Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ nội dung số và những mảng sáng tối

Cuộc sống của con người ngày càng dịch chuyển lên môi trường Internet đã tạo ra những cơ hội kinh doanh lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số trên Internet…

Ở Việt Nam, dịch vụ nội dung số hiện đang trong giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 55% mỗi năm và được đánh giá là phát triển khá ổn định trong thời gian qua.

Những con số lạc quan

Theo Sách trắng CNTT và Truyền thông Việt Nam năm 2010 được công bố tại sự kiện Toàn cảnh CNTT Việt Nam tháng Sáu vừa qua, toàn ngành CNTT luôn tăng trưởng 20-25%/năm từ năm 2000 trở lại đây. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, năm 2008, 2009 tốc độ tăng trưởng bị chậm lại và chỉ đạt 18,14%, với tổng doanh thu là 6,17 tỷ đô la Mỹ.

Trong bức tranh tổng thể đó, ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam là một ngành nổi bật và khẳng định được chỗ đứng của mình với mức tăng trưởng trên 55% mỗi năm, kể cả trong giai đoạn suy thoái 2008 và 2009.

Tính hết năm 2009, lĩnh vực này thu hút 500 doanh nghiệp với khoảng 41.000 lao động, tăng trưởng doanh thu gần 57% so với năm 2008 và đạt doanh thu 690 triệu đô-la Mỹ so với mục tiêu 400 triệu đô-la mỗi năm mà chính phủ đặt ra đến hết năm 2010.

Những con số trên khá khả quan, song nhìn chung, các lĩnh vực trong ngành phát triển chưa đồng đều khi lĩnh vực nội dung số trên di động đem lại doanh thu lớn nhất với 383,3 triệu đô-la năm 2009, chiếm gần 56%; trong khi đó, lĩnh vực nội dung số trên Internet còn nhiều mảng sáng tối so với tiềm năng thực của thị trường.

Mảng sáng của mạng xã hội

Thời gian qua, dịch vụ nội dung Internet trên các mạng xã hội được đánh giá là có nhiều điểm sáng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn như VTC và VNG dù phải đầu tư lâu dài vì khả năng tăng trưởng doanh thu và thu hồi vốn chậm.

Theo các chuyên gia CNTT thì việc tiếp tục đầu tư xây dựng mạng xã hội tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Yếu tố đầu tiên đến từ thị trường Internet có tốc độ tăng trưởng gần 11%/năm liên tục trong 10 năm qua và hiện Việt Nam có gần 30 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 20-25% tham gia các mạng xã hội.

Yếu tố thứ hai đến từ nhu của cầu người sử dụng Internet, đó là nhu cầu tăng kết nối để tạo lập mối quan hệ xã hội và giới trẻ ngày càng giảm thời gian tiếp xúc với phương tiện truyền thống và tăng thời gian giải trí trên mạng.

Yếu tố thứ ba đến từ môi trường bên ngoài, đó là thành công vang dội từ mô hình mạng xã hội trên thế giới có tác động trực tiếp đến các nhà cung cấp trong nước.

Trong tháng Năm vừa qua, Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC đã cho ra mắt mạng xã hội - giáo dục - giải trí tương tác trên ba nền tảng Internet, viễn thông và truyền hình tại địa chỉ www.goonline.vn. VTC cho hay đây là mạng xã hội hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ, từ hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ đến nội dung cung cấp. Goonline.vn đặt mục tiêu trở thành mạng thông tin số một của Việt Nam, chiếm 40-50% lưu lượng truy cập mạng xã hội vào năm 2015, có khả năng phục vụ đồng thời 4 triệu người sử dụng.

Để cạnh tranh với các mạng xã hội khác, VTC cho rằng Goonline.vn sẽ cạnh tranh bằng cổng giáo dục trực tuyến goEdu chính là phân hệ lớn nhất của mạng này. Cổng giáo dục này có sự hợp tác chặt chẽ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong tháng Tám, Công ty VNG cũng đã ra mắt mạng xã hội Zing Me tại địa chỉ http://me.zing.vn sau một năm chạy thử nghiệm. VNG cho hay đến nay Zing Me đã thu hút 5,1 triệu thành viên và lượt truy cập trên 450 triệu/tháng với đối tượng truy cập chủ yếu là học sinh và sinh viên.

Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG, nhận định hiện mạng xã hội đang phát triển ở mức bùng nổ, tuy nhiên về lâu dài sẽ chỉ có 2-3 mạng tồn tại, gây được ảnh hưởng đối với cộng đồng mạng. “Để tồn tại được, các mạng xã hội phải nâng cao tính tương tác với người sử dụng và phát triển nhiều ứng dụng mới hơn nữa”, ông Khải nói.

Nhìn nhận về tình hình phát triển mạng xã hội tại Việt Nam, bà Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng giám đốc Yahoo! Vietnam, cho rằng mạng xã hội là “một mảnh đất tốt” mà doanh nghiệp có thể phát triển kinh doanh trong dài hạn.Kể từ khi đóng cửa Yahoo!360 và chuyển sang Yahoo!360 Plus thì mạng này vẫn thu hút đông đảo thành viên. Đây là một nguồn lực không nhỏ, chính vì vậy mà Yahoo! đang hợp tác với Dell và Intel để phát triển mạng xã hội này trong thời gian tới.

Theo thống kê của của Google Ad Planner (GAP), công cụ đo đếm lượt truy cập và người sử dụng các trang web của Google, lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam trong tháng 7-2010 là 31 triệu, tăng 3 triệu so với tháng Sáu và lượt xem là 15 tỷ, tăng hơn 1 tỷ. Khoảng 80% các trang web của Việt Nam đều tăng trưởng, về cả lượng người sử dụng và lượt truy cập, 20% còn lại giảm không đáng kể.

Về mạng xã hội, Zing Me vẫn liên tục đứng đầu với 5,1 triệu thành viên và 450 triệu lượt xem. Hai mạng facebook.com và yume.vn đang so kè nhau vị trí nhì, ba khi có cùng lượng người dùng là 2,6 triệu. Tuy nhiên, facebook.com có lợi thế hơn về lượt xem nên đã chiếm được vị trí thứ nhì và đẩy yume.vn xuống hạng 3. Hạng 4 là mạng xã hội tamtay.vn (1,3 triệu người dùng). Hai mạng xã hội zooz.vn và goonline.vn tháng này không có tên trong bảng xếp hạng của mạng xã hội và cũng bị loại ra khỏi top 100 trang web Việt Nam.

Như vậy, theo thống kê này thì mạng xã hội đang là mảng thu hút nhiều người sử dụng nhất và có sự rượt đuổi gắt gao về thứ bậc trên thị trường nội dung Internet.

Mảng tối âm nhạc trực tuyến

Trong khi mạng xã hội thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư thì mảng âm nhạc trực tuyến đang ở giai đoạn thoái trào. Thị trường nội dung Internet đã có lúc chứng kiến sự bùng nổ của các trang web âm nhạc trực tuyến thì nay số trang web tồn tại và có ảnh hưởng đến thị trường chỉ còn rất ít. Và ngay cả doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn như Yahoo! Vietnam cũng đã đóng cửa trang web âm nhạc trực tuyến của mình vào hồi tháng 1-2009 với lý do xem xét lại chiến lược kinh doanh mới.

Hiện những trang web nhạc số gây ảnh hưởng lớn phải kể đến Nhaccuatui.com, Yeuamnhac.com, nhacso.net và Zing MP3.

Trao đổi với TBVTSG, ông Nhan Thế Luân, Tổng giám đốc NCT Corporation, đơn vị phát triển trang nhaccuatui.com, cho biết cách đây ba năm, khi dịch vụ ADSL bắt đầu phát triển mạnh thì việc nghe nhạc trực tuyến rất dễ dàng và cũng là thời điểm bùng nổ các trang web âm nhạc. Có lúc thị trường có hơn 200 trang web âm nhạc của các cá nhân, công ty…

“Tuy nhiên, sau một thời gian theo xu hướng của thị trường, các trang web có chất lượng thấp, khó sử dụng, không có đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường truyền… dần dần mất đi vì không đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh các chi phí tăng dần cho server, đường truyền, bản quyền… trong khi doanh thu (hầu hết là quảng cáo trực tuyến) cũng khó khăn khiến cho các trang web nhỏ dần mất đi và các dự án mới về trang webs âm nhạc không còn tiềm năng như ban đầu”, ông Luân nói.

Đồng quan điểm với nhaccuatui.com, ông Đinh Lê Đạt, Giám đốc nhacso.net, trang web được phát triển bởi FPT Online, cũng cho biết: “Thị trường âm nhạc trực tuyến ở Việt Nam trước đây được đánh giá là một lĩnh vực rất tiềm năng. Tuy nhiên, điều kiện ở Việt Nam rất khác với thế giới nên lĩnh vực này không thể phát triển được thành một thị trường lớn mạnh”.

Theo ông Đạt, nguyên nhân chủ yếu nhất là thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất chậm khi trong năm năm qua lĩnh vực này hầu như chưa có bước tiến nào đáng kể và chưa có một hình thức thanh toán chung nào cho các dịch vụ ở Việt Nam. Thêm vào đó, các dịch vụ thanh toán trực tuyến phổ biến ở nước ngoài lại chưa hoàn toàn chấp nhận Việt Nam.

Bên cạnh đó, người sử dụng Internet ở Việt Nam trước nay vẫn quan niệm tài nguyên trên Internet là “đồ chùa” nên quen xài miễn phí các dịch vụ này.

Vì những lý do đó, thị trường âm nhạc trực tuyến không phải là thị trường đúng nghĩa, mà chỉ là hình thức cho nghe nhạc trên mạng miễn phí. Các nhà cung cấp dịch vụ này chưa thu được tiền trực tiếp từ người dùng cuối (end-user) mà chủ yếu thu vào tiền quảng cáo vốn không nhiều.

Bên cạnh đó, việc trả tiền bản quyền để có quyền được phát nhạc cho hai cơ quan là Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả lại quá cao.

“Số tiền thu không gánh được số tiền chi đã đẩy các trang web nghe nhạc trực tuyến vào tình trạng khó khăn. Hệ thống âm nhạc bản quyền trực tuyến trên nhacso.net hiện nay đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng để chuẩn bị chuyển đổi sang một hệ thống mới vào cuối năm nay”, ông Đạt nói.

Ông Đạt tiết lộ rằng từ trước đến nay nhacso.net vẫn chủ yếu sống từ nguồn thu quảng cáo. Chiến lược sắp tới sẽ là chuyển đổi sang một sân chơi mạng xã hội nhạc trực tuyến 2.0 theo xu hướng social-media, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Theo một chuyên gia (không muốn nêu tên), hiện nay các trang web âm nhạc trực tuyến nhiều người sử dụng nhất là zing mp3 và nhaccuatui, được hậu thuẫn bởi những công ty, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính. Hầu như bất cứ bài nhạc nào cũng có trên hai hệ thống này và đặc biệt là miễn phí hoàn toàn (nghe và tải) nên đã thâu tóm gần hết số lượng người dùng. Đó là lý do chính của việc thị trường âm nhạc trực tuyến vắng bóng những tên tuổi mới.

Ông này cho rằng kinh doanh nhạc số hợp pháp là một ý tưởng liều lĩnh và có phần viển vông. Bởi chỉ tính riêng chi phí máy chủ cho một hệ thống nghe/tải nhạc, phải tốn hàng chục triệu đồng/tháng, trong khi khả năng thu phí còn “mờ mịt”.

Trao đổi về ý kiến này, ông Luân đồng ý rằng để xây dựng một hệ thống server, đường truyền… cần một khoản đầu tư tương đối lớn, trong khi đó nguồn thu mang lại chưa cao do người dùng Việt Nam chưa có thói quen trả tiền cho âm nhạc trực tuyến và luôn nghĩ rằng đây là dịch vụ miễn phí. Hiện tại, doanh thu của các trang web âm nhạc hầu hết là quảng cáo, còn thu tiền từ người dùng không đáng kể.

Về chuyện bản quyền thì nguyên tắc hoạt động cộng đồng của trang web nhaccuatui là do chính người dùng upload/đăng lên để nghe đúng như tên gọi của trang web là “nhạc của tui”. Các bài hát này rất đa dạng, từ các bài hát beat, bài do chính người dùng hát, clip do người dùng quay, các bài hát của các ca sĩ mới…

Tuy nhiên, NCT Corporation cũng cho rằng bản quyền là việc hết sức quan trọng và đã làm việc với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả, một số hãng đĩa ghi âm từ vài năm nay và hàng năm cũng trả một phần tương đối lớn chi phí bản quyền.

Để vượt qua khó khăn, ông Luân tiết lộ rằng thời gian tới bên cạnh trang web nhaccuatui.com, NCT Corporation cũng sẽ phát triển thêm các dịch vụ trong mảng giải trí như clip, phim, hình ảnh, tin tức, thương mại điện tử và một số sản phẩm mới theo xu hướng của thị trường đã thành công ở nước ngoài.

(Theo Thu Hiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Thiết kế sản phẩm và dịch vụ-nhóm làm việc hoàn hảo
  • CNTT và triển vọng đổi mới việc dạy và học
  • Internet sẽ làm marketing truyền thống biến mất?
  • Sử dụng phần mềm trong kinh doanh: Không đơn giản là vấn đề tuân thủ bản quyền
  • Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường ảo
  • Tính nhân văn của công nghệ
  • Công nghệ thông tin - những vấn đề đang tranh luận? (Phần 1)
  • Công nghệ thông tin - Những vấn đề đang tranh luận (Phần 2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com