Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mười tiêu chuẩn để đưa tin khoa học

Minh họa: Khều

Dù không phải là những nhà khoa học chuyên sâu, giới báo chí có thể áp dụng 10 tiêu chuẩn để đánh giá thông tin khoa học để đưa tin có chất lượng, chính xác, khách quan. Mười tiêu chuẩn này không sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng, mà theo thứ tự quy trình khoa học. Bài này chỉ bàn về truyền thông khoa học, chủ yếu là y khoa (chưa bàn đến truyền thông chính trị - xã hội).

Tiêu chuẩn 1: Chất lượng thông tin và bằng chứng

Khoa học và truyền thông có cùng một mẫu số: kết luận phải dựa vào bằng chứng. Bằng chứng có chất lượng thường được thu thập và xử lý từ những công trình nghiên cứu có hệ thống, hiểu theo nghĩa nghiên cứu làm đúng quy trình khoa học. Quy trình khoa học chuẩn là đề xuất giả thuyết và ý tưởng; phương pháp đo lường hay thu thập dữ liệu có độ tin cậy cao và chính xác; xử lý dữ liệu đúng phương pháp khoa học; và diễn giải dữ liệu phải phù hợp với kết quả nghiên cứu. Thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà khoa học diễn giải dữ liệu một cách chủ quan (tức theo ý của mình), chứ không phù hợp với dữ liệu nghiên cứu.

Vì vậy, phóng viên phải làm quen với quy trình khoa học để có thể thẩm định thông tin có đáng tin cậy và đáng được công bố cho công chúng. Ngoài ra, chỉ khi nào một thông tin đã qua bình duyệt của cộng đồng khoa học, được công bố trên tập san khoa học, và qua tái thẩm định của cộng đồng khoa học thì mới được xem là tri thức mới. Ở nước ta, rất nhiều thông tin về những “phát hiện”, “phát triển mới”, kể cả tế bào gốc, trong thực tế chưa bao giờ được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, nên rất khó đánh giá giá trị khoa học của những thông tin như thế.

Tiêu chuẩn 2: Ý tưởng có thật sự mới?

Trong số 78 thuốc do Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn năm 2002, chỉ có 17 thuốc thật sự mới. Tuy nhiên, vì nhu cầu tiếp thị nên nhiều trung tâm khoa học và công ty thường đưa ra những thông cáo báo chí mô tả những phát hiện của họ là mới. Do đó, đứng trước một thông cáo báo chí của trung tâm khoa học, hay một bản tin của báo chí phương Tây, cần phải hoài nghi rằng đây có thật sự là một phát hiện độc đáo, một đột phá trong ngành.

Tiêu chuẩn 3: Định lượng lợi ích bằng con số tuyệt đối

Nếu trong một nghiên cứu, thuốc A giảm tỷ lệ tử vong từ 2% xuống còn 1%, thì có hai cách phổ biến để mô tả hiệu quả đó. Cách thứ nhất là nói rằng thuốc có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong 50%. Cách thể hiện thứ hai là phát biểu rằng thuốc làm giảm nguy cơ tử vong 1%. Con số thứ nhất (giảm 50%) là con số tương đối; cách thể hiện thứ hai (giảm 1%) được tạm gọi là con số tuyệt đối. Giới tiếp thị rất thích con số tương đối để bán thuốc. Giới khoa học cũng thích con số tương đối để thổi phồng ảnh hưởng hay hiệu quả điều trị mà họ ghi nhận. Đứng trên phương diện toán, cả hai cách thể hiện đều đúng, nhưng trong thực tế, cách thể hiện con số tương đối có khi là một... ngụy biện. Giới phóng viên cần phải đòi hỏi nhà nghiên cứu trình bày bằng con số tuyệt đối, bởi vì đó là con số thật, phản ảnh hiệu quả thấy được trong thực tế.

Tiêu chuẩn 4: So sánh phương pháp mới với phương pháp hiện hành

Bất cứ một phương pháp mới phát hiện hay ý tưởng mới đề xuất đều phải dựa vào những ý tưởng trong quá khứ hay hiện hành. Trong y khoa, rất nhiều phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị đều được phát triển trên cơ sở những gì đang có. Do đó, khi đưa tin, phóng viên cần phải so sánh thuật điều trị mới với thuật điều trị hiện hành. Một loại thuốc mới điều trị ung thư có thể có hiệu quả tốt (qua những con số), nhưng công chúng muốn biết thêm rằng hiệu quả này có tốt bằng hay có tính an toàn thấp hơn so với thuốc hiện hành.

Tiêu chuẩn 5: Nên đề cập đến chi phí

Cách đây vài năm, giới báo chí rộ lên câu chuyện một loại thuốc mới có tên là Stutent (sunitinib) rất hiệu quả trong điều trị ung thư. Thế nhưng khi người ta xem xét kỹ kết quả thì thuốc có hiệu quả làm chậm sự phát triển của ung thư khoảng... sáu tháng. Trong khi đó, chi phí thuốc điều trị lên đến 54.000 đô la Mỹ. Nếu chỉ biết hiệu quả của thuốc, thì thông tin cũng chưa đầy đủ. Công chúng cần biết - và giới phóng viên cần phải tìm hiểu và cung cấp thêm - thông tin về tác hại cũng như chi phí của thuốc, để xác định loại thuốc nào hay thuật điều trị nào đáng “đồng tiền bát gạo”.

Tiêu chuẩn 6: Định lượng tác động tiêu cực

Hầu hết những liệu pháp điều trị, dù là những thuốc được bào chế bằng công nghệ hiện đại nhất như công nghệ sinh học, đều có những tác hại bên cạnh những tác động tích cực. Chẳng hạn như một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khá hiệu quả, nhưng nghiên cứu cho thấy thuốc có tác hại tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, và tăng nguy cơ mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim và suy tim. Phẫu thuật cũng có những nguy cơ gây biến chứng, và nguy cơ cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, một cách đưa tin công bằng và cân đối là cung cấp tác động tích cực, nhưng cũng không nên bỏ qua những tác động tiêu cực mà có khi bệnh nhân và công chúng rất cần biết.

Tiêu chuẩn 7: Xem xét đến yếu tố tiếp cận và ứng dụng trong thực tế

Hầu hết những loại thuốc mới đều do các công ty dược nước ngoài (chủ yếu là Mỹ và châu Âu) phát triển và bào chế. Khi thuốc được phê chuẩn cho sử dụng trong điều trị, cũng không có nghĩa là bệnh nhân Việt Nam sẽ được tiếp cận thuốc đó nay mai. Ngoài ra, vì chi phí quá cao, nên ngay cả khi thuốc có trên thị trường ở Việt Nam, số bệnh nhân có khả năng tài chính để theo điều trị cũng chẳng bao nhiêu.

Bên cạnh đó, có những bản tin và những khám phá khoa học rất ngoạn mục, nhưng trong thực tế chẳng có ý nghĩa gì cho bệnh nhân! Ví dụ những khám phá về điều trị và nguyên nhân của bệnh trên chuột sẽ rất khó có thể ứng dụng cho bệnh nhân. Những liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc và tiềm năng của nó (mà giới báo chí có thời gian rất “ồn ào”) trong thực tế cũng rất khó ứng dụng cho điều trị bệnh nhân, hay có cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, cách đưa tin về triển vọng mà không xem xét đến khả năng ứng dụng trong thực tế gây ra hy vọng ảo cho người bệnh, và cách đưa tin như thế có thể nói là không phù hợp với nguyên lý của truyền thông thực chứng.

Tiêu chuẩn 8: Tránh xu hướng giật gân và gây sợ hãi

Một trong những điểm đáng phê phán nhất trong giới báo chí, nhất là báo chí phương Tây, là xu hướng gây sợ hãi trong cộng đồng. Cách đưa tin về dịch cúm H5N1, H1N1 trong thời gian qua là một ví dụ tiêu biểu. Quy mô của vấn đề thật ra rất nhỏ so với cúm thông thường, nhưng với cách trình bày con số tăng hai lần, ba lần, kèm theo những hình ảnh ghê rợn của đại dịch vào đầu thế kỷ 20, làm cho thế giới hoang mang.

Cũng cần phải nhấn mạnh đến hai khái niệm: nguy cơ mắc bệnh và mắc bệnh. Một xét nghiệm với kết quả dương tính cũng không có nghĩa là cá nhân đó mắc bệnh, mà chỉ có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh cao hơn người có kết quả âm tính. Do đó, một phát hiện về yếu tố nguy cơ cần phải đặt trong một bối cảnh chung để diễn giải đúng ý nghĩa của “yếu tố nguy cơ”.

Tiêu chuẩn 9: Truy tìm những mâu thuẫn về lợi ích

Ngày nay, mối liên hệ đa chiều và tương tác giữa giới khoa học và kỹ nghệ là một điều tất yếu. Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều người trong giới khoa học chịu sự chi phối của giới kỹ nghệ trong những phán xét của mình. Hệ quả là nhiều phác đồ điều trị do các giáo sư soạn ra đều bị xem là có sự tác động của kỹ nghệ dược, bởi vì hầu hết những giáo sư này nhận tiền “tư vấn” từ các công ty dược. Ở nước ta, báo chí đã phanh phui một số bác sĩ nhận huê hồng từ các công ty dược ở mức độ làm cho thế giới y khoa quốc tế phải kinh ngạc. Với khả năng tài chính và “kỹ thuật” tiếp thị, kỹ nghệ dược có thể biến các giáo sư, tiến sĩ thành những người tiếp thị cho họ. Do đó, trước một bản thông cáo báo chí hay bản tin từ báo chí phương Tây, phóng viên cần phải truy tìm xem nhà khoa học trong bản tin đó có liên hệ gì với kỹ nghệ dược hay không.

Tiêu chuẩn 10: Không nên lệ thuộc vào thông cáo báo chí của giới khoa học

Cách đây vài năm, một quan chức Bộ Y tế cho biết “các nghiên cứu khoa học khẳng định, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp”. Nhưng qua truy tìm y văn thì người ta mới phát hiện con số 47% không đề cập đến “các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa” mà nói đến một bệnh cụ thể là tiêu chảy. Một phân biệt quan trọng khác là con số 47% này không phải là ngăn chặn 47% ca bệnh, mà là giảm nguy cơ mắc bệnh. Hai điều này (“ngăn chặn ca bệnh” và “giảm nguy cơ mắc bệnh”) rất khác nhau, chứ không có cùng nghĩa.

Vì thế, giới phóng viên cần phải có thái độ hoài nghi. Hoài nghi không có nghĩa là bác bỏ thông tin của giới khoa học, mà có nghĩa là phải phân biệt được đâu là dữ liệu (fact) và đâu là ý kiến của chuyên gia. Để tìm dữ liệu, phóng viên phải truy tầm cho được công trình nghiên cứu gốc (hay bài báo khoa học) và bỏ thì giờ xem xét dữ liệu, đối chiếu với những phát biểu trong bản thông cáo báo chí.

Ngoài ra, điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là dữ liệu có liên quan đến vấn đề. Do đó, đối với báo chí, nếu chỉ đơn thuần cung cấp những dữ liệu, ý kiến, hay thậm chí con số từ một nghiên cứu chưa thể xem là bằng chứng khoa học được. Phóng viên cần phải vượt ra ngoài những dữ liệu giới khoa học cung cấp, bằng cách phân tích và đối chiếu với bối cảnh cộng đồng để giúp cho người đọc (công chúng) hiểu vấn đề một cách thấu đáo. Trong chiều hướng đó, hy vọng rằng những tiêu chuẩn trên đây sẽ giúp cho giới phóng viên nước ta, nhất là giới phóng viên khoa học, tiếp cận và thực hành truyền thông theo nguyên lý của truyền thông thực chứng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Khi doanh nghiệp di động
  • Lộ trình “lên mây”
  • Vai trò của nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ
  • Bảo mật và đám mây
  • Liệu “đám mây” có giúp giảm chi phí?
  • Thương mại điện tử là công cụ đắc lực và hiệu quả của DN
  • Bài học đầu tư CNTT từ những công ty tài chính hàng đầu
  • Cục diện viễn thông đã khác
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com