Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương mại điện tử: Vẫn chỉ là… tiềm năng

Từ lâu, khái niệm và ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) đã được hệ thống hành chính và DNVN ứng dụng và thúc đẩy để phát triển. Thế nhưng đã qua hàng chục năm ròng, TMĐT vẫn chỉ là… tiềm năng.

Hạ tầng thấp


Thực tế cả hệ thống hành chính, nhất là những cơ quan có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dịch vụ hành chính công và DN đều rất quan tâm và thấy được lợi ích của TMĐT. Cho đến nay, lĩnh vực này đã được nhiều ngành áp dụng như tài chính, hải quan, kho bạc, ngân hàng... Tuy nhiên, dù có nỗ lực bao nhiêu thì vẫn chưa đủ và TMĐT chưa thực sự trở thành động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh và làm ăn cho DN.

Theo các chuyên gia, thì một trong những khó khăn mấu chốt là vấn đề hạ tầng phục vụ cho TMĐT. Ở mức độ sơ khai nhất thì cho đến nay, các bộ ngành và địa phương mới nặng về hình thức cung cấp thông tin một chiều từ bộ, ngành, địa phương đến người dân và DN. Trong khi đó, yêu cầu về năng lực tương tác và phản hồi trực tiếp và trực tuyến trên hệ thống website là ở dạng yếu. Một ví dụ cụ thể nhất là cho đến nay, dù hệ thống cây ATM đã khá nhiều trên toàn lãnh thổ VN, thế nhưng, lĩnh vực chính mà ATM phục vụ vẫn chỉ là rút tiền. Các giao dịch khác như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn... hầu như còn rất hạn chế. Một ví dụ khác là cùng với chiếc thẻ ATM đã hiện diện trong túi của toàn bộ hệ thống cán bộ, công chức, công nhân... thế nhưng hệ thống điểm chấp nhận thanh toán thẻ lại chưa phát triển.

Ở cấp độ cao hơn, cho đến nay VN đã có các luật và hệ thống văn bản về thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, thậm chí là đã có cả các cơ quan được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Thế nhưng, số đông các DN còn xa lạ với dịch vụ chữ ký số. Các chuyên gia cho rằng có hai lý do chính: Một là số đông DN chưa dám tin vào độ chắc chắn của chữ ký số khi áp dụng trong giao dịch TMĐT. Hai là bản thân hạ tầng TMĐT cũng chưa thực sự phát triển để có thể đảm bảo an toàn, bền vững cho ứng dụng giao dịch TMĐT một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, lâu nay tính bảo mật và an ninh trong giao dịch TMĐT tại VN cũng còn nhiều lỗ hổng. Vì thế mà với các giao dịch lớn, hầu hết các cá nhân và DN đều phải trực tiếp, hoặc thông qua ngân hàng với nhiều thủ tục nhân công.

Còn nhiều bất cập

Tại VN, đã có quá nhiều những hội thảo bàn bạc về việc làm gì để phát triển TMĐT? Câu trả lời chính để có thể giải quyết được vấn đề này vẫn là yêu cầu từ phía Nhà nước. Các chuyên gia khẳng định ngay giữa hệ thống các cơ quan, DNNN với nhau thôi thì hình thức giao dịch TMĐT cũng vẫn còn xa lạ và mất cân đối về loại hình. Cụ thể, nếu như mức trung bình trên thế giới đối với loại hình giao dịch B2B (DN với DN) và B2C (DN với khách hàng) chiếm tỉ trọng lớn có khi tới 90%, thì ở VN đang có chiều hướng ngược lại. Tức là giao dịch TMĐT chủ yếu vẫn là giao dịch nhỏ do số đông khách hàng mua hàng qua mạng áp dụng. Trong khi đó, hệ thống hành chính và DN lớn thì chỉ chiếm lượng giao dịch rất ít.

Một ví dụ khác là hiện nay dù hệ thống kho bạc, hải quan, tài chính đã cơ bản áp dụng giao dịch điện tử. Thế nhưng đằng sau đó lại là hàng loạt các thủ tục nặng về nhân công như hóa đơn, chứng từ, ký nhận, xác nhận, kiểm tra thủ công... Điều đó cũng đủ cho thấy là sự bất cập trong hệ thống TMĐT cũng như năng lực đáp ứng nhu cầu còn rất hạn chế.

Tại các hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng là tại VN hiện nay, hầu hết các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN đều có website. Thế nhưng những website này lại nặng về tính “trang sức” chứ chưa thực sự phát huy hiệu quả tương tác, giao dịch bằng các hình thức trao đổi, giao dịch qua email, giới thiệu và đăng ký thông tin trên mạng Internet, mua bán trực tuyến... Thừa nhận vấn đề bất cập về hạ tầng, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, hệ thống đường truyền của VN cũng chưa thực sự đồng bộ, khó thanh toán trực tuyến qua mạng, an ninh mạng và bảo mật thông tin còn yếu và hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử cũng chưa hoàn thiện, chưa kể đến vấn đề nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ...

Các chuyên gia cho rằng với thực trạng này, việc đào tạo và ứng dụng TMĐT rất cần có bài bản từ đầu, chứ không thể “ăn xổi ở thì”. Các chuyên gia nhận định, đến tận bây giờ việc đào tạo TMĐT cũng còn rất manh mún. Dù hiện cả nước có khoảng 50 trường ĐH, CĐ triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, nhưng một số môn học vẫn... chưa có giáo trình mà chỉ là bài giảng. Cá biệt, gần 50% số trường giảng viên tự nghiên cứu để giảng dạy TMĐT. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không bắt đầu từ chiến lược đào tạo bài bản thì TMĐT ở VN sẽ không có nguồn nhân lực, đồng thời cũng không thể có nền TMĐT hoàn thiện theo chuẩn quốc tế.

(Báo Lao Động)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Những thảm bại và “trò lố” công nghệ năm 2010
  • Những xu thế công nghệ di động hàng đầu 2011
  • 2010 - Năm của "bùng nổ" dịch vụ tiện ích qua mạng
  • Thư viện sách điện tử lớn nhất thế giới
  • Toàn cầu hóa, truyền hình và bản sắc văn hóa
  • Xu hướng của tương lai
  • Hướng tới một xã hội kết nối
  • Kê toa thuốc thời công nghệ cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com