Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khoảng trống chuyển giao công nghệ

Các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời hiện nay được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu. Ảnh: Kinh Luân.

Không phải đến khi tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay thì khái niệm năng lượng tái tạo mới thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc hội thảo chuyên đề hoặc trong các chương trình mục tiêu của cơ quan hoạch định chính sách. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã có từ khá lâu và được thúc đẩy trong một khoảng thời gian dài, nhưng vẫn còn những khoảng cách cần phải lấp đầy, cả trong nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ lẫn chính sách hỗ trợ.

Từ tháng 9-2010, TP.HCM quyết định thực hiện dự án đầu tư điện mặt trời cho người dân ở ấp Thiềng Liềng, Cần Giờ. Công trình được xây dựng vào đầu tháng Giêng năm nay và đến ngày 26-1, dự án hoàn thành và 174 hộ dân nơi vùng ngoại thành này đã có điện chiếu sáng. Nhờ dự án này, điện cũng đã đến được các cơ sở công cộng như ban quản lý ấp, trạm kiểm lâm, trạm y tế, Trường Tiểu học Thiềng Liềng, trạm hải quan và trạm kiểm soát biên phòng.

Trong thời gian qua, hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo đã được chứng minh trong thực tế. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành, phần lớn các dự án điện mặt trời hiện nay chỉ mang tính “trình diễn” vì suất đầu tư ban đầu cao nên khó thu hút nhà đầu tư. Cho đến nay thành công nhất vẫn là chương trình bình bước nóng mặt trời, vốn đang tăng trưởng ở mức 200%/năm.

Cửa vào thị trường đang mở

Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào lĩnh vực này, Công ty Kinh doanh Năng lượng Tuấn Ân vừa đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện mặt trời cho tòa nhà văn phòng ở quận Bình Tân, TP.HCM với công suất 70 kW/ngày. Cánh cửa vào thị trường năng lượng tái tạo đang dần mở ra. Cuối tháng Giêng, tập đoàn First Solar (Mỹ) được cấp giấy phép xây dựng nhà máy pin mặt trời ở Việt Nam với vốn đầu tư 1 tỷ đô-la Mỹ. Hãng Philips cũng dự định đầu tư sản xuất đèn LED ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tại thị trường này. Dù rằng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu, nhưng các chuyên gia đánh giá rằng tín hiệu trên là rất tốt trong thời điểm hiện nay khi các tập đoàn nước ngoài vừa mang công nghệ đến Việt Nam vừa thu hút sự chú ý của các nhà làm chính sách quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, họ lại kéo theo sự xuất hiện của ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời dẫn đường để cho các nhà đầu tư khác vào.

Một dự án điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: Kinh Luân.

Cùng với sự kiện First Solar vào Việt Nam, Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ (Red Sun) chuyên về pin mặt trời ở Long An cũng mở rộng việc đầu tư và sản xuất. Ông Huỳnh Kim Tước, Chủ tịch HĐQT của Red Sun, nói rằng ông không cảm thấy áp lực cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài, vì hai nhà máy sử dụng công nghệ và cho ra thị trường dòng sản phẩm khác nhau.

Theo ông Tước, ở Việt Nam hiện nay cần chú trọng đến vấn đề chuyển giao công nghệ hơn là nghiên cứu. Ông lấy ví dụ trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời, trong khi thế giới đã nghiên cứu và triển khai rất mạnh mẽ các công nghệ mới thì các nhà khoa học Việt Nam vẫn cứ miệt mài trong các đề tài hàn lâm, xa rời thực tế. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất pin mặt trời nhập về đều đã có đầy đủ các hướng dẫn chuyển giao công nghệ, và việc triển khai khá dễ dàng.

Phần lớn các doanh nghiệp trong nước mua toàn bộ dây chuyền về sản xuất, trong đó cũng đã có các chỉ dẫn về công nghệ, còn các nhà khoa học ở Việt Nam thì vẫn cứ nghiên cứu các đề tài về lĩnh vực này nhưng không thể triển khai được. Điều đó cho thấy có sự lãng phí và bất cập.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, dù có mức tăng trưởng nhanh, nhưng bộ phận quan trọng nhất trong bình là ống tạo nóng thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc, dù công nghệ không hề phức tạp. Một dây chuyền sản xuất chiếc ống này có giá 700.000 đô-la Mỹ, hiện nay một số doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng không đủ năng lực về tài chính.

Một ví dụ khác là việc thu hồi nhiệt phát thải trong các nhà máy để làm nhiên liệu cho nhà máy điện, vốn đang là một nhu cầu rất lớn thì thị trường vẫn còn bỏ ngỏ và các doanh nghiệp trong nước thường phải đi mua công nghệ của nước ngoài. Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM hiện đang tư vấn cho sáu doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy thu hồi nhiệt thải với tổng kinh phí 2.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp như Xi măng Công Thanh ở Thanh Hóa (300 tỷ đồng), Mía đường Đắc Lắc (320 tỷ), thép Hòa Phát (320 tỷ đồng)… đều phải mua công nghệ và thiết bị từ Trung Quốc.

Những yêu cầu mà thị trường đặt ra vẫn chưa được giới khoa học triển khai, và các nhà quản lý kho học - công nghệ vẫn chưa có các chính sách mang tính thúc đẩy thực sự, vì thế các đề tài nghiên cứu chủ yếu vẫn mang tính hàn lâm, thiếu tính thời sự của thị trường.

Những rào cản cần vượt qua

Giáo sư tiến sĩ Phan Hồng Khôi, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam nói với Thời báo Vi tính Sài Gòn rằng Việt Nam cần phải vượt qua một số rào cản lớn, mà đó cũng chính là nhiệm vụ của giới khoa học.

Rào cản thứ nhất đó là cần phải hoàn chỉnh công nghệ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đèn LED tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ của một bóng đèn tùy thuộc vào môi trường và công nghệ, nên có thể chỉ tồn tại được 10 năm, nhưng cũng có thể kéo dài đến 100 năm.

Rào cản thứ hai xuất phát từ yếu tố tiếp nhận của thị trường, dù các công nghệ này mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng. Chính vì thế cần có quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và cả những mô hình “trình diễn”.

Giá thành cũng chính là một rào cản lớn trong việc chinh phục thị trường, và việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp ứng dụng cũng cần phải được chú trọng, để thấy được sự hài hòa giữa việc đầu tư chi phí ban đầu cao với lợi ích lâu dài.

Ông Khôi dẫn chứng từ câu chuyện tiêu thụ máy tính xách tay (laptop) và điện thoại di động – vốn là những thiết bị công nghệ có giá thành rất cao khi mới xuất hiện trên thị trường. Nhưng dần dần với sự phát triển và hoàn chỉnh công nghệ, các mặt hàng này không những giá thành ngày càng rẻ mà các ứng dụng cũng ngày càng được phát triển hơn. Điều đó cho thấy rằng các thiết bị sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như pin mặt trời, điện gió hay đèn LED, sẽ nhanh chóng đi đúng lộ trình và trở nên phổ biến.

Vì đó là công nghệ của tương lai, nên giai đoạn này, theo ông Khôi, là khoảng thời gian để cả nhà phát triển công nghệ và người tiêu dùng nhận thấy ưu và nhược điểm của các công nghệ, từ đó có những bước chuẩn bị cho giai đoạn sử dụng đại trà sau này. Đối với vấn đề nghiên cứu, ông Khôi nói rằng các nghiên cứu cần tránh mang tính hàn lâm, mà chủ yếu là nghiên cứu để nắm bắt công nghệ, để rồi nhập khẩu và chuyển giao công nghệ. Hiện nay thị trường đã có nhà lắp ráp, sản xuất, và họ tìm nơi ứng dụng nhưng để các công nghệ này được phổ biến thì cần phải có thời gian.

Theo các số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, hằng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 tỷ đô-la Mỹ liên quan đến thiết bị công nghệ, nhưng xuất khẩu thì rất thấp do bởi không đón đầu được chu kỳ về chuyển đổi thế hệ công nghệ. Chẳng hạn vòng đời của một công nghệ trung bình 10 năm chuyển đổi một lần. Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời, 10 năm trước các nước đang phát triển ở châu Á không thể sản xuất được thì hiện nay nhiều nền kinh tế tại khu vực này đã trở thành nơi cung ứng cho toàn thế giới.

Các chuyên gia cũng cho rằng ở Việt Nam hiện nay, các công ty nước ngoài không chú trọng nhiều đến việc chuyển giao công nghệ, mà chỉ tận dụng lợi thế chi phí thấp, chính sách ưu đãi của nhà nước. Trong khi đó, cách làm của Chính phủ Trung Quốc là yêu cầu các nhà đầu tư phải có lộ trình chuyển giao công nghệ cụ thể khi đầu tư vào nước này. Cũng chính vì thế, Trung Quốc ngày nay trở thành cường quốc sản xuất turbine điện gió, cũng như đang đẩy mạnh việc sản xuất và chiếm lĩnh thị trường pin mặt trời. Các nhà sản xuất điện mặt trời và điện gió ở Trung Quốc ngoài việc hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của các địa phương cũng đang tận dụng chính sách trợ giá cho người tiêu dùng ở các thị trường tiêu thụ châu Âu.

Những động thái ban đầu về chuyển giao công nghệ trong ngành năng lượng

Phó chủ tịch tập đoàn GE (Mỹ), ông John G. Rice, khẳng định Việt Nam là một thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Thông tin trên được ông Rice đưa ra trong cuộc hội thảo diễn ra vào cuối tháng Hai tại TP.HCM, khi ông chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác giữa GE Energy và tập đoàn Công Thanh của Việt Nam. Với thỏa thuận này, tập đoàn GE Energy sẽ tham gia cung cấp thiết bị, giải pháp cho các dự án về năng lượng, phân bón và cơ sở hạ tầng của Công Thanh. Cụ thể, GE sẽ cung cấp các tổ máy cho Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 600 MW tại khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỉ đồng và sẽ được xây dựng trong vòng 30 tháng.

Trước đó, tập đoàn Siemens (Đức) cũng cho biết đang tìm kiếm cơ hội trong việc chuyển giao công nghệ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các mục tiêu nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Jens Wegmann, Tổng giám đốc bộ phận giải pháp công nghiệp của Siemens, cho biết hãng sẽ tập trung cung cấp các sản phẩm và công nghệ dễ sử dụng và nâng cấp, phù hợp với ngân sách của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài việc tìm cơ hội cung cấp thiết bị, công nghệ và giải pháp cho các dự án điện đang và sẽ đi vào hoạt động tại Việt Nam, Siemens cũng nhắm đến mục tiêu bán thiết bị và giải pháp cho các dự án trong lĩnh vực y tế.

(Bình Nguyên)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Giảm chi phí quảng cáo nhờ áp dụng công nghệ cao
  • Những sáng kiến không dây thế hệ mới
  • Báo in, khoan sợ!
  • Bùng nổ các vụ tin tặc có ý đồ chính trị
  • Những trang web bị các doanh nghiệp cấm cửa
  • Facebook đã tìm được giám đốc phát triển ở Việt Nam?
  • Năm sáng tạo của năm năm tới
  • iPhone giá “bèo” sẽ nhỏ và rẻ bằng nửa bình thường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com