luật bảo vệ quyền riêng tư của chúng ta”.


Đầu năm nay, bốn thượng nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu Facebook tăng cường kiểm soát người dùng với thông tin cá nhân của họ, đồng thời họ cũng thúc đẩy Ủy ban thương mại Liên bang điều tra. Cơ quan này cũng đang xem xét một hệ thống “không theo dõi tôi” cho dữ liệu trực tuyến, kiểu như hệ thống ngăn cặn các cuộc gọi điện thoại tiếp thị.

Tuy nhiên, tuyên bố đầu năm nay, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, cho rằng, ngày nay con người không còn quan tâm đến sự riêng tư trên mạng nữa.

Zuckerberg cho rằng, cuộc tranh luận về bảo vệ quyền riêng tư là khó hiểu và ngược với hành vi của người dùng. “Chúng tôi lắng nghe tất cả ý kiến phản hồi dù nhỏ, nhưng chúng tôi cũng xem xét cách người ta sử dụng trang web” – Zuckerberg nói trong một hội nghị ở Silicon Valley. Anh dự đoán việc chia sẻ thông tin cá nhân sẽ tăng, chứ không phải giảm.

Nhàm chán có bằng… Google Wave?

Từng được thử nghiệm rầm rộ với hơn 100.000 tài khoản may mắn tham gia, cũng vừa mở cửa rộng rãi cho người dùng toàn thế giới cách đây 3 tháng, vậy mà chỉ sau 1 năm, những người hâm mộ Google Wave phải ngậm ngùi “dọn nhà”.


Google hồi đầu tháng 8 đã chính thức thông báo sẽ đóng cửa hệ thống này vào cuối năm, và mặc dù vẫn duy trì cho đến ngày cuối cùng nhưng sẽ không tiếp tục hỗ trợ và cập nhật mới nữa. Ngoài ra, những công nghệ đang được áp dụng cho dự án Google Wave sẽ được chuyển hướng hoạt động sang nội dung khác.

Về bản chất, Google Wave là một dịch vụ hỗn hợp bao gồm quá nhiều chức năng, cho phép người dùng kết hợp giữa e-mail với việc giải trí, kết nối bạn bè trong mạng xã hội, tham gia trò chuyện, chia sẻ file, video, thông tin, tài liệu… theo thời gian thực cùng nhiều công cụ quản trị nền web phức tạp khác.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những ý đồ ban đầu, Google Wave nhanh chóng thất bại bởi có quá ít tính năng nổi trội nhưng lại nhiều sự nhàm chán. Sau hơn 1 năm, mạng xã hội này hầu như không thêm được thành viên mới, nên sự “khai tử” có lẽ cũng là điều tất yếu.

Vụng chèo vụng cả.. chống


Lỗi ăngten bắt sóng yếu ở iPhone 4 có lẽ là một trong những xìcăngđan lớn nhất về dòng điện thoại này kể từ khi Apple ra mắt phiên bản đầu tiên.


Nhưng trước những lời phàn nàn về hiện tương mất sóng của iPhone 4, CEO của Apple đã “khẳng khái” tuyên bố đây là vấn đề chung của mọi sản phẩm di động thông minh, thậm chí lãnh đạo của hãng còn mang cả các mẫu dế BlackBerry, HTC, Samsung ra làm bằng chứng.

Chưa hết, CEO Apple trước đó còn đổ lỗi cho người tiêu dùng cầm điện thoại sai cách, khiến iPhone 4 mất sóng. Tuyên bố này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí một số hãng đối thủ như Motorola, Nokia còn đăng hướng dẫn cách cầm máy cho đúng đầy mỉa mai.

Sau đó, Apple đã chỉnh sửa firmware cho phép hiển thị các cột sóng nhiều hơn và sự cố đã không xuất hiện trở lại với các model thiết kế sau đó. Tuy nhiên, lỗi mất sóng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Apple.

Không phải mọi thứ của Google đều được đón nhận

Mọi người thường nghĩ, những gì Google làm ra đều được đón nhận, nhưng Nexus lại khiến người ta phải nghĩ ngược.


Google đã tuyên bố ngừng bán điện thoại đầu tiên mang tên mình - Nexus One. Trước đó, do doanh số thấp thảm hại, Google đã đóng cửa trang web bán Nexus One. Tại Mỹ, Nexus được mở khóa, bán trực tiếp tới tay người dùng, không thông qua các nhà phân phối.

Tuyên bố của Google được đưa ra trên blog từ ngày 16/7 nhưng có vẻ như không nhiều người phiền lòng vì Nexus bị khai tử. Nexus không được chào đón tại Mỹ bởi người tiêu dùng nước này không quen với khái niệm điện thoại mở khóa.

Đó là lý do tại sao đến thời điểm Google tuyên bố ngừng bán, mới có 135.000 chiếc Nexus được bán ra tại Mỹ, trong khi Apple đã tiêu thụ hơn 1 triệu iPhone 4 dù mẫu điện thoại này phát hành sau điện thoại nền tảng Android của Google gần nửa năm.

Ồn ào kiểu Microsoft Courier


Trước khi iPad được bán trên thị trường, Microsoft gây ồn ào với những video "rò rỉ" về chiếc máy tính bảng hai màn hình trong những tháng đầu năm, thu hút vô số người hâm mộ nhưng sau đó lại tuyên bố họ không định sản xuất một thiết bị như thế.


Dự án Microsoft Courier được tiết lộ lần đầu vào tháng 9 năm ngoái. Đây là sản phẩm rất được mong đợi vì tính chất đột phá của nó. Khi bị lộ tin vào năm ngoái, dường như Courier đã gần hoàn chỉnh.

Courier có hình dạng của một cuốn sách với 2 màn hình 7 inch, tích hợp camera và có khả năng kết nối Wi-Fi, thiết bị hỗ trợ một loạt các cách nhập liệu đầu vào (input) cho người sử dụng như cảm ứng, viết tay và vẽ...

Những lời hớ hênh của Eric Schmidt

Tương tự như Facebook, Google cũng bị chỉ trích nhiều về việc xâm phạm sự riêng tư. CEO của họ từng tuyên bố trong tháng 8: "Nếu không làm điều gì bất hợp pháp, bạn việc gì phải lo lắng về sự riêng tư?" hay "Thanh thiếu niên nếu không muốn rắc rối vì các hành vi thiếu thận trọng trên mạng, họ chỉ cần... đổi tên khi trưởng thành".


Khi bị người dùng phản đối việc bị đưa hình ảnh trên Street View, Eric Schmidt lại tuyên bố “Nếu không muốn bị đưa lên Street View, hãy chuyển nhà”. Theo ông này, nếu lo ngại cuộc sống riêng tư bị xâm phạm, người dân tại những nơi Google triển khai dịch vụ chụp ảnh đường phố có thể tính đến chuyện chuyển nhà.

Tuyên bố này được Eric Schmidt đưa ra trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN (Mỹ). Tuy nhiên, sau đó vị CEO này giải thích ông chỉ lỡ lời: "Ý tôi là nếu lo lắng về những ảnh hưởng của dịch vụ Street View và muốn rời nhà, bạn chỉ cần liên hệ với Google và chúng tôi sẽ xóa ảnh căn nhà của bạn".

Dù vậy, danh sách những câu nói hớ của Schmidt về quyền riêng tư vẫn đang ngày một dài. Đầu tháng 8, ông phát biểu trên báo Wall Street Journal rằng, nếu không muốn để lộ danh tính và những hành vi thiếu thận trọng khác trên mạng, thanh thiếu niên đơn giản chỉ cần... đổi tên khi họ trưởng thành.

Ngắn như… “vô tận”

Thêm một thiết bị được hãng sản xuất “nổ như pháo rang” về tính năng vượt trội, có thể đánh bại các đối thủ trong cùng phân khúc thị trường.


Theo hãng Plastic Logic, chiếc máy đọc sách điện tử Que của họ sẽ đánh bại sản phẩm Kindle của Amazon chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Kỳ vọng là vậy, nhưng tới giờ, người tiêu dùng vẫn hỏi nhau thời gian ngắn ngủi đó là bao lâu khi Que đang bị trì hoãn vô thời hạn?

Vẫn là dấu hỏi lớn
 
Một trong những tuyên bố gây sốc nhất liên quan tới lĩnh vực công nghệ trong năm nay là việc Ấn Độ tiết lộ một mẫu máy tính bảng có giá vẻn vẹn 35 USD. So với chiếc iPad giá 600 USD, thiết bị này quả thực là một cuộc cách mạng. Đáng tiếc là, không có tin tức gì được cập nhật về thiết bị này.


Trước đó, hôm 22/7, ông Shri Kapil Sibal, Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, giới thiệu chiếc máy tính bảng này sẽ dành cho sinh viên với mức giá thấp kỷ lục.

Vị bộ trưởng cho biết, thiết bị sẽ tích hợp màn hình cảm ứng, Wi-Fi chuẩn, có khả năng lướt web trơn tru cũng như xem video trên YouTube. Ngoài ra, máy tính bảng này còn được bán ra với 2 mẫu thiết kế khác nhau, đều có 2 GB bộ nhớ RAM và cổng USB. Đặc biệt, sản phẩm được trang bị hệ thống tiêu thụ điện năng tiết kiệm 2 W, phù hợp với tình trạng điện không ổn định tại một số khu vực ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, sau đó, Mike Elgan, chuyên gia phân tích của trang PC World, khẳng định lời tuyên bố mới đây về việc sẽ cho ra mắt tablet giá rẻ của lãnh đạo quốc gia đông dân thứ nhì thế giới là hoàn toàn vô căn cứ.

Theo Mike, sự kiện công bố máy tính bảng 35 USD không khác nào một chiêu PR nhằm quảng bá cho ngành công nghiệp máy tính nói chung và công nghệ thông tin nói riêng của nước này. “Việc phát minh ra một sản phẩm công nghệ đột phá chắc chắn sẽ gây sự chú ý và nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía dư luận và báo giới”, Mike cho biết.

Ông dẫn chứng trong quá khứ, tháng 2 năm ngoái, Ấn Độ từng công bố loại laptop có mức giá đáng kinh ngạc 10-20 USD với tên gọi Shaksat. Đồng thời, họ cam kết sẽ bán sản phẩm rộng rãi cho hàng triệu sinh viên tại Ấn Độ, với mục tiêu tạo ra bước đột phá cho cải cách giáo dục của nước này. Tuy nhiên sau hơn một năm, laptop Shaksat vẫn chưa hề xuất hiện trên thị trường.

(Theo Vneconomy)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Những xu thế công nghệ di động hàng đầu 2011
  • 2010 - Năm của "bùng nổ" dịch vụ tiện ích qua mạng
  • Thư viện sách điện tử lớn nhất thế giới
  • Toàn cầu hóa, truyền hình và bản sắc văn hóa
  • Xu hướng của tương lai
  • Hướng tới một xã hội kết nối
  • Kê toa thuốc thời công nghệ cao
  • 10 mạng xã hội không lo “đụng hàng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com